Doanh nghiệp cam kết "biến khủng hoảng thành cơ hội đầu tư"
(Tài chính) Sáng ngày 5/6, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2014 với chủ đề “Từ Chương trình tới hành động – Chuẩn bị cho các Hiệp định thương mại mới” đã khai mạc tại Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tới dự và phát biểu trước cộng đồng doanh nghiệp (DN).
Biến khủng hoảng thành cơ hội đầu tư
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, VBF giữa kỳ 2014 diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Nhiều người dân Việt Nam đã tuần hành biểu thị lòng yêu nước và bị kẻ xấu lợi dụng gây ra nhiều hành động vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho một số DN đầu tư nước ngoài cả về cơ sở vật chất và tinh thần, ảnh hưởng đáng kể tới hình ảnh một điểm đến thân thiện, ổn định và an toàn cho đầu tư mà Việt Nam đã tạo dựng thành công trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài nhiều năm qua.
Ngay sau khi những sự việc đáng tiếc này xảy ra, Chính phủ đã kịp thời có những chỉ đạo quyết liệt, đảm bảo an ninh, an toàn cho các nhà đầu tư, cùng các chính sách hỗ trợ cụ thể, nỗ lực khôi phục niềm tin của nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư của Việt Nam.
Bộ trưởng cho biết, chỉ trong một thời gian ngắn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành tới 6 văn bản chỉ đạo, chưa kể các văn bản của các bộ, ngành địa phương, giải quyết các vấn đề nhằm hỗ trợ DN khắc phục hậu quả, sản xuất kinh doanh trở lại.
“Chúng tôi đánh giá cao việc nhiều doanh nghiệp chịu nhiều tổn thất vì những hành vi trái pháp luật gây ra, nhưng vẫn ủng hộ và cam kết tiếp tục đầu tư tại Việt Nam”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.
Sự vào cuộc nhanh chóng, quyết liệt của Chính phủ trong việc xử lý hậu quả của sự việc đáng tiếc trên đã được cộng đồng DN ghi nhận và đánh giá cao. “Đã có những tổn thất, nhưng sự có mặt của ngài Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ ngành trong Chính phủ ở đây cho thấy một sự quyết tâm đầy hiệu quả trong việc giải quyết vấn đề”, đại diện doanh nghiệp Đài Loan tại Việt Nam cho biết.
Cùng chung cảm nhận này, ông Kim Jung In, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) cũng bày tỏ lòng biết ơn tới Chính phủ Việt Nam vì những nỗ lực to lớn trong việc giải quyết tình hình. “Như một người đồng hành với nền kinh tế của Việt Nam, Korcham sẽ luôn cố gắng hết sức để biến tình trạng khủng hoảng này thành cơ hội dành cho đầu tư nước ngoài bền vững ở Việt Nam”.
“Sự việc hy hữu và sẽ không bao giờ lặp lại”
Hơn 99% DN hiện đã hoạt động trở lại là minh chứng khẳng định niềm tin của các DN với Chính phủ và môi trường đầu tư tại Việt Nam, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Các DN bị thiệt hại đều mong muốn mau chóng vượt qua hậu quả sự cố, ổn định lại sản xuất, tiếp tục gắn bó với Việt Nam thông qua các hoạt động đầu tư ổn định và an toàn.
Để thúc đẩy quá trình hồi phục, cộng đồng DN cũng mong muốn Chính phủ đẩy nhanh việc triển khai các giải pháp hỗ trợ. Một số hiệp hội còn đề nghị được hỗ trợ các khoản vay với lãi suất thấp, miễn thuế hoặc có giải pháp phù hợp dành cho người lao động bị mất việc bởi sự cố này…
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, cộng đồng DN cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục xử lý dứt điểm, triệt để các vấn đề phát sinh từ sự cố, đặc biệt là những vấn đề có thể chỉ phát sinh hoặc nhận thấy sau này. Đồng thời có biện pháp rút kinh nghiệm để các sự việc tương tự không xảy ra trong tương lai, kết hợp với việc có kế hoạch phòng ngừa, ứng phó nhanh chóng và hiệu quả hơn trước các sự việc có thể gây thiệt hại cho DN.
“Đây là vấn đề xảy ra rất bất ngờ, hy hữu và sẽ không bao giờ lặp lại”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cam kết trước cộng đồng các nhà đầu tư. Theo Bộ trưởng, việc giải quyết khắc phục hậu quả sau đó cũng chưa hề có tiền lệ. Do đó Chính phủ Việt Nam mong muốn cộng đồng DN để các cơ quan Chính phủ có thời gian thống kê thiệt hại cũng như triển khai các biện pháp khắc phục cụ thể.
Người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư cũng cho biết, hiện Chính phủ đã thành lập Tổ công tác liên ngành với sự tham gia của nhiều bộ, ngành chỉ đạo giải quyết đối với từng DN cụ thể bị thiệt hại nặng và các DN chung. Ở các địa phương có DN bị thiệt hại, Chính phủ cũng yêu cầu thành lập các tổ công tác đặt tại các khu công nghiệp do một đồng chí Phó Chủ tịch tỉnh trực tiếp chỉ đạo, trực tiếp hỗ trợ cho các DN.
“Tất cả các hành động này với một mục đích chung là nỗ lực đưa tất cả các DN đã bị thiệt hại nhanh chóng quay trở lại hoạt động. Chúng tôi cam kết sẽ nhanh chóng triển khai các giải pháp hỗ trợ, khắc phục thiệt hại, đồng bảo bảo đảm an ninh, an toàn cho nhà đầu tư cả ở hiện tại và trong tương lai”, Bộ trưởng khẳng định.