TS. Lê Xuân Sang, Viện Kinh tế Việt Nam:

Định hướng thu hút FDI vào Việt Nam trong bối cảnh mới


Thực tế thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam cho thấy, nguồn vốn FDI chưa đạt như kỳ vọng; những ưu đãi mà các doanh nghiệp khu vực FDI được hưởng là rất lớn… Do vậy, trong thời gian tới, cần phải đổi mới, điều chỉnh chính sách thu hút FDI trong bối cảnh mới.

Sau hơn ba thập niên mở cửa, Việt Nam đã đạt được không ít thành tựu về lượng trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nguồn vốn FDI đóng góp lớn trong tăng trưởng kinh tế (GDP), vốn đầu tư, xuất nhập khẩu, thu ngân sách địa phương và tạo việc làm.

Tuy vậy, thực tế cũng cho thấy một số vấn đề đặt ra như: Nguồn vốn FDI vào Việt Nam chưa đạt như kỳ vọng; những ưu đãi mà các doanh nghiệp khu vực FDI, nhất là các công ty xuyên quốc gia được hưởng là rất lớn… Những vấn đề này đặt ra yêu cầu đối với Việt Nam là cần phải đổi mới, điều chỉnh chính sách thu hút FDI trong bối cảnh mới. Trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục có cơ hội thu hút nhiều hơn FDI do tác động của các yếu tố gồm:

Một là, đại dịch Covid-19 có tác động di chuyển bớt một phần FDI đang và sẽ đầu tư ở Trung Quốc sang các nước khác (nhằm giảm thiểu rủi ro đứt gãy, lệ thuộc vào chuỗi cung ứng đầu vào từ Trung Quốc).

Hai là, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến FDI từ và ngoài Trung Quốc có xu hướng hướng tới thị trường Việt Nam nhằm mục tiêu khai thác lợi thế, lợi ích to lớn từ việc Việt Nam là thành viên của của nhiều Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu-EU (EVFTA).

Ba là, các DN FDI Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản thực hiện Chính sách/Chiến lược Nam tiến (mới) từ bản địa và từ Trung Quốc sang các địa bàn đầu tư mới, trong đó, Việt Nam là một địa bàn chiến lược…

Trong thời gian tới, việc điều chỉnh, đổi mới chính sách thu hút FDI cần được thực hiện theo hướng giảm các tác động tiêu cực và tăng các lợi ích tiềm tàng của khu vực này đối với nền kinh tế, tính đến nhiều hơn bối cảnh mới - là cơ hội để Việt Nam chọn lọc những dự án FDI theo hướng ưu tiên.

Chính sách thuế và tài chính liên quan cần tính tới các yếu tố nêu trên. Tuy nhiên, thách thức cũng không nhỏ khi dư địa chính sách thu hút FDI hữu hiệu, hợp pháp ít hơn trước, nhất là khi thực hiện các cam kết trong FTA thế hệ mới và giảm dần ưu đãi.

Để nâng cao tác động tích cực và tạo mối liên kết chặt chẽ với kinh tế địa phương, việc mời gọi được các công ty xuyên quốc gia đầu tư vào Việt Nam là rất cần thiết. Đối với các địa phương kém phát triển, xa các cực tăng trưởng, các công ty này có vai trò rất quan trọng trong việc tạo dựng mạng lưới công nghiệp hỗ trợ, liên kết kinh doanh địa phương, cả nước và khu vực.

Tuy vậy, như đã đề cập, cách thức thu hút đầu tư, mức độ chấp nhận “cuộc chơi/luật chơi”, thu thập thông tin các DN này cần được nghiên cứu nghiêm túc và kỹ lưỡng. Để giảm thiểu “chi phí” từ việc mời gọi các “đại bàng” làm tổ, cần tính tới điều kiện hỗ trợ ở địa phương, sự tham gia của DN con nước ngoài mà công ty xuyên quốc gia kéo theo và các cam kết, nhất là trong chuyển giao công nghệ từ khu vực này cũng như các chế tài kèm theo, tránh hiện tượng các DN FDI “thụ hưởng” đủ rồi chuyển sang nước khác.

Bên cạnh đó, chủ động, sáng tạo tận dụng sự chuyển dịch FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam dưới tác động của đại dịch Covid-19, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, chiến lược Nam tiến mới của các nước Bắc Á để thu hút vào các lĩnh vực ưu tiên, nâng cấp bản thân DN trong nước trong các chuỗi giá trị.

Để tăng tính liên kết kinh doanh, qua đó tạo ra các tác động tích cực, từ các DN FDI đến các DN trong nước ngoài sự hỗ trợ hiệu quả, phù hợp của Nhà nước, các DN trong nước cần nâng cao chất lượng nhân lực, chuẩn mực quản trị, kinh doanh để có thể liên kết và thu hút vốn từ các DN FDI.  Ở đây, vai trò của Nhà nước rất quan trọng trong tạo lập các mối liên kết kinh doanh và hạn chế các khiếm khuyết của thị trường, nhất là phát triển công nghiệp hỗ trợ. Điều cốt yếu là tạo dựng các công cụ liên kết hiệu quả thông qua xây dựng chính sách liên kết ngành, ươm tạo DN và qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh.

Để tránh bị kiện tụng quốc tế với DN FDI trong bối cảnh thực hiện các FTA thế hệ mới, cần nghiên cứu chuyên sâu các cơ chế, chính sách (kể cả tài khóa) phù hợp, đủ để hạn chế các dự án FDI có thể gây nguy hại đối với an ninh kinh tế, an ninh năng lượng, an ninh quốc gia, đe dọa gây phát thải, ô nhiễm ra môi trường.

Chính sách chống chuyển giá cần tiếp tục được hoàn thiện, tính đến đầy đủ các yếu tố chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất, thành tựu công nghệ 4.0 và mức ưu đãi ở các nước khu vực và toàn cầu...   

(*) Trích lược từ bài "Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong bối cảnh mới" đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 tháng 01/2021.