Doanh nghiệp bảo hiểm được phép cấp giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử


Từ ngày 01/3/2021, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ được cấp giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử có giá trị pháp lý như bản giấy nếu tuân thủ đầy đủ các quy định. Tuy nhiên, việc cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử phải đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về giao địch điện tử và pháp luật có liên quan.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nghị định số 03/2021/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới chính thức có hiệu lực từ ngày 01/3/2021. Theo quy định của Nghị định, doanh nghiệp bảo hiểm được phép cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới điện tử.

Quy định mới được cho là đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và người mua bảo hiểm, đặc biệt là trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay.

Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tại Điều 6 Nghị định số 03/2021/NĐ-CP quy định rõ, Giấy chứng nhận bảo hiểm là bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 6 Nghị định, trường hợp cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử, doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ các quy định của Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành; tuân thủ các quy định và đảm bảo đầy đủ các nội dung theo quy định của Nghị đinh.

Tại Điều 34 Luật Giao dịch điện tử đã thừa nhận giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử: "Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu”. 

Như vậy, Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử được doanh nghiệp bảo hiểm cấp tuân thủ đầy đủ các quy định tại Nghị định số 03/2021/NĐ-CP quy định pháp luật về giao dịch điện tử và pháp luật có liên quan hoàn toàn có giá trị pháp lý như Giấy chứng nhận bảo hiểm bản giấy.

Bên cạnh đó, Nghị định số 03/2021/NĐ-CP còn quy định những nội dung liên quan đến việc thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bao gồm cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được chủ động thiết kế Giấy chứng nhận bảo hiểm, nhưng phải đảm bảo các nội dung chính tại Giấy chứng nhận bảo hiểm (quy định tại Khoản 3 Điều 6, Nghị định số 03/2021/NĐ-CP).

Đồng thời, doanh nghiệp bảo hiểm cũng được chủ động trong việc thực hiện cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm bản giấy hoặc bản điện tử. Tuy nhiên, việc cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử phải đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về giao địch điện tử và pháp luật có liên quan.

Nhằm tạo thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát thực hiện bảo hiểm bắt buộc, Nghị định quy định Giấy chứng nhận bảo hiểm phải có mã số, mã vạch; đồng thời, doanh nghiệp bảo hiểm phải tích hợp chức năng tra cứu Giấy chứng nhận bảo hiểm trên cổng thông tin điện tử của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp bảo hiểm phải đảm bảo sự kết nối với các cơ quan chức năng hữu quan để đảm bảo sự phối hợp, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện.

Theo các doanh nghiệp bảo hiểm, trong bối cảnh kinh tế khó khăn do đại dịch Covid-19 việc tập trung phát triển và ứng dụng công nghệ số hóa vào hoạt động kinh doanh bảo hiểm giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, chất lượng dịch vụ, năng lực cạnh tranh...