Đổ xô đón khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam: Nên không?
Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, du lịch Việt Nam đã mất hẳn nguồn khách Trung Quốc. Điều này khiến hàng loạt công ty du lịch khốn đốn, doanh thu bằng 0, thâm chí phá sản. Đây là điều chưa từng xảy ra trước đây.
Sự lệ thuộc lớn của ngành du lịch vào lượng khách du lịch Trung Quốc là một trong những nguyên nhân chính khiến hàng loạt đơn vị kinh doanh du lịch rơi vào tình cảnh bi đát như hiện nay.
Trước thực tế trên, nhiều ý kiến cho rằng cần tránh phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc để giảm rủi ro. Ngược lại, một số ý kiến lại cho rằng cần tiếp tục mở rộng cánh cửa đón du khách Trung Quốc. Thậm chí có ý kiến cho rằng dù gặp rủi ro lớn nhưng vẫn phải tập trung phục hồi thị trường khách Trung Quốc...
Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang:
Khách du lịch Trung Quốc không tệ như nhiều người nghĩ
Việc kinh doanh của chúng tôi với đối tác Trung Quốc là sòng phẳng, quyền lợi của hai bên được tôn trọng, đảm bảo. Do đó, khi có sự cố gì xảy ra chúng tôi chấp nhận rủi ro. Thực ra bất cứ thị trường khách quốc gia nào cũng có những mặt tích cực và tiêu cực.
Thị trường khách du lịch Trung Quốc rất lớn, gồm nhiều phân khúc cao cấp, trung cấp, bình dân… Tuy nhiên, có những công ty không hiểu thị trường này, thấy lớn quá nên tiếp tay cho những hoạt động cạnh tranh không lành mạnh.
Rất nhiều người Trung Quốc muốn đến Việt Nam du lịch
Theo một khảo sát mới đây của C9 Hotelworks về xu hướng du lịch sau dịch của khách nội địa Trung Quốc cho thấy: Có đến 45% người được hỏi có kế hoạch sẽ tiếp tục đi du lịch Việt Nam một khi biên giới hay giao thông giữa hai quốc gia được kết nối trở lại.
Mỗi năm người Trung Quốc đi du lịch rất nhiều và chi tiêu cao nên họ được cả thế giới dòm ngó, thu hút. Chẳng hạn, đối với phân khúc tầm trung mà công ty tôi đang khai thác, tour trọn gói khoảng 400 USD/thời gian năm ngày bốn đêm, chưa kể chi tiêu của khách Trung Quốc. Do vậy khách du lịch Trung Quốc không tệ như nhiều suy nghĩ!
Đối với khách Trung Quốc cao cấp cũng có sự khác biệt với khách cao cấp từ các thị trường khác. Ví dụ, họ yêu cầu thuê du thuyền riêng, trực thăng riêng hoặc do tình trạng kẹt xe tại Việt Nam nên họ yêu cầu phải có CSGT mở đường...
Tuy nhiên, những dịch vụ mà ngành du lịch Việt Nam đang có chưa đáp ứng cho phân khúc khách Trung Quốc cao cấp.
PGS.,TS. Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch:
Khi thị trường Trung Quốc "vỡ bong bóng", nhiều công ty Việt phá sản
Nhiều nước trên thế giới coi Trung Quốc là thị trường du lịch trọng điểm. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng xác định Trung Quốc là một trong những thị trường mục tiêu bởi ngoài lượng khách lớn đi du lịch nước ngoài. Thực tế trong khoảng 10 năm trở lại đây, Trung Quốc luôn là thị trường khách du lịch quốc tế đứng đầu ở Việt Nam.
Tuy nhiên, hiệu quả về kinh tế-xã hội và môi trường từ việc đón khách Trung Quốc không được như kỳ vọng đặc biệt ở những địa phương có các tour du lịch "không đồng".
Bên cạnh đó, sự phát triển du lịch phụ thuộc vào thị trường chi phối Trung Quốc ngày một tăng, cùng với đó là nguy cơ khủng hoảng khi thị trường này có vấn đề. Sự suy giảm khách Trung Quốc gần như về 0 ở Việt Nam do đại dịch COVID-19 là một minh chứng.
Cho dù đã được cảnh báo việc phát triển du lịch cần không để rơi vào tình trạng phụ thuộc vào một vài thị trường chi phối. Song do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là bệnh thành tích và không loại trừ "lợi ích nhóm", các tour du lịch "không đồng" vẫn phát triển tràn lan đặc biệt ở Khánh Hòa, Quảng Ninh…
Điều này không chỉ không đem lại nhiều lợi ích về kinh tế mà còn gây áp lực lớn đến hạ tầng xã hội, đến môi trường, gây mất an ninh; gây rủi ro lớn cho phát triển du lịch Việt Nam nói chung và các địa phương trên nói riêng. Bằng chứng là khi thị trường Trung Quốc "vỡ bong bóng" gây hậu quả làm nhiều công ty phá sản, nhiều người lao động mất việc làm.
Do đó, sau đại dịch COVID-19, du lịch Việt Nam cần thay đổi về tư duy. Theo đó, kiên quyết nói "không" với bệnh thành tích để du lịch Việt Nam phát triển hài hòa, không bị lệ thuộc vào thị trường chi phối để giảm thiểu rủi ro về thị trường.
Ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc điều hành Công ty Nghiên cứu và tư vấn giải pháp du lịch Outbox Consulting:
Không có lý do gì để từ chối khách Trung Quốc
Hầu hết các quốc gia có ngành du lịch phát triển đều xem Trung Quốc như là mục tiêu quan trọng để thu hút và phục vụ. Do đó, không có lý do gì khi Việt Nam với lợi thế vị trí địa lý nằm sát cạnh “giỏ hàng” lớn nhất của ngành du lịch thế giới lại từ chối thậm chí bài trừ thị trường khách này.
Thị trường khách Trung Quốc gồm các phân khúc khác nhau từ trình độ, hành vi, thói quen tới khả năng chi tiêu. Việt Nam hoàn toàn có thể lựa chọn phân khúc thị trường Trung Quốc cụ thể, phù hợp với lợi thể sản phẩm cũng như mục tiêu phát triển của điểm đến để thu hút.
Việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc như hiện nay hay phụ thuộc vào bất kỳ thị trường nào khác cũng không tốt. Để giảm phụ thuộc vào một số ít thị trường, giải pháp là sẽ phải đa dạng hóa thị trường.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần phải có biện pháp quản lý và cân bằng mức độ phát triển giữa các thị trường theo định hướng để bảo đảm môi trường du lịch bền vững. Tránh việc bùng nổ khách của một thị trường (như thị trường Trung Quốc - PV) này sẽ làm ảnh hưởng, xâm lấn đến không gian của các thị trường còn lại.
Sau dịch, ít nhất ở giai đoạn năm 2020 và 2021 Việt Nam cần tiếp tục ưu tiên cho các thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Trung Quốc. Ở thời điểm hiện tại, để bảo đảm khả năng tăng trưởng của thị trường khách quốc tế đến trong ngắn hạn, ngành du lịch Việt Nam không có sự lựa chọn nào khác là tiếp tục với các thị trường truyền thống như là một giải pháp trước mắt để phục hồi trước khi tiến hành các biện pháp đa dạng hóa thị trường.