Doanh nghiệp FDI thận trọng hơn khi vào Việt Nam

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Một điểm đáng chú ý được ông Edmund Malesky, Trưởng nhóm nghiên cứu PCI chỉ rõ, hiện tại Việt Nam đang vượt qua các đối thủ cạnh tranh ở các ngành sản xuất công nghệ thấp, nhưng lại bị tụt hậu ở các lĩnh vực đầu tư công nghệ cao.

Doanh nghiệp FDI thận trọng hơn khi vào Việt Nam
Việt Nam đang vượt qua các đối thủ cạnh tranh ở các ngành sản xuất công nghệ thấp. Nguồn: internet

PCI năm 2013 vừa được công bố ngày 20/3 có một điểm khác biệt so với những lần trước, liên quan đến báo cáo về đầu tư nước ngoài (PCI-FDI). Thay vì đánh giá các yếu tố tác động đến chi phí sản xuất hơn là năng lực điều hành của chính quyền từng địa phương cụ thể, báo cáo năm nay hỏi doanh nghiệp về so sánh các yếu tố môi trường kinh doanh Việt Nam với các nước mà họ từng cân nhắc yêu cầu địa điểm đầu tư.

Kết quả cho thấy, Việt Nam đang phải cạnh tranh ngày càng gay gắt với các quốc gia, vùng lãnh thổ khác về thu hút FDI. Cụ thể, báo cáo cho thấy, 54% doanh nghiệp FDI trước khi lựa chọn Việt Nam đã từng cân nhắc đầu tư vào nước khác, chủ yếu là Trung Quốc, Thái Lan và Campuchia. Trong khi đó, năm 2011 và 2012, tỷ lệ này chỉ là 32%.

So sánh trên tự thân đã là một chỉ báo quan trọng về thứ hạng của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. “Điều này cho thấy, Việt Nam không còn là điểm đến đầu tư được ưu ái nhất như giai đoạn 2007-2010 mà đang phải cạnh tranh với các đối thủ truyền thống trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và một số thị trường mới nổi”, ông Edmund Malesky, Trưởng nhóm nghiên cứu PCI nói.

Ba gương mặt trước đây chưa từng được coi là đối thủ cạnh tranh về vốn đầu tư FDI đối với Việt Nam là Lào, Philippines và Myanmar thì nay đã xuất hiện trong danh mục quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong số nhà đầu tư cân nhắc địa điểm đầu tư, 69% đã chọn Việt Nam thay vì chọn các quốc gia khác, trong khi 31% đầu tư vào Việt Nam như một phần của chiến lược phát triển đa quốc gia.

Song, điểm tích cực mà nhóm khảo sát PCI-FDI đưa ra trong tương quan với các đối thủ cạnh tranh là khi so sánh với các nền kinh tế khác, có thể thấy ngay Việt Nam được đánh giá khá tốt về rủi ro bị thu hồi tài sản. doanh nghiệp FDI cũng cho rằng, tại Việt Nam họ có tiếng nói hơn trong quá trình xây dựng, thực thi pháp luật liên quan đến hoạt động của mình, đặc biệt là so với hai nước láng giềng Campuchia và Lào. So sánh về tính ổn định trong quy định và chính sách cũng cho thấy có nhiều sự khác biệt. doanh nghiệp FDI đánh giá chính sách của Việt Nam ổn định và dễ đoán hơn Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia và Lào, nhưng kém hơn so với Indonesia, Malaysia và Đài Loan.

Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý được ông Edmund Malesky chỉ rõ, hiện tại Việt Nam đang vượt qua các đối thủ cạnh tranh ở các ngành sản xuất công nghệ thấp, nhưng lại bị tụt hậu ở các lĩnh vực đầu tư công nghệ cao.

Một trong các lý do là doanh nghiệp FDI nhìn nhận, môi trường kinh doanh của Việt Nam kém hấp dẫn hơn nhiều về chi phí không chính thức, gánh nặng thủ tục hành chính, quy định pháp luật, chất lượng dịch vụ hành chính công và chất lượng của cơ sở hạ tầng. nhà đầu tư xếp hạng cơ sở hạ tầng của Việt Nam ngang bằng với các nước láng giềng Campuchia và Lào. Song ngạc nhiên hơn cả, đối với lĩnh vực tham nhũng và gánh nặng quy định pháp luật, Việt Nam còn bị đánh giá thấp hơn nhiều so với hai nước này.

Nhìn chung, các kết quả trên tương đối nhất quán với kết quả xếp hạng của Việt Nam trong Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) được công bố mới đây. Theo Chỉ số này, Việt Nam đứng ở thứ hạng 98/148 nước về trục thể chế - sự sụt giảm thứ hạng lớn nhất trên 12 trục của GCI. Cụ thể, trong tiêu chí thể chế, Việt Nam đứng thứ 116 về tham nhũng và 106 về gánh nặng hành chính.

“Trên các khía cạnh này, Đài Loan và Malaysia có vẻ là đối thủ cạnh tranh vượt trội của Việt Nam. Cả hai nền kinh tế này đều có tiềm năng lớn hơn trong thu hút nhà đầu tư lĩnh vực công nghệ và giá trị gia tăng cao, vốn là các ngành mà các nhà hoạch định chính sách Việt Nam luôn muốn thu hút”, nhóm nghiên cứu khuyến cáo.