Doanh nghiệp còn thờ ơ việc bảo vệ tài sản của mình

Thái Hằng

“Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm tới việc bảo vệ tài sản trí tuệ của mình, có doanh nghiệp còn thờ ơ, né tránh, chưa hợp tác với lực lượng chức năng”, ông Trịnh Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) nhận định.

Thờ ơ vì ngại thủ tục rườm rà, phức tạp

Ông Trịnh Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết: Công tác phối hợp giữa lực lượng chức năng và doanh nghiệp bước đầu có những chuyển biến tích cực, đã kiểm tra, phát hiện và xử lý nhiều vụ việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhiều doanh nghiệp.

Tính chung cả năm 2017, lực lượng chức năng đãtiến hành kiểm tra và xử lý trên 19 nghìn vụ vi phạm; xử phạt hành chính trên 73,8 tỷ đồng với trị giá hàng vi phạm trên 518 tỷ đồng. Trong đó, 278 vụ giả về chất lượng, công dụng; 3.518 vụ giả mạo chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bao bì; 395 vụ giả về tem, nhãn, bao bì hàng hóa; 608 vụ xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ; 15.067 vụ vi phạm về nhãng hàng hóa…

“Cuộc chiến hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không thể đạt được hiệu quả như mong muốn nếu như không có sự chủ động hợp tác, tích cực của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và sự tham gia của toàn xã hội”, ông Ngọc cho biết.

Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực trong việc phòng, chống hàng giả hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhưng hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm tới việc bảo vệ tài sản trí tuệ của mình, có doanh nghiệp lại thờ ơ, né tránh, chưa hợp tác với lực lượng chức năng. “Nguyên nhân chủ yếu được doanh nghiệp đưa ra là thủ tục rườm rà, phức tạp hoặc sợ ảnh hưởng đến uy tín của mình… Điều này gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm”, ông Ngọc cho biết.

Việc phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan thực thi lại chưa bài bản, chưa thường xuyên và có kế hoạch cụ thể, trong khi, chế tài xử phạt vi phạm chưa đủ sức răn đe.

Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng tinh vi, hiện đại, trong khi trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng thi hành còn thiếu, lạc hậu, chưa theo kịp với trình độ phát triển khoa học công nghệ và thiếu sự hỗ trợ kỹ thuật của doanh nghiệp bị xâm phạm.

Kiến thức người dân về hàng giả, hàng nhái còn nhiều hạn chế, đặc biệt là mặt bằng nhận thức người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn thấp nên những khu vực này là thị trường cho hàng giả, hàng nhái tiêu thụ. Sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong tuyên truyền, hướng dẫn cách nhận biết hàng thật, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ cho người dân còn hạn chế...

Chưa kể, một số doanh nghiệp nước ngoài chưa có đại diện tại Việt Nam, vì vậy, khi lực lượng chức năng kiểm tra, tạm giữ hàng hóa để xác minh thì không có tổ chức/cá nhân đại diện xác nhận hàng thật, hàng giả hoặc phải mất nhiều thời gian để liên hệ giám định, xin ý kiến chuyên môn của cơ quan quản lý chuyên ngành để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật…

Khắc phục những “lỗ hổng” còn tồn tại

Thời gian gần đây nhiều vụ việc quy mô lớn, tính chất nghiêm trọng đã bị điều tra, phát hiện, các vụ việc này chủ yếu lên quan đến hàng hóa có nguồn gốc nước ngoài thẩm lậu vào thị trường nội địa tiêu thụ. Điển hình như: Vụ sản xuất phân bón của Công ty Thuận Phong; vụ sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm và thực phẩm chức năng của Công ty TS; vụ kinh doanh lụa tơ tằm của Công ty Tập đoàn Khải Silk… Qua đó cho thấy, việc làm giả nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm lưu thông trên thị trường rất đáng báo động.

Theo ông Trịnh Văn Ngọc, để khắc chế những tồn tại trên, ngoài việc phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương thì cần sự vào cuộc đồng bộ của lực lượng Quảng lý thị trường, các hiệp hội và doanh nghiệp. Trong đó, đẩy mạnh thực hiện thống kê, điều tra cơ bản, phân loại đối tượng, hàng hóa đang kinh doanh trên thị trường, từ đó rà soát, sàng lọc các đối tượng, mặt hàng, các nhãn hiệu có nguy cơ hay bị làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để theo dõi, giám sát và thông báo cho doanh nghiệp chủ thể quyền phối hợp theo dõi, giám sát.

Bên cạnh đó, thông báo và yêu cầu các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ đang có hàng hóa lưu thông trên thị trường phối hợp, nắm chắc tình hình thị trường và khảo sát thường xuyên để kịp thời phát hiện khi có dấu hiệu vi phạm tiến hành phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý vi.

Đặc biệt, cần có cơ chế thuận lợi để các hiệp hội, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào công tác chống hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ. Việc các doanh nghiệp, hiệp hội chủ động nắm thông tin, điều tra, xác minh, phát hiện và hỗ trợ các lực lượng chức năng thực thi công tác chống hàng giảm xâm phạm sở hữu trí tuệ cần phải được khuyến khích và thể chế hóa bằng văn bản quy phạm pháp luật; hình thành cơ chế phối hợp thông suốt, hiệu quả, đặc biệt là trong việc chia sẻ thông tin, dữ liệu có liên quan.

“Các doanh nghiệp cũng cần chủ động, tích cực thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng trong việc cung cấp thông tin, thẩm tra, xác minh khi phát hiện hàng hóa có dấu hiệu vi phạm thì phối hợp kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật, nhằm bảo vệ sản phẩm của mình và nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng”, ông Trịnh Văn Ngọc nhấn mạnh.