Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối

M. Hà

Trong thời gian qua, các giải pháp chính sách tiền tệ phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, góp phần kiểm soát hiệu quả lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng hợp lý.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mặt bằng lãi suất được duy trì ổn định

Theo ThS. Vũ Quỳnh Anh, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và tiền tệ; tập trung điều tiết và đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD), duy trì lãi suất thị trường liên ngân hàng ở mức hợp lý.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất chào mua trên thị trường mở (OMO) từ 5%/năm xuống 4,75%/năm, để góp phần giảm chi phí vốn cho TCTD; chỉ đạo các TCTD tiếp tục rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý, nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng và đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động.

Bà Vũ Quỳnh Anh cho biết, mặt bằng lãi suất của các TCTD năm 2018 về cơ bản ổn định; lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6 - 9%/năm đối với ngắn hạn, trung và dài hạn khoảng 9 - 11%/năm.

Tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, thông suốt, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua ngoại tệ bổ sung, dự trữ ngoại hối nhà nước. Trong năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động và linh hoạt điều tiết thị trường ngoại hối, điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, phối hợp đồng bộ các công cụ CSTT, điều tiết thanh khoản, lãi suất tiền VND hợp lý để ổn định thị trường, có điều kiện bổ sung dự trữ ngoại hối. Nhờ đó, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản đảm bảo, các giao dịch diễn ra thông suốt.

Ngoài ra, công tác tái cơ cấu hệ thống các tổ TCTD gắn với xử lý nợ xấu có nhiều chuyển biến tích cực. Ước tính đến cuối tháng 12/2018, hệ thống TCTD đã xử lý được 149,22 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTC là 1,89%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và mức 1,99% cuối năm 2017.

Năm 2019 duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức 14%

Nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, bà Vũ Quỳnh Anh cho rằng, cần tập trung triển khai đồng bộ 6 giải pháp trọng tâm, cụ thể:

Thứ nhất, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế, điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng, đồng bộ các công cụ CSTT nhằm ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng theo định hướng đề ra.

Thứ hai, điều hành tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng; Thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh.

Thứ ba, chủ động thực hiện các giải pháp quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng hiệu quả; Tiếp tục củng cố dự trữ ngoại hối nhà nước; Triển khai tích cực các biện pháp hạn chế tình trạng đô la hóa trên lãnh thổ, tăng niềm tin vào VND, góp phần ổn định thị trường ngoại tệ và kinh tế vĩ mô.

Thứ tư, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô trên cơ sở bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra.

Thứ năm, trong công tác tái cơ cấu hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước xác định mục tiêu: Tiếp tục triển khai, giám sát chặt chẽ việc thực hiện cơ cấu lại các TCTD gắn với tăng cường xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường; hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD. Việc xử lý nợ xấu phải gắn với các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các TCTD; phát huy vai trò của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam trong xử lý nợ xấu để đảm bảo duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, bền vững…

Thứ sáu, trong hoạt động thanh toán, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế thanh toán bằng tiền mặt phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu sử dụng thanh toán của người dân; Triển khai có hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016…