Doanh nghiệp chủ quan với rủi ro lừa đảo quốc tế
Đầu năm nay, cơ quan thương vụ liên tục phát đi cảnh báo về các rủi ro lừa đảo trong giao dịch quốc tế. Đáng ngại là, kể cả lĩnh vực đã từng bị lừa xuất khẩu với số lượng lớn container như hạt điều, hiện nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực sự lưu tâm tới vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) Bạch Khánh Nhựt cho biết.
Nhiều rủi ro
Mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan phát đi cảnh báo các doanh nghiệp cẩn trọng với lừa đảo qua mạng khi giao dịch mặt hàng xăng dầu; theo Cơ quan Thương vụ, lợi dụng nhu cầu sản phẩm xăng dầu tại Hà Lan tăng cao, các đối tượng lừa đảo thường lập một trang web giả mạo với thông tin bịa đặt hoàn toàn; hoặc lập một trang web giả danh các công ty xuất nhập khẩu/công ty cung cấp dịch vụ cho thuê bồn chứa xăng dầu có thật, với đầu mối liên hệ thường là số điện thoại di động hoặc số điện thoại dùng internet (số của sim 4G).
Với tâm lý cho rằng Hà Lan là một nước phát triển, hệ thống luật pháp chặt chẽ, các công ty làm ăn bảo đảm uy tín, một số doanh nghiệp khi thấy hợp đồng có điều khoản hấp dẫn đã tiến hành gấp mà không kiểm tra kỹ thông tin về đối tác. Thậm chí, khi các doanh nghiệp này có ý định xác minh tư cách pháp nhân thì phía đối tác cung cấp thông tin qua sao chép dữ liệu giấy phép đăng ký kinh doanh trích xuất từ Cơ quan có thẩm quyền sở tại hoặc cho phép tiến hành xác minh trực tiếp bởi bên thứ ba độc lập, nhưng thực tế thì không thể xác minh vì không có thật.
Trước đó ít ngày, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha cũng khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu điều và hạt tiêu cần cẩn trọng khi giao dịch với Công ty ISASA SIGLO XXI, S.L., có trụ sở tại CALLE RIOGORDO, NAVE 4, ESTRELLA, 29006 MALAGA, SPAIN; website: https://isasaexport.com/en/home/. Lý do bởi công ty này viện cớ hàng của doanh nghiệp Việt Nam không bảo đảm chất lượng tại cảng đến hay bị lâm vào tình trạng thua lỗ do giá thị trường sở tại sụt giảm nên đã không thực hiện đúng theo hợp đồng mua bán (chậm trễ, chây ì trong thanh toán nốt tiền hàng). Điều này gây khó khăn, tổn hại thời gian, chi phí lưu kho và phải kéo hàng về đối với các doanh nghiệp trong nước.
Ông Bạch Khánh Nhựt xác nhận, trong thương mại quốc tế, các vụ lừa đảo vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức và ngày càng tinh vi, phức tạp. Các đối tượng lừa đảo luôn thay đổi phương thức để tránh né sự đề phòng của doanh nghiệp, nên hầu như không vụ nào giống vụ nào. Đơn cử, từ sau vụ gần 100 container hạt điều bị lừa đảo khi xuất khẩu sang Italia hồi năm 2022 vì liên quan đến mất bộ chứng từ gốc, đến nay không ghi nhận vụ việc nào tương tự.
Tuy vậy, thực tế vẫn diễn ra các vụ lừa đảo doanh nghiệp xuất khẩu, song vì số lượng không lớn, chỉ một vài container của một số doanh nghiệp đơn lẻ nên phía hiệp hội không đủ thông tin tập hợp lại.
Cũng theo lãnh đạo Vinacas, hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay là qua mạng internet. Theo đó, các nhà mua đã có trên thị trường thì doanh nghiệp dễ dàng tra cứu thông tin. Một số doanh nghiệp xuất khẩu muốn tìm kiếm khách hàng (nhà mua) mới, nhưng vì không có điều kiện đến tận nơi đối tác hoạt động, chủ yếu giao dịch qua internet và bị kẻ xấu lợi dụng. Ban đầu, chúng mua với số lượng nhỏ và thủ tục, thanh toán rất nhanh, khi đã tạo dựng được niềm tin sẽ đặt số lượng lớn và bắt đầu tìm mọi cách để gây khó khăn cho doanh nghiệp.
“Thông thường, các đối tượng này sẽ viện lý do về chất lượng hàng hóa không bảo đảm để ép phía doanh nghiệp xuất khẩu hạ giá thành so với hợp đồng đã ký. Nếu không chấp nhận, phía đối tác dọa sẽ loan tin là hàng hóa của doanh nghiệp kém chất lượng, làm ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp, do e ngại đối tác cung cấp thông tin bất lợi sẽ khó làm ăn trên thị trường quốc tế nên đã buộc phải chấp nhận yêu cầu của họ (hạ giá hoặc tiếp tục cung cấp đơn hàng với giá cả có lợi cho phía họ, còn doanh nghiệp chịu thiệt)”, Phó Chủ tịch Thường trực Vinacas thông tin.
Kiểm tra kỹ thông tin đối tác
Trên thực tế, các cơ quan chức năng (bao gồm cơ quan thương vụ) và phía hiệp hội ngành hàng đều có thông tin cảnh báo, khuyến cáo về các hình thức lừa đảo trong thương mại quốc tế. Song, vì sao các vụ lừa đảo vẫn diễn ra?
Lãnh đạo Vinacas lý giải, một phần bởi các hình thức lừa đảo rất tinh vi, phức tạp, một phần khác bởi chính doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, không phải là thành viên hiệp hội ngành hàng vẫn còn chủ quan, không nắm được thông tin này. “Tôi đã từng tiếp xúc với những doanh nghiệp xuất khẩu, họ không hề biết đến các nguy cơ rủi ro lừa đảo khi giao dịch quốc tế. Họ chủ yếu dựa theo kinh nghiệm giao dịch một vài lần trước đã thành công thì cứ thế yên tâm tin tưởng đối tác mà không kiểm tra kỹ thông tin. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp cũng không biết đến việc có thể nhờ cơ quan thương vụ tại nước ngoài tìm hiểu về đối tác giúp mình”, ông Nhựt chia sẻ.
Từ kinh nghiệm thực tế, TS. Hoàng Ngọc Thuận, chuyên gia luật thương mại quốc tế, cho rằng, có một phần doanh nghiệp xuất khẩu chủ quan khi thấy đối tác đến từ những nước phát triển, có hệ thống pháp luật chặt chẽ nên nghĩ họ có uy tín. Một phần nữa là bởi trước đây, bản thân doanh nghiệp cũng như các doanh nghiệp khác trong ngành đều giao dịch như vậy, nếu giờ muốn thay đổi có thể sẽ mất khách hàng, trong khi sức ép bán hàng ngày càng lớn.
Để phòng tránh rủi ro lừa đảo trong thương mại quốc tế, ông Thuận lưu ý, các doanh nghiệp xuất khẩu cần kiểm tra kỹ thông tin về đối tác, như thư hỏi hàng, các kênh kết nối uy tín mà họ đang sử dụng (trang web được họ đăng ký với cơ quan quản lý nước sở tại), giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, số tài khoản ngân hàng… Đặc biệt với trường hợp mua hàng lần đầu, hoặc với số lượng/khối lượng thay đổi bất thường, cần phải yêu cầu họ chứng minh năng lực nhập khẩu, như năm trước đã mua bao nhiêu container hàng hóa. Cùng với đó, cần phối hợp với các cơ quan thương vụ để kiểm tra thông tin đối tác, xem họ có thật sự uy tín; sử dụng dịch vụ tư vấn, dịch vụ pháp lý để chủ động phòng tránh rủi ro, tránh “mất bò mới lo làm chuồng”.
Phó Chủ tịch Thường trực Vinacas cũng khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động cập nhật thông tin từ phía cơ quan chức năng trong nước cũng như các cơ quan thương vụ ở nước ngoài về rủi ro lừa đảo. Việc tham gia các hiệp hội ngành hàng sẽ giúp doanh nghiệp nắm được thông tin thị trường, các rủi ro gặp phải. Về phía các hiệp hội cũng cần phát huy hơn nữa vai trò thông tin, hướng dẫn, cảnh báo doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp, hiệp hội, cơ quan chức năng kết nối được với nhau sẽ giúp hạn chế tối đa những rủi ro có thể gặp phải trong giao thương quốc tế.