"Đo đếm" các tác động đến kinh tế thế giới


Kinh tế Trung Quốc, kinh tế Ấn Độ, đặc biệt là động thái của FED... được cho là những tác động lớn đến kinh tế toàn cầu trong năm 2024.

Dù giảm đà tăng trưởng, kinh tế Trung Quốc vẫn đóng góp phần lớn trong GDP toàn cầu năm 2024
Dù giảm đà tăng trưởng, kinh tế Trung Quốc vẫn đóng góp phần lớn trong GDP toàn cầu năm 2024

Đóng góp của Trung Quốc

“Trung Quốc rõ ràng vẫn còn quan trọng trong thời gian tới. Nền kinh tế này vẫn chiếm gần một nửa GDP ở Châu Á - Thái Bình Dương,” nhà kinh tế trưởng Albert Park của ADB cho biết trong cuộc họp báo về báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á do ngân hàng này thực hiện.

Ông Park cho biết: “Mặc dù tốc độ tăng trưởng đang chậm lại trong năm nay và những năm tới… nhưng kinh tế Trung Quốc có khả năng đóng góp phần lớn vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu”.

ADB dự báo Trung Quốc sẽ tăng trưởng với tốc độ 4,8% vào năm 2024, thấp hơn mức mục tiêu do chính phủ nước này đề ra. Năm ngoái, nền kinh tế số 2 thế giới đạt mức tăng trưởng 5,2%.

Điều đáng nói, ngay cả khi tăng trưởng chậm hơn, dữ liệu của ADB ước tính Trung Quốc vẫn sẽ chiếm tới 46% tăng trưởng ở châu Á trong giai đoạn 2024-2025.

Hiện tại, Trung Quốc hiện chiếm lần lượt 18% GDP toàn cầu, và 48% quy mô phát triển kinh tế của châu Á, dựa trên tỷ giá hối đoái ngang giá sức mua (PPP), một thước đo được ADB, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế sử dụng.

Vai trò của Ấn Độ

Thời gian qua, khi Trung Quốc bước vào thời kỳ giảm tốc tăng trưởng, Ấn Độ nổi lên với quỹ đạo tăng trưởng kinh tế tích cực. Đất nước này đang được kỳ vọng sẽ trở thành một cường quốc công nghệ và sản xuất, đồng thời là một sự thay thế hấp dẫn cho Trung Quốc.

Ông Park nhận định: “Tầm quan trọng của Ấn Độ đối với tăng trưởng trong khu vực đang ngày càng tăng”. ADB kỳ vọng tăng trưởng của đất nước sẽ cao nhất trong khu vực, ở mức 7% vào năm 2024 và 7,2% vào năm 2025.

Nền kinh tế của quốc gia Nam Á này gần đây đã phát triển với tốc độ nhanh nhất trong sáu quý, vượt qua kỳ vọng với mức tăng trưởng 8,4% trong quý từ tháng 10 đến tháng 12 của năm tài chính hiện tại 2023-24.

Tuy nhiên, các chuyên gia ADB cho rằng mặc dù nền kinh tế Ấn Độ chắc chắn là một “điểm sáng”, nhưng nó vẫn nhỏ hơn so với Trung Quốc. Về thước đo tỷ giá hối đoái PPP, các nhà kinh tế của ADB lưu ý nền kinh tế Trung Quốc vẫn gấp khoảng 2,5 lần so với Ấn Độ.

Trong báo cáo của mình, ngân hàng này cũng cho biết họ kỳ vọng tốc độ tăng trưởng của các nước đang phát triển ở châu Á trong năm nay sẽ mạnh hơn một chút so với dự báo tháng 12, do nhu cầu nội địa lành mạnh bù đắp cho sự suy thoái ở Trung Quốc.

Nỗi lo lớn hơn từ FED

Một lo ngại khác có thể tác động đáng kể tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu là FED.

Báo cáo việc làm mới cho thấy sức mạnh thị trường lao động Hoa Kỳ vẫn mạnh, trong khi tỷ lệ lạm phát hàng năm là 3,2% trong tháng 2 - cao hơn dự kiến – đang khiến kỳ vọng về việc FED có 3 đợt cắt giảm lãi suất trong 2024 trở nên ít chắc chắn hơn.

Ngày càng có nhiều chuyên gia dự báo khả năng cơ quan quyền lực này sẽ không cắt giảm lãi suất trong năm nay, bao gồm cả Chủ tịch FED ở Minneapolis, Neel Kashkari, người đã nói vào tuần trước rằng kịch bản không cắt giảm lãi suất là có thể xảy ra nếu lạm phát tiếp tục đi ngang.

Trong kịch bản này, lãi suất cao ở Mỹ có thể sẽ tiếp tục ngăn cản chi tiêu tiêu dùng và đầu tư của các doanh nghiệp, qua đó tạo thêm áp lực lớn lên khả năng phục hồi của kinh tế thế giới.

Mỹ đang là bạn hàng lớn nhất của nhiều quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương và rõ ràng sức chi tiêu của thị trường lớn nhất thế giới có thể quyết định đến quy mô sản xuất của nhiều nền kinh tế.

Bởi vậy, các quốc gia Châu Á đang phải theo dõi chặt chẽ động thái từ FED, nơi quyết định của các quan chức ngân hàng này có thể điều hướng dòng vốn, tỷ giá hối đoái hay thậm chí là thị trường lao động của nhiều quốc gia trong mạng lưới kết nối kinh tế toàn cầu chặt chẽ như hiện nay.

Theo Trường Đặng/Diendandoanhnghiep.vn