DN Việt Nam không nhập vàng từ Hồng Kông

Theo TBKTSG

Sau khi có thông tin về nạn vàng giả tại Hồng Kông, đại diện các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước đều khẳng định, vàng dùng để làm nữ trang trong nước do doanh nghiệp nhập chính thức chủ yếu từ Thụy Sỹ, không nhập vàng từ Hồng Kông.

Báo chí quốc tế vừa loan tin vàng trang sức tại Hồng Kông được làm giả rất tinh vi, khiến người trong ngành rất khó nhận biết, và số vàng giả này cũng đã bán ra tại một số nước ở Châu Á. Tuy vậy, tại Việt Nam, các doanh nghiệp vàng khẳng định rằng, khi được cấp hạn ngạch nhập vàng, các doanh nghiệp và ngân hàng đều chọn đối tác chính các là doanh nghiệp Thụy Sĩ vì đây là các công ty có uy tín quốc tế về chất lượng vàng nhiều năm nay.

Theo ông Trương Công Nhơn, Phó Tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), SJC là doanh nghiệp sản xuất vàng miếng và đồ trang sức nên chỉ nhập vàng nguyên liệu về chế tác, không nhập vàng thành phẩm; nguồn gốc vàng cũng phải rõ ràng vì SJC lo ngại ảnh hưởng đến thương hiệu của một doanh nghiệp lớn.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng cho biết, vàng nguyên liệu trước khi được chế tác phải được kiểm tra chất lượng; công ty PNJ có máy đo quang phổ để kiểm tra vàng nên có thể phát hiện được vàng nhái, vàng giả dù cho vàng được làm tinh vi đến thế nào.

Với Công ty vàng bạc đá quý Sacombank-SBJ, bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, Tổng giám đốc, cho biết SBJ cũng nhập nguyên liệu từ Thụy Sĩ. Tuy vậy bà cũng cho rằng ngoài nguồn nhập chính thức và mua của các ngân hàng thì hiện nay các doanh nghiệp cũng mua vàng của các tiệm vàng. “Vàng nhập từ các cửa hàng phải được nấu chảy ra, cân đo lại rồi mới tính tuổi vàng. Và các cửa hàng phải chịu trách nhiệm nếu vàng không đủ tuổi, vì vậy tại SBJ không thể có chuyện mua vàng giả hay kém chất lượng”.

Vấn đề đáng quan tâm hiện tại theo bà Chi là vàng nữ trang được bán tại các tiệm vàng. Nhiều tiệm vàng trong thành phố vẫn nhập các loại vàng từ Trung Quốc và các nước lân cận thông qua đường tiểu ngạch, qua biên giới Campuchia nên khó xác định có phải vàng từ Hồng Kông hay không. "Để mua được giá rẻ, các cửa hàng sẽ chấp nhận nhập các loại nữ trang này dù không đủ tuổi, đây là vấn đề mà nhà nước cần lưu ý để tránh thiệt hại cho người tiêu dùng”, bà Chi nói thêm.

Theo ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng, hiệp hội đang chuẩn bị cho ra đời công ty kiểm định vàng độc lập. Công ty này sẽ đóng dấu hợp chuẩn cho sản phẩm nữ trang trong nước. Điều này sẽ góp phần giảm được các sản phẩm vàng thiếu chất lượng trôi nổi trên thị trường.