Dính nợ xấu vì vay tiêu dùng lãi suất "cắt cổ"
(Tài chính) Nhiều công ty tài chính đang cho vay với lãi suất "cắt cổ" nhưng chưa có chế tài để xử lý. Trong khi đó, theo Nghị định mới, từ tháng 6/2014, các công ty này được thực hiện thêm nhiều hoạt động giống như ngân hàng.
Bỗng nhiên lọt “danh sách đen”
Trao đổi với phóng viên, Phó tổng giám đốc phụ trách khối bán lẻ của một ngân hàng TMCP cho hay, thời gian gần đây, lượng hồ sơ vay vốn tiêu dùng tại ngân hàng này tăng vọt. Tuy nhiên, khi kiểm tra tại Trung tâm Tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (CIC) thì phát hiện, rất nhiều khách hàng cá nhân đang vướng nợ xấu.
"Khi cán bộ tín dụng gọi điện cho khách hàng để kiểm tra thì được biết, sở dĩ họ “dính” nợ xấu là do trước đó có vay vốn tại các công ty tài chính. Theo thông tin mà khách hàng phản ánh, rất nhiều người trả nợ đúng hạn, nhưng vẫn bị công ty tài chính ghi thành nợ quá hạn và ép nộp phạt. Một số khách hàng đã hủy hợp đồng, nhưng có khi hàng tháng sau vẫn bị công ty đòi nợ và ghi vào danh sách nợ xấu do máy tính chưa nhận lệnh hủy. Đó là một trong những lý do khiến hàng loạt khách hàng cá nhân bị ghi vào danh sách đen tại CIC, nên rất khó tiếp cận vốn ngân hàng”, vị Phó tổng giám đốc này nói.
Có thể thấy, hoạt động cho vay của các công ty tài chính thiếu minh bạch, nên tranh chấp phát sinh cùng với việc hàng loạt khách hàng bỗng dưng dính nợ xấu không có gì đáng ngạc nhiên.
Tại một siêu thị điện máy trên đường Thái Hà (Hà Nội), khách hỏi vay tấp nập ra vào điểm giao dịch của Home Credit (Công ty tài chính PPF). Nhân viên PPF cho biết, lãi suất cho vay khoảng 3,2%/tháng, tương ứng với gần 40%/năm.
Điều đáng nói là, khi khách hàng đòi xem trước hợp đồng để nghiên cứu, thì nhân viên công ty cho biết, chỉ cho xem hợp đồng khi khách hàng quyết định vay và đưa ra đầy đủ giấy tờ được công ty xét duyệt. Chính cách làm ăn mập mờ này là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp.
Nhiều khách hàng của PPF cho hay, dù lãi vay mà công ty này đưa ra chỉ khoảng 3%/tháng, song thực tế, lãi suất cho vay cao hơn nhiều. Ngoài ra, nhiều khách hàng cho biết, dù đã trả nợ đúng hạn hoặc đã hủy hợp đồng, nhưng vẫn bị PPF báo nợ quá hạn, ghi vào danh sách xấu, liên tục đòi nợ…
Hợp thức hóa lãi suất cao?
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, rất khó xử lý việc cho vay tiêu dùng với lãi suất cắt cổ. “Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định, lãi suất vay do các bên thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố đối với loại cho vay tương ứng, song hiện nay, khái niệm lãi suất cơ bản không còn, nên việc áp dụng luật rất khó”, luật sư Đức nói và đề nghị, cần sớm ban hành quy định để chống cho vay nặng lãi.
TS. Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á cũng nhận định, tình trạng khách hàng bị “bẫy” khi vay tiêu dùng lãi suất cao, dẫn đến tranh chấp, vướng nợ xấu là rất đáng lo ngại.
Ngày 7/5, Chính phủ đã ban hành Nghị định 39/2014/NĐ-CP về hoạt động của công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính. Theo đó, từ tháng 6/2014, công ty tài chính sẽ được triển khai thêm nhiều hoạt động mới, như phát hành thẻ tín dụng, phát hành trái phiếu, kỳ phiếu, được tham gia hoạt động bao thanh toán, kinh doanh ngoại hối…
Với quy định này, rất có thể các công ty tài chính sẽ nhanh chóng mở rộng hoạt động để “bủa vây” khách hàng. Vì vậy, trong khi NHNN chưa có các quy định về lãi suất với các công ty tài chính, TS. Cao Sĩ Kiêm khuyến cáo, khách hàng cần đọc kỹ hợp đồng trước khi ký.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, không thể ép lãi suất tiêu dùng thật thấp, vì ngân hàng sẽ không thể cho vay tiêu dùng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nếu lãi vay tiêu dùng cao như lãi suất tín dụng đen, thì có lẽ, NHNN cũng không thể làm ngơ.