Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong thời đại kỹ thuật số
Bên cạnh những cơ hội lớn mà kỷ nguyên kỹ thuật số mang lại có nhiều thách thức phải quan tâm giải quyết. Trong đó, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là vấn đề cấp bách, được xem như là chìa khóa cho phát triển kinh tế đất nước. Quan điểm này được các chuyên gia nêu trong hội thảo “Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong thời đại kỹ thuật số” diễn ra tại Hà Nội sáng 12/3.
Luật chưa đủ sức răn đe
Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ. Bên cạnh thị trường truyền thống, hoạt động kinh doanh diễn ra ngày càng nhiều trong môi trường thương mại điện tử. Lợi ích từ sự chuyển đổi này là rất lớn, có sức hấp dẫn với doanh nghiệp, đòi hỏi cao hơn trong vấn đề bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
Chính phủ và các bộ, ngành liên quan thời gian qua đã nỗ lực nâng cao hiệu quả hoạt động, phòng và chống các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường số tại Việt Nam. Đánh giá cao những hành động tích cực này, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cho rằng, chính những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã góp phần giúp các doanh nghiệp Hoa Kỳ hoạt động kinh doanh hiệu quả tại đây.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ lại đang chứa đựng nhiều yếu tố bất định. Pháp luật về sở hữu trí tuệ chưa đủ mạnh để có thể răn đe. Thực tế, có những người lợi dụng kẽ hở pháp luật, mạo danh các thương hiệu nổi tiếng để làm hàng giả, hàng nhái.
Ở nước ta cơ bản vẫn do cơ quan quản lý nhà nước xử lý, chứ chưa có những tòa án đủ mạnh, đủ năng lực và chuyên sâu về mặt sở hữu trí tuệ. Theo thống kê của Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, hơn 98% vi phạm về sở hữu trí tuệ từ năm 2013 đến năm 2015 được các cơ quan hành chính xử lý. Rất ít vụ việc được xử lý hình sự.
Trong lĩnh vực hoạt đông thương mại điện tử tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Khoa học và Công nghệ, tốc độ tăng trưởng hàng năm lên tới 22%, quy mô thị trường được dự đoán có thể đạt 10 tỷ USD trong 5 năm tới.
Phó Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Như Quỳnh nhận định, sự phát triển thương mại điện tử cũng đặt ra rất nhiều thách thức khi các doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, pháp luật với nhà cung cấp dịch vụ trung gian, xử lý vi phạm trên mạng xã hội cũng chưa rõ ràng, ngay cả khi xác định có trường hợp vi phạm thì cũng rất khó thu thập chứng cứ bảo đảm căn cứ pháp lý để xử lý vi phạm.
Bà Kelly Anderson, quản lý cấp cao về sở hữu trí tuệ quốc tế, Phòng Thương mại Hoa Kỳ, cho rằng Chính phủ Việt Nam đang thể hiện mong muốn tăng cường năng lực cạnh tranh và tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, trong bảng xếp hạng “Chỉ số sở hữu trí tuệ” do Phòng Thương mại Hoa Kỳ thực hiện, thứ hạng của Việt Nam còn khá khiêm tốn.
Tăng cường đối thoại
Theo Phó Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Như Quỳnh, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các hiệp định thương mại tự do khác đặt ra những quy định rất ngặt nghèo về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
Thậm chí, trong CPTPP có riêng một quy định về trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ trung gian, đương nhiên sẽ tạo ra áp lực lớn cho các tổ chức cá nhân trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và bảo hộ thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại nói riêng.
Để giải quyết những vấn đề này, bà Quỳnh cho rằng hàng lang pháp lý là yếu tố quan trọng hàng đầu, đặc biệt các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện công cụ pháp lý để đủ sức răn đe và không tạo sơ hở cho các tổ chức lách luật, nâng cao năng lực cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
Các doanh nghiệp và chủ thể quyền sở hữu trí tuệ cần phải tự bảo vệ mình bởi tài sản trí tuệ là tài sản của chính doanh nghiệp, phải nỗ lực hợp tác với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, và đặc biệt phải hợp tác sâu rộng với quốc tế.
Theo Trưởng phòng luật sư A Hòa Nguyễn Minh Hương, tỉ lệ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ về phần mềm của các tổ chức, doanh nghiệp đã giảm xuống đáng kể, thể hiện hiểu biết về việc phải mua bản quyền đã được cải thiện. Cụ thể, tỷ lệ vi phạm phần mềm tại Việt Nam từ 96% (năm 2009) giảm còn 78% (năm 2015), đưa Việt Nam ra khỏi danh sách quốc gia vi phạm bản quyền phần mềm nhiều nhất.
Tuy nhiên, con số 78% vẫn cho thấy vấn nạn vi phạm bản quyền còn nan giải. Các doanh nghiệp mới chỉ mua những phần mềm có giá trị thấp, còn những phần mềm kỹ thuật có giá trị cao thì rất ít được mua. Nếu trước đây, xử lý hành vi xâm phạm bản quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc dân sự thì từ 1/1/2018 trở đi, sẽ có thêm hình thức xử lý hình sự. Do vậy đây là thời điểm Việt Nam cần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp cũng như các cơ quan nhà nước về vấn đề bản quyền.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết Bộ đang cố gắng đưa ra những giải pháp như tăng cường đối thoại giữa các doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước, với những người giải quyết các vấn đề tranh chấp sở hữu trí tuệ.
Bởi theo ông, qua những lần đối thoại này, việc tranh chấp về nhãn hiệu, về kiểu dáng, về quyền sở hữu trí tuệ được giải quyết một cách tốt nhất, nó sẽ giúp cho doanh nghiệp nhận thức được mình đang sai ở đâu để sửa chữa. Đây là biện pháp Bộ sẽ đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới.