Doanh nghiệp “chấm điểm” hoạt động hải quan
(Tài chính) Với mong muốn nâng cao chất lượng hoạt động hải quan, Tổng cục Hải quan phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành cuộc khảo sát ý kiến đánh giá của doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Đây là cơ hội để doanh nghiệp “chấm điểm” hoạt động các cơ quan hải quan ở địa phương.
Cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 10/7/2013 đến 25/8/2013, đối với các doanh nghiệp có thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu tính từ thời điểm ngày 01/01/2012 đến 31/5/2013.
Mục tiêu của cuộc khảo sát nhằm nắm bắt cảm nhận của doanh nghiệp về hiệu suất hoạt động của Cục Hải quan nơi doanh nghiệp làm thủ tục nhiều nhất (tính theo số lượng tờ khai) cũng như quan điểm của doanh nghiệp về những tiến bộ trong các chương trình, hoạt động cải cách của đơn vị hải quan này.
Khảo sát tập trung vào 6 nội dung chính: Đánh giá mức độ cảm nhận của khách hàng về chất lượng hoạt động hải quan, thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến, tư vấn, giải đáp pháp luật; thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu; công tác quản lý thuế; công tác kiểm tra sau thông quan; xử lý vi phạm hành chính và giải quyết khiếu nại; mức độ chuyên nghiệp, liêm chính của công chức hải quan trong thực thi nhiệm vụ.
Qua khảo sát, ngành Hải quan cũng mong muốn nhận được những kiến nghị của doanh nghiệp trong việc hoàn thiện pháp luật, quy định về hải quan; cải tiến quy trình thủ tục liên quan đến các nội dung khảo sát.
Tổng cục Hải quan sẽ phát và thu phiếu khảo sát thông qua bưu điện theo hình thức gửi bảo đảm. Đồng thời, doanh nghiệp có thể truy cập vào Cổng Thông tin điện tử Hải quan tại địa chỉ www.customs.gov.vn, mục Dịch vụ Hải quan/ Khảo sát ý kiến doanh nghiệp để xem nội dung chi tiết về cuộc khảo sát.
Để đảm bảo cuộc khảo sát đạt được hiệu quả thực tiễn, ngày 10/7 vừa qua, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 3807/TCHQ-VP gửi các Cục Hải quan tỉnh, thành phố, yêu cầu quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức trong đơn vị về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc khảo sát. Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các đơn vị nâng cao trách nhiệm, tuyên truyền tới toàn thể doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn, thu hút doanh nghiệp thực hiện cuộc khảo sát một cách tâm huyết, hiệu quả.
Đây là lần thứ hai Tổng cục Hải quan tổ chức một cuộc khảo sát doanh nghiệp trên quy mô toàn quốc. Cuộc khảo sát lần đầu tiên được tổ chức năm 2012, với nội dung lấy ý kiến doanh nghiệp về hoạt động của toàn ngành Hải quan. Ban tổ chức đã phát ra 5.000 phiếu khảo sát và thu về được gần 30% số phiếu đánh giá, một tỉ lệ khá cao so với các cuộc điều tra xã hội học.
Qua khảo sát, Tổng cục Hải quan đã soạn thảo và ban hành một bộ câu hỏi - giải đáp những vướng mắc mà doanh nghiệp nêu ra, đồng thời Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cũng có công văn gửi các Cục Hải quan tỉnh, thành phố yêu cầu chấn chỉnh hoạt động, đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hiện đại hóa, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.
Cuộc khảo sát ý kiến doanh nghiệp năm 2013 sẽ là một cơ sở quan trọng để Tổng cục Hải quan đánh giá, xếp hạng các Cục Hải quan tỉnh, thành phố.
Với 6 nội dung khảo sát doanh nghiệp như trên, Tổng cục Hải quan đã đề ra một bộ tiêu chí đánh giá rất cụ thể và sát sao.
Doanh nghiệp có thể đánh giá mức độ chuyên nghiệp, liêm chính thông qua các tiêu chí như kỹ năng giải quyết công việc, tác phong làm việc cũng như sự am hiểu pháp luật của cán bộ; không có hiện tượng tham nhũng, gây phiền hà sách nhiễu.
Về công tác tiến hành thủ tục thông quan hàng hóa, doanh nghiệp sẽ “chấm điểm” hải quan thông qua các tiêu chí như tính minh bạch (công khai địa điểm, nhân sự làm thủ tục, công khai kết quả phản hồi xử lý), sự thuận lợi (bố trí nhân sự có trình độ chuyên môn đáp ứng công việc, có thiết bị hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ), tính chính xác (áp dụng đúng quy định của pháp luật) và sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng khi làm thủ tục.
Tiêu chí đánh giá công tác quản lý thuế thể hiện qua những quy định rõ ràng về chính sách, thủ tục và căn cứ để cơ quan hải quan đưa ra các quyết định trong xét miễn, giảm, hoàn thuế. Công tác này cũng được đánh giá qua các tiêu chí như số thuế được miễn, giảm, hoàn đúng và đủ; quy trình đơn giản với trang thiết bị hỗ trợ và áp dụng công nghệ thông tin cũng như cán bộ xử lý được chuẩn hóa…
Những tiêu chí cụ thể như thế này sẽ giúp cho kết quả khảo sát được đảm bảo chính xác và khách quan.