Dịp Tết, giá cả không có nhiều biến động
Kiềm chế lạm phát trong tháng 1/2019 được hỗ trợ bởi những điều kiện thuận lợi là giá xăng dầu đang có chiều hướng đi xuống, doanh nghiệp đẩy mạnh tích trữ hàng bình ổn giá, thời tiết thuận lợi nên sản lượng rau tươi dồi dào...
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 chỉ tăng nhẹ do nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng nên giá một số mặt hàng về lương thực, đồ uống, may mặc tăng cao hơn tháng trước.
Không lo "té nước theo mưa"
Thông thường, những mặt hàng thiết yếu như gạo, dầu ăn, thịt, cá, rau quả các loại, một số đồ uống… có những biến động giá trong dịp Tết là do mất cân đối về cung cầu hoặc bị thiên tai, dịch bệnh đột xuất.
Tuy nhiên, năm nay, giới chuyên gia nhận định, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu sẽ ít biến động, trong đó phải kể đến giá xăng dầu đang có chiều hướng đi xuống.
Hiện nay, giá của các loại nguyên liệu đầu vào thiết yếu là xăng dầu được xem là nhân tố quyết định sự tăng/giảm của CPI đang được giữ ổn định, nên không có tác động mạnh tới các mặt hàng tiêu dùng khác, đồng thời tránh được hiện tượng "té nước theo mưa".
Đà giảm giá xăng dầu từ cuối năm 2018 tiếp tục được duy trì sang đầu năm 2019, đưa giá xăng dầu trở về ngưỡng "chấp nhận được". Cụ thể, sau nhiều lần điều chỉnh giảm, hiện giá xăng E5 RON92 tối đa 16.272 đồng/lít, giá xăng RON95 là 17.603 đồng/lít.
Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thiết yếu tăng đột biến trong dịp Tết Nguyên đán, việc giá xăng dầu giảm có thể không giúp các mặt hàng giảm theo, nhưng được coi là yếu tố giữ ổn định thị trường giá cả.
Bên cạnh đó, cũng có thêm những yếu tố góp phần kiềm chế CPI trong tháng 1/2019 là giá thịt lợn không tăng so với thời điểm tháng 12/2018. Hiện, giá thịt lợn hơi dao động khoảng 45.000-50.000 đồng/kg nhờ nguồn cung dồi dào vào thời điểm cuối năm.
Một số mặt hàng về điện tử, điện lạnh, điện thoại vào dịp cuối năm thường được các hãng cạnh tranh, khuyến mãi để thu hồi vốn nên hầu hết các mặt hàng này đều giảm giá 10-50%.
Tuy nhiên, các mặt hàng rau củ quả tươi tại các tỉnh phía Bắc có chiều hướng tăng nhẹ so với thời điểm trước Tết Dương lịch do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh kéo dài.
Các chuyên gia cảnh báo, diễn biến thời tiết và giá dầu luôn có những biến động khôn lường, có thể gây tác động đến mặt bằng giá cả các mặt hàng thiết yếu bất cứ lúc nào. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần thật thận trọng với việc điều tiết cung cầu nếu không muốn lạm phát tháng 1 và tháng 2 vượt khỏi kiểm soát.
Chương trình bình ổn giá góp phần kiềm chế lạm phát |
Bình ổn giá cho người giàu?
Để ngăn tình trạng sốt giá, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh thời điểm trước, trong và sau Tết của người tiêu dùng, hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước đã chuẩn bị nguồn hàng thiết yếu khá dồi dào.
Theo thống kê tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, số hàng hóa dự trữ đã lên hơn 46.000 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, khẳng định TP. Hồ Chí Minh sẽ không để tăng giá đột biến những mặt hàng thiết yếu. Nguồn cung hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người tiêu dùng thành phố tăng 13,2 – 16,9% so với kế hoạch và tăng 23 – 36% so với kết quả thực hiện Tết năm ngoái, chủ yếu từ ba nguồn chính là các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường (chiếm từ 30 – 40% thị phần), các chợ đầu mối và các doanh nghiệp khác.
"Tổng trị giá các nhóm hàng lương thực, thực phẩm được các DN dự trữ cung ứng cho hai tháng Tết là gần 19.000 tỷ đồng", bà Trang nói.
Trong khi đó, Sở Công thương Hà Nội cho biết, tổng giá trị kế hoạch dự trữ hàng hóa ước tính tăng 10% so với kế hoạch năm 2018, đạt 28,5 nghìn tỷ đồng.
Dưới góc nhìn của chuyên gia thương mại, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, cho biết những Tết trước đây, các thành phố lớn đã chi hàng nghìn tỷ đồng để bình ổn giá với lãi suất bằng 0 trong một số thời gian, để các doanh nghiệp bán lẻ dự trữ hàng phục vụ Tết.
Tuy nhiên, ý định tốt đẹp đó lại không có hiệu quả cao do số lượng hàng hóa bình ổn chủ yếu ở trong các siêu thị mà không có mặt ở các kênh thương mại truyền thống.
"Phải để quyền tự do định giá cho các doanh nghiệp theo cung cầu, trừ những mặt hàng do Nhà nước định giá trong dịp Tết", ông Phú kiến nghị.