Định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu
Trước nguy cơ dịch Covid-19 tái bùng phát tại nhiều nước cùng với những diễn biến hết sức khó lường đang ngăn cản quá trình phục hồi kinh tế sau giai đoạn phong tỏa, một số quốc gia đã đẩy nhanh kế hoạch định hình lại chuỗi cung ứng cũng như siết chặt đầu tư từ nước ngoài.
Tái cơ cấu, giảm phụ thuộc
Theo giới quan sát, đại dịch Covid-19 đã nêu bật vai trò then chốt của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong mọi lĩnh vực từ y tế, khoa học đến thực phẩm. Do đó, Covid-19 được xem là cơ hội để nhiều quốc gia vốn phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc đánh giá lại việc quá phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ nước ngoài.
Tại Mỹ, Hiệp hội Tài chính phát triển quốc tế (DFC) và Bộ Quốc phòng Mỹ đồng ý cùng quản lý khoản quỹ 100 triệu USD để tái định hình chuỗi cung ứng từ gói tài chính trị giá 2,3 tỷ USD để ứng phó với dịch Covid-19 được thông qua hồi tháng 3 năm nay. Dự án này là trọng tâm trong nỗ lực đưa chuỗi cung ứng công nghệ quay trở lại Mỹ.
Chính phủ của Tổng thống Donald Trump và các công ty bán dẫn đang muốn đẩy mạnh xây dựng nhà máy sản xuất chip mới ở Mỹ do muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung ứng thiết bị công nghệ quan trọng từ Trung Quốc. Việc xây dựng hàng loạt nhà máy sản xuất chip tiên tiến tại Mỹ sẽ tái định hình ngành bán dẫn, đồng thời đánh dấu thay đổi chính sách kinh tế của Mỹ sau nhiều thập kỷ mở rộng sang châu Á để tận dụng các ưu đãi đầu tư và tham gia vào chuỗi cung ứng vững mạnh tại khu vực này.
Tương tự như Mỹ, Chính phủ Nhật Bản quan tâm nhất là kế hoạch tiến hành tái cơ cấu chuỗi cung ứng. Trong gói chính sách kinh tế khẩn cấp để đối phó với dịch Covid-19, Chính phủ nước này đã dành một khoản ngân sách để tăng cường cấu trúc chuỗi cung ứng vững mạnh thông qua chiến lược đa dạng hóa và dịch chuyển cơ sở sản xuất về Nhật Bản. Từ giữa tháng 7, Nhật Bản bắt đầu trả tiền để những công ty của nước này rút nhà máy khỏi Trung Quốc và quay về nước, hoặc đến Đông Nam Á theo chương trình nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc sản xuất vào Trung Quốc.
Ngoài Mỹ, Nhật Bản, các nước như Ấn Độ, Pháp, Đức cũng có kế hoạch tương tự nhằm giảm nguy cơ bị thiệt hại từ việc nguồn cung từ nước ngoài bị gián đoạn trong thời đại dịch.
Bảo vệ doanh nghiệp trong nước
Bên cạnh kế hoạch định hình lại chuỗi cung ứng, việc siết chặt các quy định đầu tư nước ngoài cũng lần lượt được các quốc gia đưa ra nhằm tăng cường kiểm soát hoạt động đầu tư trong bối cảnh quan ngại gia tăng về nguy cơ rò rỉ thông tin nhạy cảm và các công nghệ cốt lõi sang nước khác.
Chính phủ Đức đã có các biện pháp bảo vệ doanh nghiệp trong nước trước nguy cơ bị thâu tóm ở thời điểm những doanh nghiệp này đang lao đao vì các lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội. Đức dự kiến áp dụng thêm một số biện pháp yêu cầu các doanh nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), người máy, vật liệu bán dẫn, công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử… phải khai báo tất cả các hoạt động mua bán cổ phần từ 10% trở lên.
Các doanh nghiệp này sẽ phải chịu sự thẩm tra của chính quyền đối với các thương vụ mua bán như vậy. Trước đây, Chính phủ Đức chỉ yêu cầu thẩm tra hoạt động đầu tư trong một số lĩnh vực như năng lượng, nước, điện tín và quốc phòng, nhất là những hành vi mua bán, sáp nhập đã gây ra nguy hiểm thực tế.
Trong khi đó, Chính phủ Australia công bố quy định mới nhằm kiểm soát chặt hơn đầu tư nước ngoài bằng việc buộc tất cả các đầu tư nước ngoài liên quan đến các vấn đề an ninh quốc gia đều cần phải được Ủy ban giám sát đầu tư nước ngoài thông qua. Thủ tướng Australia Scott Morrison cho rằng, đầu tư nước ngoài rất quan trọng đối với nền kinh tế nước này, tuy vậy, bối cảnh thế giới và sự phát triển của khoa học công nghệ đang đặt ra những thách thức mới mà đầu tư nước ngoài cần phải được kiểm soát chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia của Australia.