Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018: Để ASEAN “phẳng” hơn, gắn kết hơn
Trong ngày thứ 2 của Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018 diễn ra khoảng hai mươi sự kiện, trong đó có Lễ khai mạc phiên toàn thể. Nhiều sáng kiến, đề xuất đã được đưa ra trong các phiên họp với mong muốn làm cho ASEAN “phẳng” hơn, tạo ra sức mạnh mới cho từng thành viên và cả Cộng đồng ASEAN cũng như xóa bỏ khoảng cách vật lý, làm cho ASEAN gắn kết hơn.
Lễ khai mạc phiên toàn thể WEF ASEAN 2018 chủ đề “Ưu tiên của ASEAN trong Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4” diễn ra sáng qua với sự tham dự của nhiều lãnh đạo cấp cao các quốc gia ASEAN.
Trong bài phát biểu mở đầu phiên khai mạc kéo dài 5 phút, Chủ tịch WEF Klaus Schwab nhấn mạnh tới thực tại và tương lai của ASEAN trong bối cảnh bao trùm về Cách mạng Công nghiệp 4.0. Thế giới đang tham gia cuộc chạy đua để làm chủ Cách mạng 4.0, và theo ông, các quốc gia ASEAN có thể là người đi đầu chứ không phải đi sau trong cuộc cách mạng này.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng, các nước ASEAN có vị thế tốt để tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng này, nhờ nền tảng quy mô GDP cả khối đạt 2.700 tỷ USD, lực lượng lao động trẻ có trình độ tốt và đã có những nền kinh tế phát triển dựa trên công nghệ số. Tuy nhiên, để không bỏ lỡ cơ hội, việc xây dựng mạng lưới, tạo sự đồng bộ kết nối giữa các quốc gia là yêu cầu quan trọng.
“ASEAN từ trước đến nay đã luôn hợp tác, làm việc với nhau, chúng ta cần hướng tới tầm nhìn 2025 để tạo ra một khu vực thống nhất, không kẽ hở”, Thủ tướng Lý Hiển Long nói. Ông cũng đề cao vai trò của thương mại điện tử và giao thương không biên giới; đồng thời cho rằng cần xây dựng khu vực tư nhân, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ và thúc đẩy tinh thần doanh nhân.
“Chỉ có hợp tác mới tạo ra được sự thịnh vượng bao trùm”, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhấn mạnh sau khi so sánh tình hình toàn cầu trong thách thức bùng nổ chiến tranh thương mại giống như bộ phim “Cuộc chiến vô cực” và thương mại là một cuộc chiến phải có kẻ thắng, người thua.
Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith cũng cho rằng, “trong Cách mạng 4.0 này, cả ASEAN đang ngồi chung trên một con thuyền”, và “cần có những cơ chế phù hợp để cho các doanh nghiệp có khả năng tự thích ứng trong điều kiện cạnh tranh mới, để khu vực ASEAN cùng phát triển”.
Sáng kiến kết nối
Trong bài phát biểu tại phiên khai mạc WEF ASEAN 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra 4 cơ hội và 2 thách thức mà Cách mạng 4.0 mang lại cho các nước ASEAN. Đứng trước những cơ hội và thách thức này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng các nước ASEAN cần đặt ra các ưu tiên chính sách của mình nhưng trên cơ sở lăng kính của cả khối. Từ cách tiếp cận này, Thủ tướng đề xuất 5 ưu tiên.
Một là, kết nối số, chia sẻ dữ liệu. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo ASEAN đã thông qua Kế hoạch Tổng thể kết nối ASEAN về hạ tầng, thể chế và con người.
Trong Cách mạng Công nghiệp 4.0, Thủ tướng đề nghị trao đổi để có thêm “Kết nối số” được lồng ghép và nâng cao hiệu quả của các kết nối nêu trên, cùng với chú trọng phát triển thương mại điện tử, thanh toán điện tử, chính phủ điện tử,… Nhấn mạnh dữ liệu là nền tảng của Cách mạng Công nghiệp 4.0, Thủ tướng cho rằng cần xây dựng các Quy tắc của ASEAN về hợp tác chia sẻ dữ liệu nhằm điều chỉnh cách thức và điều kiện để dữ liệu có thể được chia sẻ, sử dụng hiệu quả.
Hai là, hài hòa môi trường kinh doanh. Theo đó, các hạ tầng kết nối nền tảng về tài chính, ngân hàng, thị trường, truyền thông, logistics… cần phải hoạt động ở quy mô khu vực. “Tôi đề nghị cần phải xây dựng Cơ chế hài hòa môi trường kinh doanh, hệ thống luật pháp và quy định giữa các thành viên ASEAN, giúp doanh nghiệp nội khối có thể đạt được lợi thế nhờ quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến ví dụ tốt đã triển khai nhiều năm qua, đó là liên kết Một cửa ASEAN (ASW) về hải quan và cho biết, tại hội nghị này, ở cấp bộ trưởng và doanh nghiệp, Việt Nam sẽ đưa ra các sáng kiến mới về Hòa mạng di động một giá cước toàn ASEAN, hợp tác trí tuệ bảo đảm an ninh mạng, hợp tác đào tạo nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao.
Ba là, thúc đẩy hình thành và kết nối các vườn ươm sáng tạo. Nhiều nước ASEAN đã có các trung tâm đổi mới sáng tạo và vườn ươm ở cấp quốc gia. Trên cơ sở này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị xây dựng Khuôn khổ kết nối các vườn ươm quốc gia vào mạng lưới vườn ươm rộng lớn hơn của cả khu vực.
Bốn là, tìm kiếm phát huy tài năng. Cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị xây dựng Chiến lược ươm mầm các tài năng của các nước ASEAN. Trước đó, ông dẫn một báo cáo năm 2017 của Google cho rằng tình trạng thiếu kỹ sư lành nghề là một thách thức lớn đối với ASEAN.
Năm là, hình thành mạng lưới giáo dục ASEAN và hệ thống học tập suốt đời, Cách mạng Công nghiệp 4.0 đòi hỏi sự chuyển đổi mạnh mẽ về giáo dục phù hợp với xu thế phát triển mới, sự biến đổi liên tục của nghề nghiệp.
Hiện thực hóa ý tưởng về ASEAN “phẳng”
Trong phiên họp có chủ đề “ASEAN số” (thuộc khuôn khổ Hội nghị WEF ASEAN 2018), quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, cần sử dụng cơ hội chuyển đổi số để làm cho ASEAN trở nên “phẳng” hơn, tạo ra sức mạnh mới cho từng thành viên và cả cộng đồng ASEAN.
Ông nêu 3 sáng kiến mà theo các đại biểu dự phiên họp, đây là những sáng kiến táo bạo, nêu bật quyết tâm chuyển đổi ASEAN, hiện thực hóa ý tưởng về ASEAN phẳng.
Cụ thể, sáng kiến “ASEAN - Roam Like Home” nhằm tăng cường kết nối khu vực thông qua việc giảm mạnh cước chuyển vùng quốc tế thông tin di động, hướng tới mục tiêu người dân ASEAN chỉ phải trả phí chuyển vùng quốc tế trong phạm vi ASEAN như ở nhà.
Để hiện thực hóa mục tiêu này một cách thống nhất và có lộ trình đến năm 2020, các nước cần cam kết nhanh chóng thúc ép mạnh mẽ, tạo động lực mạnh để các nhà mạng di động của mình tiến hành đàm phán giảm cước chuyển vùng.
Thứ hai là thành lập Đại học thực nghiệm ASEAN 4.0 để hiện thực hóa được mục tiêu đào tạo 4.0. Đây sẽ là nơi các nước ASEAN thực nghiệm và thực hiện sử dụng Công nghệ 4.0 trong đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số.
Thứ ba là xây dựng mạng lưới chia sẻ nguy cơ mất an toàn thông tin chung cho ASEAN. Trung tâm này sẽ là nền tảng kết nối các cơ quan, tổ chức liên quan của các quốc gia thành viên, cung cấp, chia sẻ thông tin hai chiều về nguy cơ, rủi ro tấn công mạng.
Trung tâm thể hiện nỗ lực chung tay bảo vệ chủ quyền không gian mạng của ASEAN để mọi hệ thống, mọi kết nối và mọi công dân được bảo đảm an toàn.
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Việt Nam sẵn sàng bảo đảm hỗ trợ về hạ tầng và nền tảng phục vụ hoạt động của mạng lưới. Ông cũng kêu gọi ASEAN chung tay triển khai các sáng kiến trên. Đó là vì khi thực hiện được các sáng kiến này, ASEAN sẽ là nơi đầu tiên trên thế giới trở nên “phẳng”.