Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2012: Ngân hàng sẽ là điểm nóng

Theo TTXVN

Đại diện của Standard Chartered, ANZ, CitiBank, HSBC sẽ đưa ra những khuyến nghị liên quan đến sở hữu chéo trong ngân hàng, sự thống trị của nhóm cổ đông lớn, lãi suất, nợ xấu.

Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2012: Ngân hàng sẽ là điểm nóng

Chiều 26/11, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2012 (VBF 2012) tổ chức họp báo công bố các chương trình đối thoại chính sách giữa các doanh nghiệp với Chính phủ Việt Nam, dự kiến diễn ra vào ngày 3/12 tới đây.

Theo Chủ tịch Liên minh diễn đàn, ông Alain Cany, chủ đề đối thoại với Chính phủ lần này sẽ bao gồm: Ngân hàng và thị trường vốn; Đầu tư và thương mại; Cơ sở hạ tầng; Du lịch và đặc biệt lần này sẽ có thêm sự tham gia của nhóm đối thoại chính sách liên quan đến lĩnh vực ô tô xe máy.

Trong lĩnh vực ngân hàng, nhóm công tác của VBF (bao gồm đại diện của Standard Chartered, ANZ, CitiBank, HSBC) sẽ đưa ra những khuyến nghị liên quan đến sở hữu chéo trong ngân hàng, sự thống trị của nhóm cổ đông lớn, lãi suất, nợ xấu, tái cấp vốn cho các ngân hàng.

“Điểm khác biệt trong báo cáo của nhóm ngân hàng lần này là nhóm công tác sẽ đưa ra những đề xuất cụ thể trong lĩnh vực tái cấu trúc ngân hàng, xử lý nợ xấu, thu hút vốn nước ngoài cho lĩnh vực này …” – Ông Alain Cany nói.

Ông Alain Cany cũng chia sẻ thêm, lần đối thoại tới đây lĩnh vực ngân hàng sẽ được xem là một điểm nóng và được dành nhiều thời gian nhất.

Nhóm công tác thị trường vốn sẽ đưa ra những giải pháp để nâng cao hiệu quả cải cách doanh nghiệp nhà nước, đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp.

Với thị trường chứng khoán, theo ông Cany, báo cáo của nhóm công tác sẽ có phần khuyến nghị liên quan đến quyền biểu quyết của cổ đông. Theo ông, hiện nay có trường hợp cổ đông nắm cổ phần của doanh nghiệp nhưng lại không có quyền biểu quyết trong các vấn đề quan trọng, làm giảm tính thu hút đầu tư.

Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng chia sẻ tại cuộc họp báo về dự định sẽ báo cáo về mức độ cải thiện môi trường kinh doanh của các địa phương thời gian gần đây cũng như các khuyến nghị chính sách.

Nói về những khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp, ông Lộc cho biết: VCCI sẽ tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính, bao gồm:

Thứ nhất, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, theo hướng kinh tế thị trường; đẩy mạnh cải cách khu vực DNNN. Theo ông Lộc đây được xem là trụ cột tạo niềm tin cho các doanh nghiệp; đặc biệt trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, quyết tâm về cải cách khu vực này càng phải đặc đẩy mạnh.

“DNNN cần phải được đặt ở vị trí công bằng và bình đẳng như các doanh nghiệp bình thường khác” – ông Lộc nói.

Thứ hai, những biện pháp cứu doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn như hiện nay như: giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho, giảm giãn thuế... Tuy nhiên, các giải pháp này phải nhắm vào những doanh nghiệp tiềm năng nhưng đang gặp khó khăn tạm thời chứ không phải cứu tất cả các doanh nghiệp, nếu chính sách dàn trải thì đó không phải là một chính sách đúng.

Thứ ba, phải hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao được nội lực. Đại đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay đều đứng trước yêu cầu phải tái cấu trúc nhưng không biết bắt đầu từ đâu và như thế nào. Chính vì thế họ đang cần nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu.