Doanh nghiệp “chạy” khỏi nông thôn

Lê Thúy - thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Tăng trưởng với tốc độ không đáng kể, đổi mới thụt lùi, năng suất sản xuất giảm và đặc biệt là khả năng gia nhập thị trường của các doanh nghiệp ở nông thôn gặp nhiều hạn chế… Đây là những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đưa ra tại Hội thảo Vai trò Khối tư nhân trong Phát triển Nông nghiệp, nông thôn vừa được tổ chức ngày 28/11.

Doanh nghiệp “chạy” khỏi nông thôn
Khả năng gia nhập thị trường của các doanh nghiệp ở nông thôn gặp nhiều hạn chế… Nguồn: internet

“Nếu tình trạng tiếp cận vốn khó khăn, năng lực sản xuất không được cải thiện và bệ đỡ chính sách không sát sao đến từng doanh nghiệp thì chỉ trong vài năm nữa, các DNNVV tại nông thôn sẽ thu hẹp sản xuất thành doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ gia đình và thậm chí phá sản hàng loạt”, một doanh nghiệp ngành mây tre đan cảnh báo.

Tăng trưởng” ngược

Theo điều tra của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), giai đoạn 2005 - 2013, tại 10 tỉnh thành phố, số lượng DNNVV tại khu vực nông thôn có tăng lên, nhưng không đáng kể: chỉ từ 56,33% (2005) lên 56,85% (2013). Trong khi lực lượng này tại khu vực thành thị lại giảm, từ 43,67% năm 2005% xuống 43,15% năm 2013.

Thông tin đáng chú ý nữa là năng lực đổi mới DNNVV ở nông thôn đang giảm dần. Cụ thể là tỷ lệ đa dạng hóa sản phẩm, phát triển mới và cải tiến sản phẩm đều giảm trong những năm gần đây, từ 66,3% năm 2005 xuống còn 54,2% năm 2013.

Điều này không chỉ ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng sản phẩm của ngành nông nghiệp, mà còn cho thấy trình độ, năng lực công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam không những đã thấp, mà còn đang bất ổn về phát triển.

Theo đại diện Công ty CP Thủy sản 584 Nha Trang, nghề làm nước mắm hộ gia đình tại Khánh Hòa đang có quy trình sản xuất không thống nhất, mỗi gia đình làm theo cách riêng của mình. Do thế mà sản phẩm không đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ đó làm giảm hiệu quả kinh doanh và làm giảm khả năng hoạch định tài chính, gây khó cho khả năng tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng.

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), FDI vào nông nghiệp đạt tốc độ khá cao trong khoảng 10 năm (1991 - 2000). Nhưng tới giai đoạn gần đây thì đã lại giảm dần.

Cụ thể, cách đây 15 năm, FDI vào nông lâm ngư nghiệp chiếm 15% tổng vốn đầu tư FDI của cả nước. Trong 3 năm gần đây chỉ chiếm chưa đến 0,5%. Đồng thời, chất lượng các dự án FDI lĩnh vực nông nghiệp cũng chưa cao, phần lớn là các dự án quy mô nhỏ. Nếu như quy mô vốn đầu tư bình quân một dự án FDI vào khoảng 14,7 triệu USD thì một dự án FDI nông nghiệp chỉ đạt 6,6 triệu USD.

Ông Trương Ngọc Quang, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn, nói: “Nghị quyết 40 của HĐND tỉnh Đăk Lăk về hỗ trợ phát triển cây cacao cam kết DN được Nhà nước hỗ trợ 50% lãi suất. Tuy nhiên, khi Công ty đến, chỉ nhận được những cái lắc đầu từ ngân hàng, nếu có thì thủ tục lại vô vàn khó khăn khiến DN nản lòng”.

Vốn hướng tới “người giàu”

Theo CIEM, trở ngại cho tăng trưởng, đổi mới, và năng suất của DNNVV khu vực nông thôn là hạn chế về nguồn vốn trong khi đa số DN có xuất phát điểm đều khó khăn. Có đến 26% DN đánh giá tiếp cận vốn là trở ngại lớn nhất trong hoạt động. Thực tế là tỷ lệ khó khăn trong tiếp cận tín dụng tăng từ 28,7% (2005) lên 37,5% (2013), cao hơn so với mức tăng 5,3 điểm phần trăm của DNVVN thành thị.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, nhận xét: “Khởi nghiệp ở nông thôn hiện nay đang gặp khó. Người trẻ muốn khởi nghiệp nhưng lại không có đất, không có vốn. Các DN cũng cần tăng quy mô để chuyên nghiệp hơn nhưng lại gặp vướng mắc về nhân lực, quản lý, marketing và chuỗi phân phối rồi hàng tá các vấn đề cạnh tranh với các DN cùng ngành nghề khác tại thành thị. DN cần liên kết mạnh mẽ hơn với các hợp tác xã mạnh để xây dựng chuỗi liên kết về vốn, nguyên liệu và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm”.

Ông Tuấn cũng cho rằng lượng DN lập mới, tăng thêm tại nông thôn còn hạn chế, có khó khăn vướng mắc trong quá trình đăng ký đầu tư và hoạt động kinh doanh nên rất cần kênh hay diễn đàn để DN tư nhân tiếp xúc với khách hàng và tháo gỡ trực tiếp khó khăn trên thực tế.

Theo bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, lý do khiến các DNNVV khó tiếp cận vốn là lãi suất cao, quy trình thủ tục vay phức tạp, thiếu tài sản đảm bảo hay khả năng trả nợ thấp… Nhưng cũng có lý do từ các ngân hàng không chú ý cho vay khu vực nông nghiệp.

Ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn nhận xét, các ngân hàng ngại cho DN ở nông thôn vay vì quy mô nhỏ bé, năng lực lập dự án yếu, ít có tài sản thế chấp. Nếu ngân hàng coi DN là khách hàng nên… cho vay, thì họ cũng phải chiếu cố tất cả các yếu tố đó để hỗ trợ, thay vì chỉ hướng vào các doanh nghiệp DNNN.

Mặt khác, trong thực tế hoạt động, các DNNVV khu vực nông thôn cũng khó tìm được nguồn lao động có chất lượng, cơ sở hạ tầng phục vụ cũng rất thiếu và yếu, rủi ro trong giao dịch với nông dân lại tương đối cao và thực tế khi xảy ra rủi ro DN lại không thường xuyên được bảo vệ.

Lý do, vì DN muốn tận dụng cơ sở hạ tầng và chất xám ở thành thị. Mặc dù ở vùng nông thôn nhiều địa phương đã xây dựng khu công nghiệp, song ngay các DNNVV cũng khó tiếp cận được các khu công nghiệp ấy. Chưa kể, chi phí "lót tay" ở nông thôn cũng chiếm tới 0,3% doanh thu của DN. Chính vì thế, xu hướng các DN dồn về đô thị ngày càng cao, dù địa bàn hoạt động là ở nông thôn.

Vấn đề cốt yếu của DN nhỏ nông thôn là năng suất. Với quy mô nhỏ, thiếu vốn và đội ngũ lao động tay nghề không cao thì việc cải thiện năng suất lao động, lấy năng suất làm động lực cạnh tranh cho khu vực này đang là một hạn chế rất lớn.

Vấn đề thứ hai là cơ sở hạ tầng, kết nối thành thị và nông thôn, vùng nguyên liệu và đầu ra thị trường cho hàng hóa. Làm sao để liên kết mạnh mẽ hơn các chuỗi mắt xích này để nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như ổn định phát triển cho khu vực này.

Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế Trung ương