Hà Nội: Không để xảy ra ‘khan hàng, sốt giá’ dịp Tết
Tết Nguyên đán Kỷ hợi năm 2019 đã đến gần, thời điểm này việc chuẩn bị nguồn cung hàng hóa đã được các đơn vị, tiểu thương chuẩn bị khá chu đáo. Với lượng hàng hóa như hiện nay sẽ khó xảy ra tình trạng ‘khan hàng, sốt giá’ dịp Tết.
Theo nhận định của các tiểu thương, nhìn chung, từ 3 năm nay, thói quen tích lũy hàng hóa vào dịp Tết của người dân không còn, lượng hàng hóa lại dồi dào nên không còn tình trạng khan hàng, sốt giá vào dịp Tết. Do đó, các tiểu thương cũng chỉ “ôm hàng” cầm chừng...
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, hiện nay là thời điểm tiểu thương tại các chợ của Hà Nội thu gom các mặt hàng khô như măng, miến, nấm hương, mộc nhĩ, hạt sen, mực khô... chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Tại một số chợ truyền thống như Kim Liên, Châu Long, Đồng Xuân..., giá các mặt hàng thực phẩm khô đã tăng nhẹ từ 5-10% so với cùng kỳ Tết Mậu Tuất 2018.Cụ thể, mộc nhĩ từ 200.000-250.000 đồng/kg, măng khô tùy theo chất lượng, chủng loại có giá từ 120.000-350.000 đồng/kg; nấm hương từ 320.000-400.000 đồng/kg; miến từ 40.000-70.000 đồng/kg; hạt sen từ 140.000-170.000 đồng/kg; các loại mực khô từ 320.000-900.000 đồng/kg; mực xé sợi 300.000 đồng/kg, loại cán nguyên miếng 650.000 đồng/kg.
Bác Nguyễn Thị Hà, một tiểu thương ở chợ Kim Liên (Hà Nội) cho biết, hiện tại cửa hàng đã đặt mua một số mặt hàng như măng khô, miến dong, mộc nhĩ, nấm hương… để chuẩn bị bán vào dịp Tết Nguyên đán. Mặc dù nhu cầu tiêu dùng có nhiều thay đổi, nhưng người dân vẫn làm mâm cơm cúng theo truyền thống nên các mặt hàng khô vẫn bán chạy trong dịp Tết, có thể tăng ít nhất từ 10.000-50.000 đồng/kg.
Trong khi đó, hệ thống siêu thị như: Big C, Vinmart, Hapro Mart... cũng bắt đầu vào đợt cao điểm bán hàng Tết. Tại hệ thống siêu thị Vinmart đã bày bán các loại nấm hương, mộc nhĩ, măng khô..., nhưng giá bán cao hơn thị trường tự do.
Cụ thể, mộc nhĩ 250.000 đồng/kg, nấm hương khô Thu Dung và Lý tưởng Việt giá từ 500.000 - 600.000 đồng/kg... Lý giải nguyên nhân khiến giá nông sản khô bày bán trong hệ thống siêu thị cao hơn thị trường tự do, đại diện Vinmart cho biết, các mặt hàng nông sản khô bày bán tại siêu thị đều đạt tiêu chuẩn VietGap, có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ nên giá bán cao hơn là điều khó tránh khỏi.
Phối hợp cung ứng hàng hóa Tết cho người dân
Để bảo đảm đủ hàng hóa phục vụ trong dịp Tết, Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành Kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Hiện có 20 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình dự trữ với 8.680 tỷ đồng, tổ chức đưa hàng bình ổn đến 10.688 điểm bán hàng (tăng 3.865 điểm) và 3 tổ chức tín dụng tham gia với tổng hạn mức đăng ký trên 2.700 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với các quận, huyện rà soát 35 điểm giới thiệu cho hệ thống Vinmart và Co.opFood để nghiên cứu phát triển điểm bán hàng cố định phục vụ nhân dân; rà soát 70 địa điểm tổ chức chợ Hoa Xuân phục vụ Tết và đang phối hợp với các sở, ngành xem xét phê duyệt.
Sở Công Thương Hà Nội còn phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội và các sở, ngành xây dựng, triển khai công tác phục vụ Tết của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn về hàng hóa, giá cả, chất lượng hàng hóa, niêm yết giá, các quy định về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá cũng như việc thực hiện các quy định về khuyến mại, tổ chức hội chợ trong dịp Tết…
Cùng với Sở Công Thương nhằm cung cấp lượng hàng hóa dồi dào cho Thủ đô, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, nhằm tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận đặc sản vùng miền từ nay đến Tết Nguyên đán này, HPA sẽ phối hợp với các tỉnh thành liên tục tổ chức Tuần lễ giới thiệu nông sản an toàn, đặc sản vùng miền.
Là một trong những đơn vị được thành phố Hà Nội chỉ định tham gia vào chương trình bình ổn giá, chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, đại diện Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, ngoài các mặt hàng do các đơn vị thành viên của Hapro trực tiếp sản xuất có uy tín như gạo Đồng Tháp, rượu vang Thăng Long, giò thực phẩm, bánh chưng… Hapro còn chuẩn bị nguồn hàng từ các mặt hàng Tổng công ty trực tiếp nhập khẩu, phân phối làm đại lý cấp 1 như: Trái cây, bánh kẹo, hạt dẻ, rượu nhập khẩu, các sản phẩm đặc sản vùng miền như măng, miến, mộc nhĩ, các sản phẩm tươi sống như gà ta, thịt bò… Các đơn vị thành viên của Tổng công ty đã chủ động xây dựng số lượng hàng hóa dự trữ hợp lý. Riêng các đơn vị tham gia chương trình bình ổn giá cả thị trường đã xây dựng lượng hàng hóa dự trữ với trị giá ở mức cao nhất khi tham gia chương trình kinh doanh Tết 2019.
Về hàng hóa cho dịp cuối năm 2018 và Tết Nguyên đán, ngày 14/12, lãnh đạo Thành phố giao Sở Công Thương tổ chức triển khai hiệu quả chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp tổ chức bán hàng về nông thôn, khu công nghiệp để cung ứng sớm và đầy đủ hàng hóa cho nhân dân, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung - cầu, dẫn đến tăng giá đột biến.