Điều hành chính sách tiền tệ góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Những kết quả về điều hành chính sách tiền tệ đã góp phần giúp củng cố lòng tin của các nhà đầu tư vào môi trường kinh kế vĩ mô của Việt Nam; đồng thời là cơ sở quan trọng để các hãng xếp hạng tín nhiệm đồng loạt nâng mức tín nhiệm của Việt Nam trong thời gian vừa qua.

Điều hành chính sách tiền tệ góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã khẳng định như vậy khi phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ năm 2014 diễn ra sáng nay 2/12.

Bà Hồng cho biết, trong thời gian qua, NHNN Việt Nam đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đã kiên định điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.

NHNN cũng đã điều hành các công cụ của chính sách tiền tệ để giảm mặt bằng lãi suất vào thời điểm hợp lý theo diễn biến kinh tế vĩ mô và tiền tệ; quyết liệt thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và thực hiện các giải pháp để nâng cao vị thế của đồng Việt Nam, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối.

“Những kết quả về điều hành chính sách tiền tệ nói trên đã góp phần giúp củng cố lòng tin của các nhà đầu tư vào môi trường kinh kế vĩ mô của Việt Nam nói chung cũng như định hướng điều hành chính sách tiền tệ về ổn định giá trị đồng tiền của Việt Nam nói riêng, đã được các tổ chức quốc tế như WB, IMF và cộng đồng quốc tế đánh giá cao; đồng thời là cơ sở quan trọng để các hãng xếp hạng tín nhiệm đồng loạt nâng mức tín nhiệm của Việt Nam trong thời gian vừa qua”, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, song song với việc điều hành chính sách tiền tệ, NHNN đã quyết liệt thực hiện Đề án tái cơ cấu các TCTD theo đúng lộ trình đã đề ra và đã đạt được kết quả rất tích cực. Đó là hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước, kỷ cương và kỷ luật trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng ngày càng củng cố; an toàn hệ thống và khả năng chi trả của các TCTD được đảm bảo; tiền gửi của nhân dân được an toàn, kể cả ở các NHTM yếu kém; hệ thống ngân hàng tiếp tục hoạt động hiệu quả và hỗ trợ tốt cho nền kinh tế; nợ xấu giảm mạnh.

“Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục quyết liệt hơn nữa nhằm đảm bảo đến cuối năm 2015 đưa tỷ lệ nợ xấu xuống còn khoảng 3% như mục tiêu đã được Chính phủ đề ra”, bà Hồng khẳng định.

Cũng trong nỗ lực thực hiện tái cơ cấu, NHNN đặt mục tiêu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, từng bước hướng tới các thông lệ quốc tế trong hoạt động ngân hàng. Với mục tiêu này, nhiều quy định mới đã được ban hành nhằm từng bước tuân thủ thông lệ quốc tế trong hoạt động ngân hàng cũng như đảm bảo nâng cao hiệu lực thực thi của pháp luật đối với các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng.

Đặc biệt việc ban hành Thông tư 36/2014/TT-NHNN về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã được ban hành (có hiệu lực vào tháng 2/2015) sẽ giúp các ngân hàng quản trị tốt rủi ro theo chuẩn quốc tế, giảm sự gia tăng nợ xấu, đặc biệt là ngăn chặn được các yếu tố về sở hữu chéo và lợi ích nhóm; đồng thời thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, ổn định và bền vững hơn.

Các quy định về tỷ lệ dự nợ cho vay và các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng là phù hợp với đặc thù của thị trường Việt Nam, không ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng mà còn giúp các ngân hàng có thêm cơ sở nắm bắt các cơ hội kinh doanh mới, đồng thời tạo tâm lý yên tâm hơn cho khách hàng gửi tiền. Ngoài ra, Thông tư thể hiện tính tích cực thông qua việc yêu cầu các TCTD nâng cao năng lực quản trị rủi ro, hướng tới lộ trình áp dụng Basel II từ nay đến năm 2018.

Liên quan đến ý kiến đóng góp của Nhóm Công tác Ngân hàng tập trung vào một số văn bản mà NHNN đã ban hành trong thời gian qua và dự kiến sẽ ban hành trong thời gian tới, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong tuần trước, NHNN đã có buổi gặp làm việc hiệu quả với Nhóm Công tác ngân hàng để trao đổi và làm rõ các vấn đề mà các ngân hàng nước ngoài quan tâm.

Trong thời gian tới, NHNN sẵn sàng làm việc thêm với Nhóm Công tác Ngân hàng nhằm lắng nghe và tiếp thu những ý kiến góp ý, làm cơ sở để xem xét, điều chỉnh các quy định cho phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, qua đó góp phần vào tạo dựng môi trường hoạt động lành mạnh của các TCTD và đảm bảo an toàn của toàn hệ thống.

Thông tin thêm về một số văn bản NHNN dự kiến sẽ ban hành trong thời gian tới, như quy định về cho vay thay thế Quyết định 1627, cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính, Dự thảo Thông tư về phòng chống rửa tiền, bà Hồng cho biết, NHNN ghi nhận và lắng nghe ý kiến của Nhóm Công tác Ngân hàng đã tổng hợp các ý kiến, trường hợp cần thiết sẽ trao đổi cụ thể với các ngân hàng trong nhóm để hoàn thiện, đảm bảo văn bản được ban hành phù hợp với thực tiễn và triển khai trong thực tế.

NHNN cũng đồng tình và ủng hộ với hai vấn đề mà nhóm công tác ngân hàng nêu là phát triển thị trường vốn và cấp vốn cho DNNVV. Bởi việc phát triển thị trường vốn sẽ giúp hệ thống ngân hàng giảm được thách thức đối mặt với gánh nặng cung cấp vốn trung – dài hạn cho DN, từ đó giảm được rủi ro về kỳ hạn đối với hoạt động ngân hàng. Khi thị trường vốn phát triển, nhu cầu vay vốn của DNNVV từ hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ giảm.

“Hiện nay, Chính phủ cũng rất quan tâm đến việc phát triển DNNVV phản ánh qua việc thành lập Quỹ phát triển DNNVV và cho phép thành lập các Quỹ bảo lãnh tín dụng tại các địa phương. Hy vọng rằng trong thời gian tới, những vướng mắc trong việc triển khai thực tế được tháo gỡ sẽ giúp DNNVV có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh hơn nữa”, bà Hồng nói.