Doanh nghiệp bất động sản xoay chuyển giữa dịch Corona
Bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng chịu ảnh hưởng lớn nhất khi dịch Corona (Covid-19) ập đến. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp (DN) BĐS đã tự tìm cách "xoay chuyển tình thế".
Xoay chuyển trong nước
Dịch Covid-19 gây ra cú sốc lớn với ngành du lịch toàn cầu và ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Trước đợt dịch này, Việt Nam đón khoảng 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc mỗi năm với mức chi tiêu bình quân khoảng 100 USD/người/ngày. Hiện tại, các khách sạn đã nhận được một lượng lớn yêu cầu hủy phòng không chỉ từ các nhóm khách đoàn, khách công tác mà cả khách lẻ. Vì vậy, trong ngắn hạn, BĐS du lịch, nghỉ dưỡng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi nhu cầu du lịch giảm mạnh.
Để xoay chuyển tình thế, các DN BĐS chọn phân khúc căn hộ hạng sang, những khu du lịch, nghỉ dưỡng có không gian sống xanh làm tâm điểm kinh doanh trong năm 2020. Mới đây, Tập đoàn Vạn Phúc - chủ đầu tư khu đô thị Vạn Phúc công bố đầu tư 2.500 tỷ đồng để hoàn thiện 10 công trình tiện ích trọng điểm, gồm 10ha cảnh quan công viên, 20km hạ tầng giao thông nội khu, quảng trường trung tâm... Đồng thời, tiếp tục khởi công 6 hạng mục nữa là trung tâm thương mại, Bệnh viện Vạn Phúc, Công viên giải trí Ocean World, Công viên The Long Park, bãi xe tập trung, xây 300 căn nhà.
Bà Nguyễn Hương - Tổng giám đốc Công ty CP BĐS Đại Phúc Land cho biết, trong năm 2020, công ty sẽ đưa vào hoạt động khu phố thương mại sang trọng bậc nhất Sài Gòn, cao 6 tầng, tích hợp công năng vừa ở vừa kinh doanh, thu hút nhiều thương hiệu lớn trong và ngoài nước mở showroom, văn phòng đại diện, kinh doanh đồ nội thất, ẩm thực, thương mại, dịch vụ...
Theo đại diện một công ty BĐS, xu hướng sống xanh sẽ "lên ngôi", không chỉ là công trình xanh mà còn là thị trường xanh, nơi khí hậu ôn hòa, không khí trong lành, không ô nhiễm. Từ cuối năm 2019, ở miền Bắc đã manh nha xu hướng thị trường xanh và năm 2020 sẽ là năm giới đầu tư BĐS khai phá các vùng đất mới với xu hướng mới.
Cụ thể, hàng loạt công trình đang kỳ vọng hút khách như Rome by Diamond Lotus do Phúc Khang làm chủ đầu tư với các tiện ích như hồ bơi khoáng mặn vô cực tràn bờ 1.100m2, vườn La Mã 3.000m2... Dự án Eco Green Saigon có quy mô 14,36ha, được phân phối với mức giá từ 2,3 tỷ đồng/căn và có tỷ lệ hấp thụ rất tích cực.
Khu Nam TP.HCM cũng có một khu BĐS diện tích gần 350ha do Công ty TNHH MTV GS Nhà Bè (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư đang gấp rút khởi công trở lại sau nhiều năm "bất động" để nắm bắt nhu cầu mới khi thị trường BĐS nghỉ dưỡng bị chững lại.
Với sự hồi phục nguồn cung cùng kế hoạch bung hàng của các DN, thị trường BĐS từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục có sự cạnh tranh khốc liệt để giành khách mua nhà.
Đến tìm cơ hội ở nước ngoài
Song song với nhiều DN nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam, DN BĐS trong nước đang có xu hướng tìm kiếm cơ hội đầu tư BĐS ở một số nước.
Bà Hoàng Nguyệt Minh - Phó giám đốc Tư vấn đầu tư Savills Hà Nội nhận định: "Tỷ suất lợi nhuận tương đối ổn định tại các nước phát triển, thời gian triển khai dự án nhanh chóng, tiến độ thanh toán được kéo dài với tỷ trọng thanh toán thấp giai đoạn đầu, lãi suất thấp đều là những yếu tố thúc đẩy DN BĐS trong nước mở rộng kinh doanh tại thị trường nước ngoài".
Theo các chuyên gia nghiên cứu thị trường BĐS, đầu tư ra nước ngoài mang lại rất nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư BĐS của Việt Nam, đặc biệt giúp DN đa dạng hóa danh mục đầu tư, tăng cơ hội hợp tác với DN các nước để mở rộng khách hàng.
Bà Minh nhấn mạnh: "Việc đầu tư ra nước ngoài có thể sẽ không đạt được tỷ suất lợi nhuận cao như đầu tư tại Việt Nam, nhưng tại nhiều thị trường, đặc biệt các nước phát triển có thể đảm bảo mức lợi nhuận ổn định. Các DN đầu tư ra nước ngoài hiện nay đa phần có thành tựu nhất định, đảm bảo nguồn vốn, quản lý tốt danh mục đầu tư, do đó tạo niềm tin đối với các nhà đầu tư quốc tế. Đầu tư BĐS ở nước ngoài cũng là cách đẩy mạnh việc quảng bá Việt Nam trên bản đồ đầu tư thế giới".
Ông Neil MacGregor - Tổng giám đốc Savills Việt Nam cũng cho hay: "Trong khi hầu hết nhà đầu tư nước ngoài theo đuổi kế hoạch đầu tư vào Việt Nam, một số lại bắt đầu có xu hướng tìm kiếm đối tác là DN Việt Nam cho đầu tư của họ ở các nơi khác. Con số này ở thời điểm hiện tại tuy chưa đáng kể, nhưng chúng tôi nhận thấy hướng tiếp cận mới với nhiều loại hình công trình, từ lĩnh vực khách sạn, văn phòng, nhà ở, đến giáo dục và chăm sóc sức khỏe".
Bên cạnh cơ hội, đầu tư ra nước ngoài cũng tiềm tàng các rủi ro, mà nhiều nhất đến từ khác biệt về văn hóa và hệ thống pháp luật. Nếu tập trung vào các thị trường mới nổi trong khu vực, rủi ro về hệ thống pháp luật và xu hướng thị trường dễ dẫn đến thất bại nếu nhà đầu tư không đảm bảo được nguồn vốn và đầu ra cho sản phẩm. Còn đối với thị trường các nước phát triển, khó khăn lớn nhất nằm ở việc cạnh tranh trực tiếp với DN nước sở tại.
Ngoài ra, bà Nguyệt Minh cũng lưu ý các nhà đầu tư BĐS nhiều vấn đề. Thứ nhất, nếu đầu tư ra nước ngoài thì phải nghiên cứu kỹ thị trường, tùy thuộc vào từng thị trường, phải đảm bảo nắm rõ thông lệ giao dịch, thị hiếu của người dân, nguồn cung, BĐS cạnh tranh trực tiếp và gián tiếp ảnh hưởng như thế nào đến tính khả thi của dự án, sao cho sát sườn và hiệu quả nhất. Việc nghiên cứu thị trường phải được tính cho cả độ trễ trong việc hoàn tất giao dịch và xin cấp phép đầu tư.
Nếu đầu tư xây dựng nhà ở, thời điểm mở bán là quan trọng nhất. Nếu vào đúng thời điểm thị trường xuống dốc sẽ không thể ngưng lại và chờ thời điểm tái mở bán được. Với công trình thương mại, việc kiểm soát được dòng tiền dài hạn đều từ 7-10 năm, giúp nhà đầu tư dễ dàng hơn trong việc lựa chọn thời điểm thoái vốn, tăng cường tỷ suất đầu tư và giảm thiểu rủi ro về yếu tố thị trường.
Thứ hai, tìm hiểu rõ quy trình và cách thức đầu tư tại nước tham gia đầu tư. Phải có cố vấn luật tại nước tham gia đầu tư đi kèm để đảm bảo không vướng phải rủi ro pháp lý. Thẩm định chắc pháp lý của dự án là điều tối cần thiết đối với mọi nhà đầu tư cho bất kỳ dự án nào. Cuối cùng, kiểm soát tốt nguồn vốn trong trung và dài hạn để đảm bảo dự án được triển khai theo đúng tiến độ mở bán.