Doanh nghiệp FDI ở Trung Quốc lao đao vì biên giới đóng cửa

Theo Kim Ngân/nhadautu.vn/outh China Morning Post

Nhiều doanh nghiệp FDI ở Trung Quốc lo lắng không giữ chân được lao động người nước ngoài, yếu tố quan trọng quyết định thành bại, do các hạn chế nghiêm ngặt về đi lại trong bối cảnh đại dịch.

Khảo sát của Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc cho thấy 68% doanh nghiệp coi hạn chế nhập cảnh do đại dịch là một trong những thách thức lớn nhất. Minh họa: SCMP
Khảo sát của Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc cho thấy 68% doanh nghiệp coi hạn chế nhập cảnh do đại dịch là một trong những thách thức lớn nhất. Minh họa: SCMP

Cách Trung Quốc nhanh chóng dập những cơn bùng phát dịch dù nhỏ nhất, bằng cách áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt về đi lại và xét nghiệm bắt buộc diện rộng, cơ bản đã giúp nước này kiểm soát dịch bệnh sau những đợt phong tỏa đầu tiên vào tháng 1/2020.

Nhưng cách xử lý như vậy, trong đó có việc đóng cửa biên giới đối với khách nước ngoài, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp FDI. Tác động tiêu cực về mặt kinh tế có thể sâu rộng hơn.

Một số người gọi các biện pháp này là “hà khắc”, có thể dẫn đến sự thay đổi căn bản trong cách làm ăn ở Trung Quốc so với trước đại dịch.

Lãnh đạo các trụ sở ở nước ngoài, sau hơn một năm chỉ liên lạc với nhân sự của mình ở Trung Quốc qua các cuộc gọi video, cho biết họ ngày càng lo lắng không thể giữ chân lao động người nước ngoài - tài sản thiết yếu đối với hoạt động của họ ở Trung Quốc.

Một khảo sát về niềm tin kinh doanh ở Trung Quốc năm nay - do Phòng Thương mại EU công bố tuần trước - cho thấy 68% doanh nghiệp coi hạn chế nhập cảnh do đại dịch là một trong những thách thức lớn nhất.

Có nhiều lo ngại đội ngũ nhân tài nước ngoài ở Trung Quốc có thể không bao giờ phục hồi hoàn toàn. Phòng thương mại này cho rằng điều này “cực kỳ làm nản lòng” các doanh nghiệp châu Âu.

Có một số hy vọng rằng việc quay trở lại Trung Quốc sẽ dễ dàng hơn nếu lao động là người nước ngoài đã được tiêm loại vắc xin mà các cơ quan y tế nhà nước của Trung Quốc công nhận.

“Tuy nhiên, nếu không có một cơ chế dự đoán được giúp tạo điều kiện thuận lợi cho lao động người nước ngoài trở về Trung Quốc sau khi thăm gia đình ở quê hương, các doanh nghiệp châu Âu lo lắng một số người sẽ rời bỏ Trung Quốc để đoàn tụ với người thân”, khảo sát kết luận.

Charlotte Roule - một thành viên hội đồng quản trị của Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc, nói: “Biên giới đóng cửa càng lâu, tình hình càng tồi tệ hơn đối với các doanh nghiệp do họ cần chuyên môn từ người nước ngoài cho hoạt động ở Trung Quốc”.

Bà Roule nói thêm: “Tác động tiêu cực lớn cũng được ghi nhận đối với những nhân viên nước ngoài hiện đang ở Trung Quốc do không được đi lại tự do”.

Lệnh cấm nhập cảnh diện rộng đối với người nước ngoài tới Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, được áp dụng 15 tháng qua.

Vào tháng 9, Trung Quốc nới lỏng lệnh cấm này một chút, cho phép công dân nước ngoài với một số loại thị thực và đến từ một số quốc gia, được nhập cảnh.

Nhưng ngay cả khi đáp ứng được các điều kiện trên, tất cả khách nước ngoài và công dân trở về Trung Quốc phải cung cấp giấy chứng nhận âm tính với Corana mới được cấp giấy tờ để nhập cảnh, và sau đó họ phải được kiểm tra y tế và cách ly tới 28 ngày.

Ker Gibbs - Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải, cho biết việc đi lại của nhân sự hiện là khó khăn số 1 đối với nhiều công ty Mỹ ở Trung Quốc. Ông cũng khẳng định họ đang gặp khó khăn trong việc giữ chân nhân viên và thu hút người vào các vị trí trống.

“Điều hành doanh nghiệp thành công ở Trung Quốc tựu chung là câu chuyện nhân tài. Vấn đề chính là Trung Quốc cho phép các lãnh đạo nước ngoài vào Trung Quốc, nhưng không cho phép người thân của họ đến cùng,” ông nói. "Đó thực sự là vấn đề đối với chúng tôi”.

Ông Gibbs nói các cuộc gọi video chỉ có ý nghĩa là liên lạc không bị ngắt quãng. Và khi quan hệ song phương giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục xấu đi, liên lạc giữa trụ sở chính và các công ty hay văn phòng trực thuộc ở Trung Quốc “là thiết yếu hơn bao giờ hết”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra đường lối chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc, giống như người tiền nhiệm Donald Trump.

Đầu tháng này, Biden đã mở rộng lệnh cấm doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào một số công ty Trung Quốc, nâng tổng số doanh nghiệp Trung Quốc trong “danh sách đen” lên 59. Đây là những công ty bị cáo buộc có quan hệ với quân đội hoặc tham gia công tác giám sát của nước này.

Tuần trước, Thượng viện Mỹ thông qua một dự luật trị giá tới 250 tỷ USD nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của Mỹ trong bối cảnh căng thẳng về địa chính trị với Trung Quốc gia tăng.

Đề cập đến gần như mọi khía cạnh của mối quan hệ phức tạp và ngày càng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh, đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới, dài 2.400 trang, dành hàng tỷ đô la hỗ trợ sản xuất chất bán dẫn của Mỹ và thúc đẩy nghiên cứu và phát triển. Các nhà phân tích gọi đây là một chính sách công nghiệp quyết liệt, thách thức Bắc Kinh.

Đại hội nhân dân toàn quốc của Trung Quốc mới đây chỉ trích dữ dội dự luật của Thượng viện Mỹ, nói nó cho thấy “sự hoang tưởng về vị thế độc quyền đã làm sai lệch mục tiêu ban đầu về đổi mới và cạnh tranh”.

“Mục đích của dự luật là duy trì bá quyền của Mỹ bằng cách phóng đại cái gọi là mối đe dọa từ Trung Quốc”.

Ông Gibbs nói: “Các tiêu đề liên quan đến Trung Quốc hiện nay rất tiêu cực, vì vậy có rất nhiều lo lắng tại các doanh nghiệp, văn phòng nước ngoài ở Trung Quốc”. 

“Rất khó để mọi người ở Trung Quốc liên lạc đầy đủ với trụ sở chính để trao đổi về tình hình thực tế và giải thích đầy đủ bối cảnh kinh doanh. Hoạt động của chúng tôi chắc chắn bị ảnh hưởng”.

Ding Shuang, kinh tế trưởng về Trung Quốc đại lục tại Standard Chartered, cho biết Trung Quốc có thể không vội vàng mở cửa biên giới vì “cái mất có thể lớn hơn cái được”.

Nếu Trung Quốc tiếp tục giữ biên giới cơ bản đóng, các hoạt động kinh doanh có thể bị gián đoạn, nhưng sẽ tốn kém hơn cho nước này nếu có thêm các biến thể virus xâm nhập từ nước ngoài, ông nói thêm.

“Nếu Trung Quốc mở cửa biên giới, nước này sẽ đóng góp cho phần còn lại của kinh tế thế giới nhiều hơn so với lợi ích mà họ hưởng. Đây không phải là ưu tiên của Trung Quốc hiện nay”.

GDP Trung Quốc năm nay có thể tăng khoảng 3%, theo ngân hàng đầu tư Natixis. Ảnh: AP  
GDP Trung Quốc năm nay có thể tăng khoảng 3%, theo ngân hàng đầu tư Natixis. Ảnh: AP  

Thâm hụt thương mại dịch vụ của Trung Quốc đã giảm đáng kể do đại dịch, ở mức 72 tỷ nhân dân tệ (11,26 tỷ USD) trong bốn tháng đầu năm nay, giảm 76,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thặng dư thương mại mở rộng trong đại dịch, khi thế giới tăng cường sử dụng các thiết bị bảo hộ để tránh COVID-19 cũng như các sản phẩm điện tử phục vụ làm việc từ xa và giải trí trong gia đình.

Xuất khẩu của Trung Quốc tăng 51,1% trong tháng 5 so với cùng kỳ, giúp nâng thặng dư thương mại lên 45,53 tỷ USD, từ mức 42,85 tỷ USD của tháng 4.

Các hạn chế về đi lại qua biên giới, cùng với những lo ngại về lây nhiễm từ các quốc gia khác đang gây thiệt hại cho ngành du lịch của Trung Quốc, vốn lớn nhất thế giới.

Du khách Trung Quốc đang quan tâm hơn đến các điểm đến trong nước. Bộ Văn hóa và Du lịch ước tính sẽ có hơn 4 tỷ chuyến đi được thực hiện trên khắp Trung Quốc trong năm nay, với doanh thu từ du lịch nội địa ước tính khoảng 500 tỷ USD.

Alicia Garcia-Herrero - Kinh tế trưởng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tại ngân hàng đầu tư Natixis, dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm ít nhất 1 điểm phần trăm trong năm nay.

“GDP khả năng tăng khoảng 3%, trên mức nền thấp nhưng tích cực của năm ngoái, nếu biên giới không mở lại”.

“Hy vọng khách du lịch sẽ đến Trung Quốc vào năm 2022, nhưng rất khó có khả năng du lịch quay trở lại mức trước đây, vì các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đang thúc đẩy du lịch trong đại lục và hỗ trợ tỉnh Hải Nam như một giải pháp thay thế”.

Vẫn chưa rõ các hạn chế biên giới sẽ ảnh hưởng ra sao đến Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, dự kiến diễn ra vào tháng Hai.

Bắc Kinh sẽ cho phép các vận động viên nước ngoài tham gia, nhưng câu hỏi là khán giả quốc tế có thể tham gia không.

Trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế Thomas Bach vào tháng trước, Chủ tịch Tập Cận Bình bày tỏ tin tưởng Trung Quốc sẽ đăng cai Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh và Thế vận hội Paralympic vào năm tới “đúng lịch trình”.

Trung Quốc đã ghi nhận hơn 100.000 trường hợp nhiễm COVID-19, và khả năng nước này sẽ tiếp tục dựa vào các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Nước này đã tiêm được hơn 825 triệu liều vắc xin, theo Johns Hopkins Coronavirus Resource Centre.

Theo Zeng Yixin, Phó chủ nhiệm Ủy ban Y tế Quốc gia, ít nhất 70% dân số mục tiêu của Trung Quốc sẽ được tiêm vắc xin tính đến cuối năm nay.

Các quan chức y tế Trung Quốc nói rằng 70% đến 80% dân số phải được tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng.

Theo Zheng Zhongwei, người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm phát triển vắc xin COVID-19 của Trung Quốc, 20 loại vắc xin đã được thử nghiệm lâm sàng ở Trung Quốc kể từ năm ngoái.

Ông cho biết thêm: “Sản lượng vắc xin sẽ tăng trong nửa cuối năm nay. Trung Quốc đã dẫn đầu thế giới về số lượng vắc xin được sản xuất”.