Doanh nghiệp lo lắng về sự gia tăng tính cạnh tranh và đổi mới

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Khảo sát Thước đo Đổi mới trên toàn cầu của GE (GE Global Innovation Barometer) năm 2013 cho thấy xu hướng “bất an trong đổi mới” của các lãnh đạo doanh nghiệp, để nắm bắt được tính phức tạp khi môi trường kinh doanh thay đổi.

Báo cáo cho thấy trong khi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tiếp tục đánh giá đổi mới là chiến lược ưu tiên thì một trong ba mối lo ngại hàng đầu đó là khả năng giữ vững ưu thế cạnh tranh trong môi trường kinh doanh phát triển ngày càng nhanh hơn, toàn cầu hóa hơn và nguồn lực hạn chế. Khái niệm mới “Innovation Vertigo” (Sự bất an trong đổi mới) - những khó khăn của doanh nghiệp trước sự thay đổi liên tục của môi trường kinh doanh và sự không chắc chắn đâu là hướng đi đúng cho tương lai – đang thách thức các nhà lãnh đạo và buộc họ phải thay đổi suy nghĩ làm sao để tăng trưởng. Tuy nhiên, cũng có nhiều nhà lãnh đạo nắm bắt được sự phức tạp này thông qua việc tìm tòi và tận dụng những cơ hội bất ngờ để tiến hành đổi mới.

“Các nhà cải cách phải rất linh hoạt hoặc sẽ có nguy cơ bị bỏ lại phía sau”, bà Beth Comstock - Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Tổng Giám đốc Marketing của GE cho biết. “Thay đổi là sự tất yếu và chúng ta có thể thấy nhiều lãnh đạo thành công đã đánh cược vào những phương thức đổi mới độc đáo để mở đường cho sự phát triển. Tại GE, chúng tôi không ngừng nỗ lực nghiên cứu nhiều thị trường khác nhau, thử nghiệm các mô hình hợp tác và kinh doanh khác nhau – tất cả đều với mục đích tìm ra hướng đi mới để phục vụ khách hàng tốt hơn, giải quyết được các thách thức lớn nhất trên toàn thế giới.”

Khảo sát Global Innovation Barometer tiến hành theo yêu cầu của GE và được thực hiện bởi công ty tư vấn và nghiên cứu độc lập StrategyOne, nhằm tìm hiểu quan điểm của các lãnh đạo kinh doanh trên toàn thế giới về các động lực và rào cản đối với sự đổi mới và ảnh hưởng của nó đến chiến lược kinh doanh. GE mở rộng nghiên cứu năm nay thông qua khảo sát hơn 3.000 nhà điều hành doanh nghiệp cấp cao từ 25 quốc gia. Tất cả đối tượng khảo sát đều tham gia trực tiếp vào quyết định và chiến lược cải cách trong công ty.

Rủi ro của chính sách bảo hộ

Có nhiều quan điểm khác nhau từ phía các nhà lãnh đạo về phương thức tối ưu để thích nghi với môi trường kinh doanh ngày càng thay đổi. Trong nỗ lực làm giảm bớt các rủi ro của chính sách bảo hộ đối với doanh nghiệp và các nền kinh tế địa phương, nhiều lãnh đạo đã phản ứng bằng cách chấp nhận khuynh hướng bảo hộ; 71% các lãnh đạo bày tỏ quan điểm chính phủ nên ưu tiên xúc tiến việc đổi mới trong nước hơn là nhập khẩu, trong khi 71% cũng cho rằng chính phủ nên thực sự mở cửa thị trường hơn và khuyến khích các sáng kiến đổi mới và đầu tư nước ngoài. Nghịch lý là, 53% trong số này thể hiện cả hai quan điểm trái ngược nêu trên. Các nhà điều hành doanh nghiệp Mexico (80%), Ấn Độ (56%) và Brazil (50%) tán thành cả chính sách mở cửa và đóng cửa thị trường như là phương thức hiệu quả để thực hiện đổi mới.

“Kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra trên toàn cầu, chúng tôi đã lo ngại rằng bất ổn kinh tế sẽ làm suy yếu sự đồng thuận đằng sau quan điểm về thương mại quốc tế mở cửa và tự do. Báo cáo hôm nay chỉ ra rằng ngay cả giữa các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, chính sách bảo hộ đôi khi vẫn là bài ca hấp dẫn khó cưỡng lại” - Ông Karan Bhatia - Phó Chủ tịch kiêm Cố vấn cấp cao về Chính sách và Quan hệ chính phủ toàn cầu của GE cho biết.

Không chỉ là đổi mới sản phẩm

Trong khi sự gia tăng và đổi mới sản phẩm đã luôn được coi là động lực phát triển chính của một công ty thì đổi mới mô hình kinh doanh lại đang trên đà trở thành lộ trình đi đến thành công. Đổi mới mô hình kinh doanh có thể giúp doanh nghiệp giảm bớt rủi ro và có nhiều nguồn lực hơn để thấu hiểu và tiếp cận khách hàng trước những phương thức truyền thống như phát triển sản phẩm mới. 52% tin rằng phát triển mô hình kinh doanh mới sẽ tích cực đóng góp cho kết quả hoạt động của công ty trong tương lai, tăng 6% so với quan điểm trước kia về vị trí đóng góp của nó trong danh mục đầu tư đổi mới của họ. Trong khi các nhà điều hành trên toàn cầu cho biết đầu tư vào khu vực tư nhân đã co lại, thì tăng trưởng vẫn được ghi nhận tại Đức và Anh.
Hợp tác là một lợi thế cạnh tranh

Hợp tác giữa các doanh nghiệp đang nổi lên như một phương thức để vượt qua đối thủ cạnh tranh và tăng doanh thu, đặc biệt tại các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, dù sức mạnh của việc hợp tác đã được công nhận trên toàn cầu, sự thiếu hiệu quả trong chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, niềm tin vào doanh nghiệp và sự tranh giành nhân tài lại đang trở thành các rào cản.

87% lãnh đạo tự tin rằng doanh nghiệp của họ có thể sẽ thành công hơn trong đổi mới thông qua hợp tác và liên kết và 68% người tham gia khảo sát cho biết họ đã hợp tác với doanh nghiệp khác phát triển hoặc cải tiến một sản phẩm. Đức, Trung Quốc, Brazil và Thụy Điển là những quốc gia giàu kinh nghiệm nhất trong việc hợp tác. Các lý do thúc đẩy hợp tác bao gồm: tiếp cận được với công nghệ mới (79%) và thị trường (79%); trong khi trung bình, 64% chỉ ra rằng việc thiếu tính bảo mật hoặc khả năng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là rào cản, theo sau đó là sự tin tưởng (47%) và lo ngại bị mất nhân tài (45%)

Những vấn đề về môi trường pháp lý có tác động tới sự đổi mới đang được các nhà quản lý kinh tế trên toàn cầu quan tâm và họ kêu gọi các nhà hoạch định chính sách cần xây dựng khung pháp lý có tính chất hỗ trợ và ổn định hơn, giúp cho quá trình đổi mới được thuận lợi hơn tại các thị trường. . Họ cũng nhận thấy những yếu tố quan trọng cần gìn giữ trong doanh nghiệp như nhân tài, kiến thức, quyền sở hữu trí tuệ và những rào cản pháp lý cần xóa bỏ như sự quan liêu, quá nhiều các quy tắc… chính là chìa khóa giúp đổi mới phát triển mạnh mẽ.