Kinh tế “net zero”: Cuộc đua với carbon
Đã xuất hiện quan điểm cho rằng mục tiêu giảm phát thải về 0 sẽ gặp nhiều thách thức. Sự lo ngại này đã thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon.
Trung hòa carbon, giảm phát thải về 0 đang là yêu cầu bắt buộc với kinh tế toàn cầu, bắt đầu tư các siêu cường và những tập đoàn đa quốc gia. Những nền kinh tế có quy mô nhỏ như Việt Nam sẽ có lợi thế gì?
Tín chỉ carbon hiện nay không còn là chuyện viển vông, mà là tiền tươi, thóc thật. Không chỉ có rừng mới sản sinh tín chỉ carbon, ngành năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, các dự án chuyển đổi năng lượng, thu gom và tái chế rác, nông nghiệp, lâm nghiệp... đều có thể kiếm bộn tiền.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, thế giới cần thu giữ hơn 1 tỷ tấn carbon dioxide hàng năm vào năm 2030. Đến năm 2050, lượng carbon thu giữ cần đạt 6 tỷ tấn - gấp hơn 130 lần mức năm 2022.
Nhu cầu trên cũng đồng nghĩa với việc mở rộng thêm thị trường giao dịch tín chỉ carbon. Những quốc gia nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, mật độ rừng che phủ cao, diện tích canh tác nông nghiệp lớn sẽ là những cường quốc cung cấp tín chỉ carbon trong tương lai.
Xi măng là một trong những sản phẩm được sử dụng rộng rãi nhất trên toàn cầu, và ngành này chịu trách nhiệm cho khoảng 7% lượng khí thải carbon dioxide trên thế giới. Theo Liên hợp quốc, xi măng và thép chiếm khoảng 14% lượng khí thải toàn cầu.
Hiện tại, những loại ngành công nghiệp này không có cách nào để khử cacbon một cách hiệu quả về mức 0 ròng mà không thu giữ khí nhà kính. Nhưng công nghệ “cất giấu” khí thải này rất tốn kém.
Dù mới ra đời, nhưng theo Rystad Energy, tổng chi tiêu cho các dự án thu hồi và lưu trữ carbon dự kiến sẽ đạt 241 tỷ USD trên toàn thế giới vào năm 2030 nếu tất cả các dự án đã công bố thành hiện thực. Mỹ và Anh là hai quốc gia dẫn đầu với suất đầu tư lần lượt 85 tỷ USD và 45 tỷ USD đến cuối thập niên này.
Những “đại gia” dầu mỏ Chevron và Exxon đã chi lần lượt 10 tỷ USD và 20 tỷ USD cho các công nghệ giảm phát thải bao gồm thu hồi và lưu trữ carbon trong các dự án lớn đang được phát triển dọc theo bờ biển phía Nam nước Mỹ.
Dan Ammann, Giám đốc dự án giải pháp carbon thấp tại Exxon cho biết tập đoàn này hứa hẹn sẽ loại bỏ 5 triệu tấn khí thải hàng năm - tương đương với việc chuyển đổi 2 triệu ô tô chạy bằng xăng sang xe điện.
Chevron đang đổ tiền vào dự án lưu trữ carbon lớn nhất thế giới, lên đến 140 nghìn mẫu Anh. Các tập đoàn dầu khí hàng đầu vẫn tin rằng, việc thu hồi khí thải là cơ sở tồn tại của năng lượng hóa thạch. Nhưng các nhà bảo vệ môi trường không cho là vậy.
“Thu hồi carbon không thể được thực hiện ở mọi nơi, trên thực tế, cách chính để khử cacbon là phải sử dụng hiệu quả năng lượng, mở rộng quy mô năng lượng tái tạo”, chuyên gia môi trường Majkut của SLB cho biết.
Bộ Năng lượng Mỹ ước tính, để thu hồi carbon, mạng lưới đường ống dẫn khí cần tăng từ khoảng 5.200 dặm hiện nay lên khoảng 30.000 đến 90.000 dặm. Nhưng việc mở rộng đường ống đã vấp phải sự phản đối của cộng đồng nơi người dân lo lắng về sự an toàn khi vận chuyển loại khí độc này.
Một xu hướng khác, việc mua quyền phát thải là lựa chọn tối ưu hiện nay, đã có 8 doanh nghiệp FDI liên hệ với các tổ chức tại Việt Nam để mua tín chỉ carbon. Trên thực tế, chúng ta hoàn toàn có quyền nghĩ đến nguồn lợi hàng tỷ USD.