Ứng dụng khóa giá trong phát triển chuỗi giá trị nông sản Tây Bắc

Ngô Vĩnh Bạch Dương - Viện Nhà nước và Pháp luật

Diễn đàn Kết nối sản xuất và thương mại nông lâm sản các tỉnh Tây Bắc được Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Sơn La, Hội Làm vườn tổ chức ngày 1/7/2025. Có rất nhiều kiến nghị được đưa ra, tuy vậy các công cụ tài chính nhằm phòng vệ biến động giá lại không được đề cập – dù nó hết sức quan trọng đối với mọi nền sản xuất hàng hóa.

Phần lớn nông dân và hợp tác xã thiếu kiến thức chuyên sâu về các công cụ phòng ngừa rủi ro tài chính.
Phần lớn nông dân và hợp tác xã thiếu kiến thức chuyên sâu về các công cụ phòng ngừa rủi ro tài chính.

Bối cảnh nông nghiệp Tây Bắc và thách thức biến động giá

Dù đóng góp lớn vào GDP, nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt tại Tây Bắc, vẫn đối mặt thường xuyên với tình trạng “được mùa mất giá”, gây tổn thất thu nhập, phá vỡ kế hoạch sản xuất và ảnh hưởng đến tính bền vững của ngành. Ví dụ, cà phê Arabica của Sơn La – dù là thế mạnh xuất khẩu – vẫn chịu áp lực giá giảm do chỉ đạt grade 2-3, phần lớn vì điều kiện địa lý không đủ tiêu chuẩn cho sản phẩm cao cấp.

Khi giá thị trường thế giới biến động, đầu ra Arabica trở nên bấp bênh. Trong khi đó, bảo hiểm nông nghiệp hiện nay chủ yếu chỉ bảo vệ sản lượng, chưa bao phủ rủi ro giá, để lại một khoảng trống lớn trong quản lý rủi ro thu nhập.

Việc ứng dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro giá như khóa giá (hedging) sẽ giúp lấp đầy khoảng trống này. Kết hợp hedging với các công cụ bảo hiểm hiện hữu sẽ tạo ra một khung quản lý rủi ro toàn diện hơn. Điều này rất cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp bền vững và nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm địa phương.

Hiểu về khóa giá - Công cụ phòng vệ biến động giá cho nông sản

Khóa giá (hedging) là một chiến lược tài chính nhằm giảm thiểu hoặc trung hòa rủi ro biến động giá bất lợi của một tài sản cơ sở thông qua việc thực hiện một vị thế đối ứng trên một công cụ phái sinh trên sàn giao dịch.

Nguyên tắc cơ bản của khóa giá là tạo ra các "vị thế đối ứng nhưng bằng nhau trên thị trường giao ngay và thị trường tương lai". Ví dụ, một nông dân dự kiến thu hoạch 10 tấn ngô trong ba tháng tới có thể mở vị thế bán 10 tấn ngô theo hợp đồng tương lai trên sàn giao dịch khi giá đang có lợi.

Hành động này giúp bảo vệ người nông dân khỏi nguy cơ giảm giá vào thời điểm thu hoạch. Ngược lại, một nhà chế biến thức ăn chăn nuôi cần mua ngũ cốc theo kế hoạch sắp tới có thể mở vị thế mua hợp đồng tương lai khi giá đang còn rẻ.

Mục tiêu chính của khóa giá là “giảm thiểu rủi ro từ một biến động giá bất lợi” và quan trọng hơn là "đảm bảo một mức lợi nhuận chắc chắn" cho người thực hiện khóa giá. Từ đó, mang lại sự ổn định tài chính cao hơn.

Điều cần nhấn mạnh là khóa giá trong nông nghiệp chủ yếu là một chiến lược bảo vệ sản xuất chứ không phải một hoạt động đầu cơ kiếm lời. Sự phân biệt này là cực kỳ quan trọng đối với các bên liên quan trong nông nghiệp, những người quan tâm hàng đầu đến thu nhập ổn định và có thể dự đoán được để duy trì hoạt động sản xuất, thay vì tham gia vào các hoạt động đầu cơ rủi ro cao.

Các công cụ tài chính phái sinh thường được sử dụng trong nông nghiệp là hợp đồng tương lai (futures contracts); hợp đồng quyền chọn (options contracts); hợp đồng kỳ hạn (forward contracts).

Trong các công cụ này, hợp đồng tương lai có tính tiêu chuẩn hóa cao được giao dịch tại các sàn giao dịch tập trung, có thể mang lại những lợi thế đáng kể để giảm thiểu rủi ro không chỉ là biến động giá, mà còn các rủi ro đối tác (counterpart risks), như đơn phương hủy hợp đồng, hủy đặt cọc...

Tiềm năng áp dụng

Tại Việt Nam, thị trường giao dịch hàng hóa tập trung quy mô quốc gia được thành lập chưa lâu. Hiện tại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) là đơn vị duy nhất còn hoạt động. MXV hiện cũng đã kết nối trực tiếp với các sàn quốc tế như ICE và CME, cho phép truy cập giá hàng hóa thế giới theo thời gian thực.

Trên nền tảng MXV, nhiều sản phẩm nông nghiệp được niêm yết hợp đồng tương lai để giao dịch, từ ngô, lúa mì, đậu tương đến các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như cà phê, cao su, đường và ca cao. Sự phát triển của sàn giao dịch tập trung là một bước tiến trong quá trình hội nhập và hiện đại hóa nền kinh tế hàng hóa Việt Nam.

Một bước đột phá gần đây là việc giới thiệu “Hợp đồng tương lai micro nông sản” cho các mặt hàng như ngô, lúa mì, đậu tương, dầu đậu tương và khô đậu tương. Các hợp đồng này có quy mô nhỏ, với yêu cầu ký quỹ thấp, giúp nông dân và nhà đầu tư nhỏ dễ tiếp cận hơn.

Dù quy mô nhỏ, các hợp đồng vẫn duy trì tính thanh khoản cao, liên kết với sàn quốc tế, cho phép giao dịch hai chiều và đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu. Đây là một điều kiện tốt để nông dân và các hợp tác xã có thể chủ động tham gia thị trường phòng ngừa rủi ro.

Các thách thức

Việc áp dụng hedging trong nông nghiệp Tây Bắc hiện gặp nhiều thách thức cả về nhận thức lẫn điều kiện thực tiễn. Trước hết, phần lớn nông dân và hợp tác xã thiếu kiến thức chuyên sâu về các công cụ phòng ngừa rủi ro tài chính, khiến chúng trở nên xa lạ và khó áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Nguồn lực tài chính hạn chế và khả năng tiếp cận vốn yếu kém làm gia tăng rào cản, ngay cả khi chi phí tham gia ban đầu đã được điều chỉnh giảm.

Sản xuất nông nghiệp vẫn mang tính manh mún, đất đai phân tán khiến việc tiêu chuẩn hóa và tích lũy đủ khối lượng hàng hóa để giao dịch phòng ngừa rủi ro trở nên khó khăn. Công cụ phái sinh cũng đòi hỏi năng lực giám sát và điều chỉnh liên tục, vượt ngoài khả năng của phần lớn nông dân nhỏ.

Bên cạnh đó, mối liên kết trong chuỗi giá trị còn lỏng lẻo, vi phạm hợp đồng thường xuyên, làm suy yếu niềm tin và tăng rủi ro đối tác trong các giao dịch phòng ngừa. Nhiều nông sản đặc thù của Tây Bắc không có hợp đồng tương lai phù hợp, ví dụ như mắc khén, sâm Lai Châu… dẫn đến rủi ro cơ sở trong thực hiện hedging.

Bảo hiểm nông nghiệp đã được triển khai, nhưng chủ yếu bao phủ rủi ro thiên tai, chưa giải quyết được rủi ro về giá. Ngoài ra, sự thiếu hụt các mô hình thành công cụ thể càng khiến nông dân ngần ngại áp dụng thử nghiệm. Tất cả những yếu tố này tạo nên một bức tranh phức tạp, đòi hỏi phải có giải pháp toàn diện từ chính sách đến nâng cao năng lực thực hiện ở cấp cơ sở.

Giải pháp và những khuyến nghị thúc đẩy Hedging cho nông nghiệp Tây Bắc

Những thách thức đối với việc áp dụng hedging trong nông nghiệp Tây Bắc là đa diện, vượt ra ngoài khả năng tiếp cận tài chính đơn thuần. Đó còn là những thiếu hụt về nguồn nhân lực, các vấn đề cấu trúc sản xuất (quy mô, liên kết chuỗi giá trị) và sự thiếu tin tưởng chung vào các công cụ tài chính xa lạ. Để vượt qua các thách thức và khai thác tiềm năng của hedging, một loạt các giải pháp đồng bộ và phối hợp là cần thiết.

Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức và đào tạo chuyên sâu về hedging cho nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Các khóa học có cấu trúc về công cụ phái sinh hàng hóa, từ cấp độ cơ bản đến nâng cao cần được tiếp tục thực hiện. Các chương trình hiện có này cần được điều chỉnh cụ thể để tiếp cận nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp tại khu vực Tây Bắc.

Thứ hai, cần phát triển các sản phẩm hedging linh hoạt, phù hợp với đặc thù nông sản và quy mô sản xuất của Tây Bắc. Theo đó, cần tận dụng hiệu quả hợp đồng tương lai micro nông sản do MXV cung cấp với yêu cầu vốn thấp. Đồng thời, nên nghiên cứu khả năng niêm yết thêm các đặc sản địa phương như cam, chè nhằm mở rộng tham chiếu giá và giảm rủi ro cơ sở. Việc này sẽ giúp công cụ phòng ngừa rủi ro phù hợp hơn với điều kiện nông nghiệp vùng.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích hợp tác trực tiếp giữa hợp tác xã và doanh nghiệp lớn để phát triển các hợp đồng kỳ hạn tùy chỉnh, có thể được hỗ trợ bởi nhà nước hoặc tổ chức tài chính.

Hệ thống công cụ hiện nay vẫn cần điều chỉnh linh hoạt để đáp ứng tính đa dạng của nông sản Tây Bắc. Điều đó đòi hỏi đổi mới thị trường và sự phối hợp chặt chẽ giữa MXV (hoặc các sở giao dịch mới sẽ được thành lập sau này), chính quyền và doanh nghiệp. Mục tiêu cuối cùng là tạo ra cơ chế phòng ngừa rủi ro sát thực tế, đồng thời nâng cao giá trị cho nông sản, đặc sản vùng miền.

Thứ ba, cần tăng cường liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp, ngân hàng và nông dân để tạo cơ chế hỗ trợ hedging. Theo đó, cần đẩy mạnh mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ theo hợp đồng giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp nhằm thiết lập cơ chế chia sẻ rủi ro giá cả rõ ràng. Các hợp đồng này có thể trở thành cơ sở để các tổ chức tài chính cung cấp tín dụng gắn với hedging của người được cấp tín dụng. Đồng thời, cần khuyến khích các tổ chức tài chính phát triển các sản phẩm tài chính tích hợp hedging như khoản vay kèm điều khoản phòng ngừa rủi ro hoặc dịch vụ tư vấn công cụ phái sinh.

Nhà nước, cuối cùng, vẫn giữ vai trò then chốt trong việc hồi sinh và nâng cao hiệu quả cơ chế “kết nối 4 nhà” để hỗ trợ các liên kết này. Hedging cần được xem là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, thay vì chỉ là công cụ tài chính riêng lẻ. Đây không chỉ là yêu cầu cấp thiết với Tây Bắc mà còn cho toàn bộ nền nông nghiệp hàng hóa của Việt Nam.