Doanh nghiệp bất động sản nỗ lực trả nợ trái phiếu
Thị trường trái phiếu bất động sản đang dần hồi phục với những tín hiệu khả quan, đặc biệt khi một số doanh nghiệp trong ngành đã kịp thời thanh toán nợ đúng hạn.
Vừa qua, Novaland đã thông tin về việc tiếp tục hoàn tất mua lại trước hạn 15 gói trái phiếu phát hành từ năm 2020 với tổng giá trị là 5.110 tỷ đồng. Vào đầu tháng 1 vừa qua, công ty này cũng đã mua lại trước hạn 5 gói trái phiếu NVL2020 với tổng giá trị là 1.550 tỷ đồng.
![Một số doanh nghiệp bất động sản đã kịp thời thanh toán nợ trái phiếu đúng hạn. ](https://media.tapchitaichinh.vn/w1480/images/upload/2025/02/07/trai-phieu.png)
Tính đến thời điểm hiện tại, Novaland đã mua lại trước hạn 20 gói trái phiếu NVL2020 với tổng giá trị 6.660 tỷ đồng. Công ty này cho biết đang sắp xếp nguồn tài chính để hoàn tất việc mua lại 1 gói trái phiếu còn lại trong thời gian sớm nhất.
Được biết, đây là 21 gói trái phiếu phát hành từ năm 2020, có thời hạn 60 tháng (đã được phê duyệt gia hạn kỳ hạn trái phiếu), trong đó một số đã quá hạn thanh toán lãi và toàn bộ gốc lãi sẽ đáo hạn trong giai đoạn tháng 6 – 8 tới đây.
Không chỉ Novaland, một số doanh nghiệp địa ốc khác cũng nỗ lực mua lại trái phiếu trước hạn. Điển hình như Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long mới đây đã công bố tất toán 2 lô trái phiếu với tổng giá trị 1.000 tỷ đồng, dù kỳ hạn gốc phải đến tháng 3/2029 mới đáo hạn. Thời gian mua lại trước hạn lên đến 5 năm cho thấy quyết tâm giảm nợ của doanh nghiệp này.
Tương tự, HT Land mới đây đã gửi văn bán đến các trái chủ thông báo sẽ dồn nguồn lực để thanh toán hai lô trái phiếu mã H79CH2124001 và H79CH2123002 có tài sản bảo đảm là dự án tại Bình Dương. Hay Công ty Cổ phần Đầu tư và kinh doanh bất động sản Hải Phát cũng hoàn tất mua lại toàn bộ 390 tỷ đồng trái phiếu trước hạn trong cuối năm 2024, không còn dư nợ trái phiếu.
Những nỗ lực này thể hiện quyết tâm của các doanh nghiệp trong việc giảm nhẹ gánh nặng trái phiếu cũng như “cơn khát” vốn. Thậm chí một số doanh nghiệp sẵn sàng đảo nợ bằng cách tăng vay ngân hàng hoặc phát hành cổ phiếu mới, dù hoạt động kinh doanh và triển khai dự án vẫn gặp không ít khó khăn.
![Số lượng doanh nghiệp chậm trả gốc/lãi trái phiếu phát sinh mới trong năm qua đã giảm đáng kể. ](https://media.tapchitaichinh.vn/w1480/images/upload/2025/02/07/anh-chup-man-hinh-2024-11-07-luc-18-56-42.png)
Thống kê của VIS Rating cho thấy, số lượng doanh nghiệp chậm trả gốc/lãi trái phiếu phát sinh mới trong năm qua đã giảm đáng kể, đặc biệt trong quý 4/2024 chưa ghi nhận thêm trường hợp nào chậm trả mới.
Các chuyên gia phân tích cấp cao của VIS Rating nhận định, nhóm doanh nghiệp bất động sản đang có khoản trái phiếu đến hạn ghi nhận một số tín hiệu lạc quan. Thị trường bất động sản đang trong bước đầu phục hồi khi nhiều dự án dần được tháo gỡ “nút thắt” pháp lý, tạo điều kiện cho việc tiếp tục xây dựng, bàn giao sản phẩm.
Từ đó, nguồn cung và cầu nhà ở được cho sẽ cải thiện trong năm 2025, thúc đẩy dòng tiền cũng như lợi nhuận của các công ty bất động sản, qua đó cải thiện hồ sơ tín nhiệm của các doanh nghiệp này, tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thêm nguồn tiền để trả nợ trái phiếu.
Theo chia sẻ của TS Nguyễn Duy Phương - Giám đốc đầu tư chiến lược của DG Capital, giai đoạn rủi ro nhất của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã qua, đặc biệt là khi các quy định pháp lý mới được áp dụng, giúp thị trường minh bạch, bền vững hơn. Mặt bằng lãi suất tiết kiệm ổn định ở mức 4 - 5%/năm cũng thúc đẩy dòng tiền từ nhà đầu tư chuyển dịch sang các kênh đầu tư có lợi suất cao hơn.
"Bên cạnh đó, nền kinh tế tăng trưởng tốt cũng sẽ kéo theo kỳ vọng về sự hồi phục trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, từ đó giúp cho chất lượng tài sản của các doanh nghiệp tốt hơn và là cơ sở để nhà đầu tư gia tăng niềm tin vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp", ông Phương cho biết.
Dù vậy, bức tranh toàn thị trường vẫn còn đó nhiều gam màu tối. Trong đó, nguồn vốn được ví như “dòng máu” nuôi sống doanh nghiệp vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt. Việc thiếu hụt dòng tiền không chỉ kìm hãm hoạt động kinh doanh, mà còn ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư, phát triển dự án cũng như thanh toán nợ trái phiếu.
Các chuyên gia cho rằng, nếu tình trạng này kéo dài, rủi ro đối với cả doanh nghiệp và thị trường sẽ gia tăng. Để giảm bớt áp lực, cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án và khơi thông các dòng vốn vay.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) khuyến nghị các chủ đầu tư cần chủ động đẩy nhanh tái cơ cấu nợ, cân nhắc bán bớt tài sản (dù phải chấp nhận hoà vốn hoặc lỗ) nhằm thu về dòng tiền. Đồng thời, việc phát triển quỹ đầu tư bất động sản, quỹ tiết kiệm nhà ở hay chứng khoán hóa bất động sản cũng là hướng đi cần thiết, thay vì chỉ phụ thuộc vào kênh trái phiếu doanh nghiệp.