Đô thị hóa của Trung Quốc và “nút cổ chai”
(Tài chính) Khi Tieling, một thành phố nhỏ ở khu vực Đông Bắc ở Trung Quốc, bắt tay vào một dự án xây dựng một thành phố vệ tinh, ai cũng tin đó là một sự khởi đầu mới đầy hứa hẹn.
Theo tờ Wall Street Journal, khi đó, các nhà quy hoạch đô thị của Tieling đã chi nhiều triệu Nhân dân tệ để làm sạch vùng đầm lầy xung quanh vốn được sử dụng làm khu vực xả cho hệ thống ống dẫn chất thải chưa qua xử lý của thành phố. Họ hy vọng, môi trường trong lành hơn sẽ giúp thu hút các công ty tới làm ăn, theo đó tăng thu nhập cho người dân và gia tăng dân số trong vùng.
Nhưng 4 năm sau, đô thị vệ tinh Tieling New City gần như chỉ là một “thành phố ma”.
Hệ thống đường ống dẫn nước sạch của thành phố chạy xung quanh những tòa nhà dân cư và nhà công vụ vắng bóng người. Những khối nhà ở chất lượng tốt gần như không có dân cư. Những công ty được kỳ vọng sẽ tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương vẫn chưa thấy đâu bóng dáng.
Bởi vì không có việc làm, chẳng ai muốn tới sống ở thành phố mới này.
Tờ Wall Street Journal bình luận, có thể xem Tieling như một biểu tượng cho những thách thức mà Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường gặp phải trong nỗ lực thúc đẩy đô thị hóa - một quá trình mà giới phân tích dự báo sẽ đưa 250 triệu người dân nước này chuyển từ nông thôn lên thành thị trong vòng 20 năm tới. Chính phủ Trung Quốc xem đô thị hóa như một lực lượng để đảm bảo cho nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới có được sự tăng trưởng bền vững trong tương lai.
“Đô thị hóa sẽ không chỉ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và đầu tư, đồng thời tạo cơ hội việc làm, mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cuộc sống của người dân”, ông Lý Khắc Cường phát biểu cuộc họp báo đầu tiên trên cương vị Thủ tướng vào hồi tháng 3.
Về lý thuyết, đô thị hóa giúp thúc đẩy tăng trưởng vì người dân tại các đô thị thường có thu nhập cao hơn người dân ở các vùng nông thôn, cho phép họ chi tiêu nhiều hơn vào các loại hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, Chính phủ Trung Quốc cần tạo được việc làm để thu hút người dân vào các thành phố mới được xây dựng. Chuyện ở Tieling cho thấy rõ thách thức trong vấn đề được xem là “nút cổ chai” đô thị hóa này.
Trong số ít những chủ doanh nghiệp đến kinh doanh trong công viên phát triển ở Tieling New City là ông Bo Yuquan, người sở hữu một cửa hàng bán vật liệu lát sàn. “Người ta đi đâu hết cả? Chẳng có ai sống ở đây. Công ty của tôi chắc cũng sớm đóng cửa thôi. Nhân viên của tôi và tôi đang tính chuyển tới Bắc Kinh để kiếm việc”, ông Bo than vãn.
Ông Hu Jie, nhà thiết kế phong cảnh cho Tieling New City, nhận định: “Trong 10-20 năm nữa, Tieling có thể là một thành phố phát triển thịnh vượng, nhưng điều đó chỉ có được nếu thu hút được các công ty tới đây làm ăn”.
Trước kia, khu vực xuất khẩu của Trung Quốc đã tạo động lực cho làn sóng đô thị hóa của Trung Quốc. Nhưng thực tế hiện nay cho thấy, ngành xuất khẩu khó làm được điều đó thêm lần nữa trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa ở các nền kinh tế phát triển vẫn đang yếu và chi phí sản xuất gia tăng khiến hàng Trung Quốc giảm sức cạnh tranh. Công suất dư thừa khổng lồ trong nhiều ngành công nghiệp, bao gồm thép, năng lượng mặt trời và đóng tàu, sẽ càng khiến vấn đề tạo việc làm thêm phần khó khăn.
Trong những năm gần đây, các thành phố ở Trung Quốc đã lấp đầy chỗ trống trên thị trường lao động bằng việc làm trong ngành xây dựng, có được nhờ hoạt động đầu tư bùng nổ khắp toàn quốc. Những dự án xây dựng đã góp phần giúp Trung Quốc giữ tốc độ tăng trưởng, nhưng cũng làm mọc lên những “thành phố ma” như Tieling New City trên khắp nước này.
Thời kỳ bùng nổ đầu tư cũng đe dọa châm ngòi cho lạm phát leo thang và đặt lên vai hệ thống tài chính của Trung Quốc một “núi” nợ xấu. Nguy cơ sẽ càng lớn nếu người dân không chuyển tới các khu đô thị mới xây và đem tới những lợi ích kinh tế như kỳ vọng.
Trung Quốc vốn có “truyền thống” xây dựng trước rồi sau mới tạo nhu cầu, điển hình là trường hợp Thượng Hải. Cách đây 1 thập kỷ, những cao ốc ở quận kinh doanh Phố Đông mới xây khi đó không tìm được khách thuê, nhưng chẳng bao lâu sau đã trở thành biểu tượng cho sự thành công của Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhiều thành phố nhỏ hơn của Trung Quốc không thể có được sức hút lớn như của Thượng Hải.
“Các thành phố lớn có nhiều cơ hội việc làm tốt hơn. Vì thế, nhiều thành phố nhỏ hơn trên thực tế đang phải chứng kiến dân cư rời đi. Trong khi đó, các dự án xây dựng mới cứ mọc lên, khiến lượng nhà ở dư thừa ngày càng lớn”, nhà phân tích bất động sản Du Jinsong của Credit Suisse đánh giá. Theo số liệu mà ông Du thu thập được ở 287 thành phố của Trung Quốc, trong đó 2/3 là các trung tâm đô thị nhỏ, số dân cư đang sinh sống trên thực tế ít hơn số người đăng ký sống tại đó. Điều này cho thấy, người dân tại các thành phố này rời nhà tới các thành phố khác lớn hơn.
Trở lại với dự án thành phố vệ tinh của Tieling. Theo kế hoạch được đề ra, Tieling New City sẽ thu hút 60.000 dân cư vào năm 2010 và sau đó tăng con số này lên gấp 3. Tuy nhiên, mục tiêu này đến nay vẫn còn xa vời.
Mặc dù vậy, chính quyền Tieling vẫn quyết tâm tiếp tục xây dựng các công trình lớn cho đô thị vệ tinh. Năm nay, Tieling dự kiến chi 1,3 tỷ USD để xây phòng trưng bày nghệ thuật, cung thể thao, bể bơi trong nhà… cho đô thị mới này. Những khoản chi khổng lồ được lên kế hoạch, bất chấp ngân sách địa phương của Tieling đang chịu nhiều áp lực.