Điều hành ngân sách ứng phó giá dầu giảm
(Tài chính) Theo Bộ Tài chính, diễn biến giảm sâu của giá dầu thô, sẽ tác động không nhỏ đến thu ngân sách cả năm 2015 và đây là bài toán khó trong điều hành cân đối thu chi ngân sách.
Mặc dù giá dầu nửa cuối năm 2014 lao dốc, nhưng kết quả thu từ dầu thô tính đến 22-12-2014 vẫn đạt 118,4% dự toán, bằng 98,6% mức đánh giá cả năm đã báo cáo Quốc hội. Tuy nhiên, đảm bảo số thu từ dầu thô đạt dự toán trong năm 2015 là một thách thức.
Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua dự toán thu cân đối NSNN năm 2015 là 911,1 nghìn tỷ đồng. Trong đó dự toán thu từ dầu thô là 93 nghìn tỷ đồng, trên cơ sở sản lượng dự kiến 14,74 triệu tấn, giá bình quân 100 USD/thùng. Căn cứ dự toán thu NSNN đã được Quốc hội thông qua, Thủ tướng Chính phủ giao, các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương triển khai giao nhiệm vụ thu ngân sách cho các đơn vị trực thuộc và chính quyền cấp dưới bên cạnh việc đảm bảo đúng quy định của Luật NSNN và không thấp hơn so với dự toán được giao. Trong đó, phấn đấu tăng thu nội địa và thu từ hoạt động XNK ở mức cao nhất để bù đắp số giảm thu từ dầu thô.
Giá dầu giảm mang lại nhiều thuận lợi cho nền kinh tế. Ngành vận tải được hưởng lợi nhất, sau đó là các lĩnh vực khác như sản xuất phân bón, nhựa, khai thác tài nguyên, đánh bắt thủy sản, luyện kim… cũng được hưởng lợi khi mà xăng dầu chiếm tới 20-30% chi phí đầu vào. Điều này góp phần giảm giá bán nhiều loại hàng hóa, dịch vụ, qua đó kích thích tiêu dùng, mang lại nguồn thu bền vững cho ngân sách trong thời gian tới. Tuy nhiên, đó là cái lợi lâu dài.
Trước mắt, giá dầu thô giảm ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế. Theo TS. Đoàn Hương Quỳnh (Học viện Tài chính), tiêu cực dễ thấy nhất là gây hụt thu NSNN. Theo tính toán của Bộ Tài chính, giá dầu thế giới cứ giảm 1 USD thì ngân sách hụt khoảng 1.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến việc giá dầu giảm làm tăng áp lực lên nợ công. TS. Đoàn Hương Quỳnh cho rằng, hụt thu ngân sách trong bối cảnh nợ công đang tăng nhanh và hiện gần chạm mức trần cho phép theo giới hạn mà Quốc hội định ra, còn dẫn đến một tác động không mong muốn khác là tăng áp lực lên nợ công, do cân đối thu, chi ngân sách gặp khó khăn. Do đó, đòi hòi Chỉnh phủ cần có những giải pháp quyết liệt trong tái cơ cấu thu, chi, để giảm thiểu mặt tiêu cực của giá dầu giảm, đồng thời tận dụng tối đa mặt tích cực.
Theo phân tích của Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, cơ cấu thu năm 2014- 2015 khác với những năm trước. Nếu như trước đây thu ngân sách từ XK dầu thô chiếm 20- 25% tổng thu ngân sách, thì nay chỉ chiếm từ 10- 12%. Trên 70% nguồn thu còn lại là thu từ thuế nội địa, sản xuất trong nước... Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, quan điểm của Bộ Tài chính là không vì giá dầu thô giảm mà khuyến nghị các bộ, ngành tăng sản lượng khai thác dầu thô để bù đắp cho phần giá giảm. Vì khi tăng sản lượng trong giai đoạn giá dầu thấp, sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế. Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, đối với những mỏ dầu mà chi phí khai thác cao, tạm thời không nên khai thác mạnh, mà ưu tiên giữ tài nguyên để khi được giá mới tăng khai thác. Thứ trưởng khẳng định, Bộ Tài chính sẽ không đề xuất điều chỉnh thu, chi ngân sách, không tăng vay để bù đắp cho phần hụt thu vì sẽ tác động tới nợ công.
Tính toán lại chi tiêu ngân sách
Nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của giảm giá dầu đến nền kinh tế Việt Nam, đồng tình với giải pháp của Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, TS. Đoàn Hương Quỳnh cho rằng, cần tăng cường khâu dự trữ dầu thô, khi giá cao hơn thì tiếp tục khai thác, vừa đảm bảo an ninh năng lượng, vừa ứng phó với biến động bất lợi của giá dầu. Trong trước mắt, cần tiếp tục theo dõi diễn biến của giá dầu, nghiên cứu các phương án điều hành phù hợp, kết hợp có hiệu quả các giải pháp về công cụ tài chính, thuế nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, của DN và người tiêu dùng trong nước. Cụ thể, theo TS. Đoàn Hương Quỳnh, Bộ Tài chính cần tập trung chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tổ chức kiểm tra, rà soát kê khai thuế của DN để xác định chi phí đầu ra, chi phí bán hàng, chi phí lưu thông…, kịp thời phát hiện các trường hợp tăng giá bán, tăng chi phí sản xuất kinh doanh không hợp lý, không đúng quy định, qua đó truy thu vào .
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, để giải bài toán thu ngân sách trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới liên tục giảm, Bộ Tài chính tập trung vào giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để các DN phát triển, tạo nguồn thu lâu dài cho NSNN. Cùng với đó, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế; tiếp tục theo dõi diễn biến giá dầu, nghiên cứu các phương án và kết hợp điều hành có hiệu quả về các giải pháp công cụ tài chính thuế, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, DN và người tiêu dùng trong nước.
Về lâu dài, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nhân cơ hội này cần tái cơ cấu chi. "Việc giảm giá dầu thô là một trong những điều kiện để Việt Nam buộc phải tính toán lại căn bản chi tiêu ngân sách. Chiến lược chung là sẽ phải chuyển sang hệ thống ngân sách cứng, mạnh mẽ, quyết liệt thay cho ngân sách mềm như hiện nay", TS. Đoàn Hương Quỳnh nhấn mạnh. Cùng với đó, Chính phủ cần quyết liệt hơn trong tái cơ cấu chi theo hướng thắt chặt chi tiêu, nâng cao hiệu quả chi tiêu: Cắt giảm các khoản chi không cần thiết, không thực sự cấp bách như chi cho cán bộ nhà nước đi công tác nước ngoài; chi cho hội nghị, hội thảo; chi động thổ, khánh thành dự án… Việc giảm chi cũng có giá trị tương đương như tăng thu, nên nếu thực hiện triệt để giải pháp này, sẽ góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của giá dầu giảm lên cân đối thu, chi ngân sách.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, cần tìm nguồn để tăng thu nhằm bù đắp phần hụt thu. Khác với các quốc gia chịu tác động tiêu cực lớn do tỷ trọng thu ngân sách quá phụ thuộc vào XK xăng, dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ, Việt Nam có tỷ trọng đóng góp vào thu ngân sách từ XK dầu thô ngày một giảm mạnh, đồng thời là nước NK khá lớn các sản phẩm xăng, dầu, cũng như các sản phẩm sản xuất từ dầu mỏ. Chính đặc thù này đang góp phần tạo ra nguồn thu mới, để bù đắp cho hụt thu. Cụ thể, Bộ Tài chính đã tăng thuế NK xăng từ 18% lên 35%, trong khi đó, với mức thuế suất thuế ưu đãi NK xăng, dầu tối đa là 40%, thì dư địa để tiếp tục tăng thuế từ NK xăng, dầu vẫn còn, sẽ tạo ra nguồn thu mới, bù đắp đáng kể cho phần hụt thu NSNN.