Doanh nghiệp chuyển hướng làm hàng gia công

Theo nhandan.org.vn

(Tài chính) Làm hàng gia công hay gia công sản phẩm cho các nhà phân phối lớn đã trở thành xu hướng không chỉ đối với các nhà sản xuất nhỏ mà còn giúp các nhà sản xuất lớn ở TP. Hồ Chí Minh có thêm kênh tiêu thụ sản phẩm, vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất trong bối cảnh hiện nay.

 Doanh nghiệp chuyển hướng làm hàng gia công
Làm hàng gia công hay gia công sản phẩm cho các nhà phân phối lớn đã trở thành xu hướng. Nguồn: internet

Nở rộ sản phẩm "hàng nhãn riêng"

Lâu nay, việc các thương hiệu, cửa hàng giày, dép, hàng may mặc thời trang không tự sản xuất sản phẩm mà nhờ mạng lưới gia công đã trở nên phổ biến. Với những mặt hàng này, phần lớn các thương hiệu kinh doanh đều không tự sản xuất được tất cả các mẫu hàng mà phải đưa ra ngoài gia công. Nguyên nhân chủ yếu là chi phí kinh doanh sẽ đội lên rất lớn nếu tự làm hoàn toàn tất cả sản phẩm. Chẳng hạn, chi phí để làm ra một khuôn mẫu giày mới khoảng 20 triệu đồng và muốn có lãi thì doanh nghiệp (DN) phải sản xuất vài nghìn đôi giày, trong khi giày là mặt hàng thời trang, có "tuổi thọ" ngắn.

Do vậy, các cửa hàng, thương hiệu giày không muốn mạo hiểm, nhận nhiều rủi ro khi tự sản xuất nên luôn có các cơ sở vệ tinh làm gia công. Cũng có khi các cơ sở gia công tự thiết kế, làm ra sản phẩm rồi đến giới thiệu với các cửa hàng, thương hiệu giày, sau đó thỏa thuận giá cả, số lượng rồi thực hiện việc gia công. Hiện, các cơ sở làm hàng gia công cho các thương hiệu giày trên địa bàn thành phố tập trung nhiều ở quận 4. Các sản phẩm giày được gia công có giá sỉ chỉ từ 250 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng/đôi, nhưng khi được đưa vào một cửa hàng lớn gắn thương hiệu lên thì được bán với giá từ 400 nghìn đến 500 nghìn đồng.

Còn trong lĩnh vực may mặc, một cửa hàng lớn cũng có khoảng 20 cơ sở gia công. Hình thức gia công cũng tương tự như gia công giày, nghĩa là có thể gia công từ "A đến Z" hay chỉ một công đoạn và giá gia công thường chiếm khoảng 10% giá bán trong các cửa hiệu. Hiện nay, phần lớn sản phẩm giày, dép, may mặc đều áp dụng phương thức làm hàng gia công. Theo ông Trương Anh Vũ, một nhà thiết kế thời trang, các thương hiệu giày, dép, quần, áo lớn trên thế giới cũng áp dụng hình thức gia công này, nhưng họ kiểm tra rất khắt khe quy trình sản xuất tại các cơ sở gia công để bảo đảm uy tín thương hiệu.

Bên cạnh đó, thời gian gần đây, việc làm gia công cho các nhà phân phối lớn (còn gọi là làm hàng nhãn riêng) đã ngày càng phổ biến, không chỉ các nhà sản xuất nhỏ tham gia mà đã thu hút nhiều nhà sản xuất lớn. Sản phẩm tham gia gia công cũng đa dạng, phong phú, tập trung vào ngành hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm... Phần lớn, các hệ thống siêu thị lớn ở thành phố như Co.opmart, Big C, Maximart, Lotte... đều triển khai hình thức làm hàng nhãn riêng với nhiều mặt hàng như: bột ngọt, bột nêm, gia vị, trứng, cháo, bún, phở ăn liền, nước giải khát... Mỗi hệ thống siêu thị đều có đến hàng trăm mặt hàng "hàng nhãn riêng" được đặt gia công bên ngoài.

Ðôi bên cùng có lợi

Theo các nhà phân phối hàng hóa lớn, hàng nhãn riêng do DN bên ngoài gia công sẽ có giá bán rẻ hơn sản phẩm cùng loại ngoài thị trường từ 5% đến 20% nhưng vẫn bảo đảm được chất lượng sản phẩm. Còn đối với các DN làm hàng gia công, việc sản xuất hàng nhãn riêng cũng là một kênh tiêu thụ hàng hóa tốt, giúp DN giữ vững doanh thu, nhất là trong tình hình khó khăn hiện nay. Không những vậy, nhờ làm hàng nhãn riêng cho các nhà phân phối lớn, DN sản xuất sẽ hoạt động được hết công suất, luôn có đầu ra ổn định, sản phẩm tiếp cận được người tiêu dùng thông qua kênh phân phối lớn, không tốn chi phí quảng bá thương hiệu...

Theo Tổng Giám đốc Công ty Hóa Mỹ phẩm quốc tế (ICC) Trịnh Thành Nhơn, gia công hàng nhãn riêng là "cửa thoát" cho các DN ngành hóa mỹ phẩm hiện nay. Nhờ làm gia công, các sản phẩm của ICC như dầu gội, bột giặt, kem đánh răng... đã vào được các siêu thị và công ty vẫn giữ được doanh số. Tổng Giám đốc Vinamit Nguyễn Lâm Viên cho biết, nhờ gia công hàng nhãn riêng mà doanh thu năm 2013 của Vinamit tăng 20% so năm 2012. Dự kiến, trong năm 2014, Vinamit sẽ làm hàng gia công cho hai thương hiệu phân phối lớn ở Trung Quốc và Mỹ.

Việc chuyển sang làm hàng gia công cũng khá thuận lợi đối với các DN sản xuất khi gần như họ không cần đầu tư gì thêm do trước đó các DN đặt hàng gia công đã xem xét điều kiện, quy trình và năng lực sản xuất của đơn vị họ muốn đặt hàng gia công. Theo Tổng Giám đốc thương hiệu bánh ABC Kao Siêu Lực, ABC xem việc làm hàng gia công cũng là một mảng sản xuất chính. Chỉ cần lợi nhuận hợp lý và đơn hàng lớn thì ABC sẽ thực hiện tốt. Hiện, sản phẩm gia công hàng nhãn riêng chiếm đến 40% tổng sản lượng của ABC. Tương tự, việc gia công hàng nhãn riêng cũng đã trở thành một trong những chiến lược kinh doanh của Công ty Sài Gòn Food và lượng sản phẩm gia công hàng nhãn riêng chiếm khoảng 25% tổng sản lượng sản xuất của DN này...

Tuy vậy, việc hợp tác để gia công hàng hóa cũng đang tồn tại một số bất ổn. Có một số DN lợi dụng việc gia công để làm thêm hàng và đưa ra các chợ đầu mối lớn để chuyển đi các tỉnh với giá sỉ, thấp hơn giá làm gia công. Ðiều này tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng trên thị trường. Ở một góc độ khác, hàng nhãn riêng thường có giá thấp hơn thị trường bên ngoài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sản phẩm "chính hãng" và có thể dẫn đến tình trạng chất lượng hàng gia công kém hơn hàng "chính hãng" trên thị trường... Theo các chuyên gia, xu hướng làm hàng gia công vẫn sẽ tiếp tục phát triển do hệ thống phân phối hiện đại sẽ ngày càng mở rộng và nhu cầu mua sắm hàng hóa ở các hệ thống này của người tiêu dùng ngày càng tăng.