Điểm sáng của nền kinh tế
(Tài chính) Trái với suy nghĩ của nhiều người, lạm phát thấp, hiện tại ở mức 1,8% so với tháng 12/2013 (và 4,3% so với tháng 8/2013), hoàn toàn không phản ánh “tổng cầu yếu”.
Sau những năm mải mê chạy theo tăng trưởng một cách bất cẩn gây ra lạm phát cao đến 2 chữ số với thâm hụt thương mại lớn và áp lực lên tỷ giá, năm nay đã chứng kiến những thành công bước đầu của chính sách kinh tế ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô được đánh dấu bằng mức lạm phát thấp, xuất siêu, nhưng tăng trưởng GDP vẫn có khả năng đạt 5,8%, tức cao hơn so với 5,4% năm 2013, và là mức cao so với khu vực và thế giới.
Như vậy, có thể thấy điểm sáng hiện tại trong nền kinh tế là sự ổn định kinh tế vĩ mô tạo điều kiện để nền kinh tế tăng trưởng lành mạnh và bền vững trong trung hạn. Trái với suy nghĩ của nhiều người, lạm phát thấp, hiện tại ở mức 1,8% so với tháng 12/2013 (và 4,3% so với tháng 8/2013), hoàn toàn không phản ánh “tổng cầu yếu”.
Có mấy căn cứ để bác bỏ lập luận “tổng cầu yếu” này. Thứ nhất, tổng cầu yếu thường đi kèm với mức lạm phát thấp như ở nhiều nước phát triển, chẳng hạn EU và Nhật, nơi mà tăng trưởng GDP luôn ngấp nghé ở mức 0% hoặc là âm, hoặc có chiều hướng giảm sút dần theo thời gian. Điều ngược lại ở Việt Nam là tăng trưởng GDP đã có xu hướng ổn định và tăng dần lên đến mức khá, thậm chí có thể đạt tới 5,8% năm nay, một mức ít thấy ở nhiều nơi khác trong khu vực và trên thế giới trong năm nay. GDP tăng trưởng khả quan như vậy thì chẳng có lý do gì để nghĩ rằng tổng cầu yếu, trừ khi người ta cho rằng tổng cầu với GDP là 2 thứ khác nhau, hoặc ít ra là không liên hệ với nhau.
Căn cứ thứ hai là mức thất nghiệp. Thường tổng cầu yếu sẽ đi kèm với tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt do nền kinh tế trì trệ, như ở Mỹ và EU. Nhưng ở Việt Nam, theo thông tin của Viện Khoa học Lao động và Xã hội Việt Nam, hiện tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam đã giảm xuống chỉ còn 1,84%, và đây là thời điểm sáng nhất trong thị trường lao động trong 1 năm qua. Và cứ cho là con số tỷ lệ thất nghiệp này là quá đẹp và tỷ lệ thất nghiệp có thể cao hơn, nhưng bản thân con số này cho thấy xu hướng là thất nghiệp đang giảm đi, và đây mới là điều quan trọng cho thấy nỗi lo “tổng cầu yếu” ở Việt Nam là rất thiếu cơ sở.
Căn cứ thứ ba là niềm tin tiêu dùng. Theo báo cáo mới đây nhất của ngân hàng ANZ, chỉ số niềm tin tiêu dùng người Việt Nam đã tăng cao nhất kể từ tháng 3 năm nay, đạt 135,5 điểm, với đa số người được khảo sát cho biết tình hình tài chính tốt lên, và môi trường kinh tế vĩ mô sẽ tốt trong các tháng tới và năm tới. Không cần nói cũng rõ rằng thông thường trong một nền kinh tế trì trệ, người dân không dám tiêu dùng nhiều thì sẽ không bao giờ có được những kết quả khảo sát có mầu hồng như thế này. Và lưu ý rằng đây là khảo sát của ANZ, một ngân hàng phi nhà nước, không chịu áp lực phải “sản xuất” ra những báo cáo tô điểm cho chính sách của nhà nước.
Chưa kể đến những chỉ tiêu gián tiếp phản ánh tổng cầu khác ví dụ như chỉ số bán lẻ ròng, cũng cho thấy một bức tranh sáng sủa khi chỉ số này tăng 6,3% trong 7 tháng đầu năm nay so với 7 tháng cùng ký năm ngoái. Nếu đã là tổng cầu yếu thì hoặc là con số 6,3% tăng này là con số không có thật, hoặc quan niệm “tổng cầu yếu” là sai lầm.
Ngược lại, những căn cứ hậu thuẫn cho luồng ý kiến “tổng cầu yếu” thì lại rất... yếu! Phái “tổng cầu yếu” này thường viện dẫn căn cứ đầu tiên là lạm phát thấp. Nhưng lạm phát thấp lại có thể là kết quả của nhiều yếu tố khác, chứ không phải là tổng cầu yếu. Ngay bản thân Tổng cục Thống kê đã vạch ra thực tế này. Và chỉ cần đặt những câu hỏi ngược như thế này: chẳng lẽ giá xăng giảm và được mùa nông nghiệp, cũng như giá cả hàng hóa thế giới hạ đi, làm cho lạm phát trong nước giảm đi lại là biểu hiện của tổng cầu yếu đi ở Việt Nam hay sao v.v... là có thể thấy sự vô lý trong lập luận của phái “tổng cầu yếu”.
Hoặc nếu muốn nữa thì có thể tiếp tục hỏi theo chiều thuận là chẳng lẽ vì để cải thiện tổng cầu thì cứ “thả lỏng” cho các loại giá cả, từ dịch vụ y tế, giáo dục, điện, xăng, sữa, lương thực v.v... mà trong số chúng có nhiều mặt hàng đang thuộc diện được bình ổn bởi nhà nước, cốt là làm cho lạm phát tăng lên, từ đó làm tăng tổng cầu ư?
Không thể nhìn con số tăng trưởng tín dụng trên 4% trong 8 tháng qua như là một thảm họa cho tổng cầu, và chẳng có lý gì cứ phải cố gắng bằng mọi giá “thúc” tăng trưởng tín dụng phải là 12-14% để mong đạt được tăng trưởng GDP là 5,8% trong năm nay.
Cần lưu ý là chuyện “tổng cầu yếu” cũng xuất hiện ngay trong các báo cáo về tình hình kinh tế trong những tháng, quý qua của các cơ quan hữu quan. Trong khi đó, các báo cáo này đã và vẫn thể hiện một thái độ khá là lạc quan khi công bố những kết quả đã đạt được. Nếu đã là “tổng cầu yếu” thì hoặc là các cơ quan hữu quan không thể nhìn nhận một cách lạc quan những kết quả đã đạt được, coi đó như là sự phấn đấu nỗ lực và thành tích của mình, hoặc là các cơ quan này đã bị “cuốn theo” sự sai lầm trong quan niệm thế nào là tổng cầu yếu.
Và cuối cùng, một số phân tích cũng viện dẫn ra những con số như tồn kho tăng, chỉ số tăng trưởng ngành công nghiệp chế tạo đã chậm lại gần đây để chứng minh rằng tổng cầu yếu. Nhưng những phân tích này đã rất “non tay” khi chỉ phân tích một chiều mà không tự đặt ngược câu hỏi rằng liệu tồn kho tăng lên có phải chỉ là do tổng cầu yếu hay do chính bởi phía cung (sản xuất, chế tạo) đã tăng quá nhanh, quá mạnh (hơn so với tốc độ tăng của cầu) dẫn đến dư cung và tồn kho tăng, buộc các doanh nghiệp phải thu hẹp bớt quy mô tăng trưởng của mình lại? Ví dụ nhãn tiền hiện nay trong ngành thép, vật liệu xây dựng (xi măng...) không cho thấy rõ tình hình dư cung trong những ngành này chẳng phải là không dính dáng gì đến cầu yếu hay sao?
Tóm lại, chúng ta nên lấy làm mừng vì đã trải qua một thời gian dài phát triển nóng chúng ta mới nhận ra sự cần thiết phải tăng trưởng trong ổn định, và nay những yếu tố ổn định đã bước đầu được định hình và đang phát huy tác dụng.