Điều gì đẩy các nước Mùa xuân Ảrập tiến gần Nga
(Tài chính) Tổng thống Mỹ Barack Obama dường như đang bồn chồn vì vấn đề Trung Đông, bởi hầu hết những quốc gia đã trải qua cái gọi là Mùa xuân Ảrập hiện đang dần rời xa Mỹ để tìm kiếm sự giúp đỡ từ Nga.
Trong tháng 2, nhiều quan chức cấp cao từ Thủ tướng Libya cho tới lãnh đạo một số đảng của Yemen đã có những chuyến công du tới Moscow. Trong số đó, chuyến thăm ngày 10.2 của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Ai Cập được các nhà phân tích đánh giá là một trong những sự kiện ngoại giao quan trọng nhất trong năm của hai nước.
Sau khi NATO can thiệp dẫn đến cuộc lật đổ ông Muammar Gadhafi trong cuộc nội chiến năm 2011, Libya lún sâu vào khủng hoảng, mâu thuẫn nội bộ dẫn đến cuộc xung đột năm 2014. Thủ tướng Libya Abdullah al-Thani phát biểu hôm 24.2: “Mỹ và Anh hỗ trợ các nhóm quân sư, tuy nhiên lại từ chối cung cấp vũ khí cho quân đội Libya”. Chính vì vậy, hiện tại, Chính phủ Libya đang đề nghị Nga hỗ trợ để chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, các phần tử thánh chiến... cụ thể là cung cấp vũ khí và đào tạo.
Libya đã bị phá hủy hầu hết cơ sở hạ tầng trong nội chiến và trong quá trình tái thiết nước này không thể trang trải được các công nghệ tiên tiến đắt đỏ của phương Tây nên buộc phải chấp nhận các khoản nợ từ Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới, vốn được cho có nhiều liên kết và ảnh hưởng chính trị. Do vậy sự lựa chọn chính là Nga, nước đang sẵn sàng cung cấp các hợp đồng hào phóng với mức giá rẻ hơn.
Trong khi đó, trong chuyến thăm Ai Cập tháng 2 vừa qua của Tổng thống Putin, hai bên đã thống nhất về kế hoạch Moscow hỗ trợ xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Cairo.
Để ngăn ngừa khủng hoảng lương thực, một trong những nguyên nhân dẫn đến các cuộc biểu tình năm 2011 (xuất phát điểm của Mùa xuân Ảrập) Ai Cập đã tìm đến Nga để nhờ hỗ trợ xây dựng cơ sở lưu trữ giúp nước này bảo quản 80% lượng ngũ cốc cần thiết để dự phòng khi có biến động.
Còn tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cả Ai Cập và Libya đều muốn được Nga lên tiếng hỗ trợ thay vì cầu viện Mỹ. Libya đã đề nghị Nga giúp kết thúc lệnh cấm vận vũ khí trong khi Ai Cập đang cần sự phối hợp của Nga để tìm giải pháp cho phép can thiệp quân sự nhằm chống lại ảnh hưởng của các phần tử thánh chiến sau khi lực lượng IS tại Libya sát hại 21 người Ai Cập theo Cơ đốc giáo.
Vào ngày 25.2, một nhóm chính trị gia Yemen đã tới Moscow theo lời mời của Duma quốc gia Nga. Hiện Yemen đang cần Nga giúp đỡ trong việc khai thác dầu.
Trong khi đó, Syria (nơi Mỹ đã quyết định hỗ trợ và đào tạo lực lượng nổi dậy chống Chính phủ) cũng có thể sẽ gặp phải tình trạng như Libya. Trong trường hợp Chính phủ Syria bị lật đổ thì Mỹ cũng không nhúng tay quá sâu vào bộ máy chính quyền của nước này, ngoài việc ngăn chặn mối quan hệ kinh tế của Syria với Nga và Iran. Sự thờ ơ của Mỹ đối với các nước hậu Mùa xuân Ảrập chính là lý do đẩy họ tiến lại gần Nga hơn, trong bối cảnh Moscow cũng đang cần mở rộng quan hệ kinh tế và chính trị trước các đòn trừng phạt kinh tế của Mỹ và phương Tây.