Doanh nghiệp nào có thể hưởng lợi nhiều nhất từ xuất khẩu gạo?

Hoàng Minh

Nhiều doanh nghiệp ngành Lương thực Việt Nam đang được hưởng lợi trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu gạo, tăng giá gạo và cải thiện thị giá cổ phiếu.

Nắm bắt cơ hội

Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam chiếm 65% sản lượng xuất khẩu gạo thế giới năm 2022. Từ vị trí xếp dưới Việt Nam và Thái Lan giai đoạn trước năm 2010, Ấn Độ đã gia tăng mạnh sản lượng và trở thành cường quốc số 1 thế giới về xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, vị trí này lại đang thay đổi.

Ngày 20/7/2023, Chính phủ Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo tẻ (chiếm đến 80% tổng lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ) để đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa trước áp lực lạm phát gia tăng mạnh tại quốc gia này. Ngoài Ấn Độ, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và Nga lần lượt thông báo ngừng xuất khẩu gạo.

Việc Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo tẻ tạm thời đang hỗ trợ tốt cho 2 quốc gia xếp sau là Thái Lan và Việt Nam. Theo đó, Việt Nam có cơ hội tăng xuất khẩu và doanh số bán hàng; tăng giá gạo; mở rộng thị trường và cải thiện thị phần. Tuy nhiên, nhiều dự báo cho rằng, Ấn Độ có thể dỡ lệnh cấm trong quý IV/2023 hoặc sang quý I/2024 khi điều kiện thời tiết thuận lợi.

Ngay khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo, nhiều quốc gia như Indonesia, Philippines... vốn phụ thuộc đáng kể vào nguồn gạo nhập khẩu sẽ tăng cường tìm kiếm nguồn cung gạo để bổ sung cho nguồn hàng dự trữ trong nước.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu khiến an ninh lương thực ngày càng trở nên quan trọng. Tình thế này buộc các nước nhập khẩu đẩy mạnh tích trữ. Do đó, giá gạo càng được đẩy lên mức cao và thậm chí vẫn còn dư địa tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm nay.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 3,17 tỷ USD, tăng 36,1% cùng kỳ năm trước. Cuối tháng 8/2023, giá gạo 5% tấm đang gần 650 USD/tấn, quanh vùng đỉnh giá 15 năm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nhận định, sản lượng lúa gạo sản xuất chắc chắn sẽ vượt mức mục tiêu sản xuất 43 triệu tấn.

Ông Trần Duy Đông - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, sau khi trừ phần đã bán, lượng gạo có khả năng xuất khẩu 5 tháng còn lại trong năm 2023 là khoảng 2,66 - 2,67 triệu tấn với mục tiêu cả năm xuất khẩu 7,5 triệu tấn.

Tăng trưởng trên nền tảng doanh nghiệp tốt

Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN), giá gạo bình quân cả năm 2023 có thể ở mức 553 USD/tấn, tăng gần 14% cùng kỳ năm 2022. Đây là mức giá bán bình quân cao nhất trong 15 năm trở lại đây.

MASVN cho rằng, hưởng lợi từ cơ hội mở rộng xuất khẩu gạo có các doanh nghiệp như: CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (mã chứng khoán: TAR), CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG), CTCP Tập đoàn Pan (PAN).

TAR hoạt động chính trong lĩnh vực chế biến, kinh doanh, và xuất khẩu gạo. Trong đó, tiêu thụ gạo nội địa và xuất khẩu chiếm tỷ trọng lần lượt là 85,6% và 14,4% doanh thu năm 2022. TAR sở hữu thương hiệu gạo Trung An và 6 nhà máy chế biến gạo cung cấp khoảng 360.000 tấn gạo/năm. Thị trường xuất khẩu chính: Hàn Quốc, Trung Quốc và EU.

TAR đã giao xong đơn hàng 11.347 tấn gạo sang Hàn Quốc và vừa chốt được đơn hàng 16.667 tấn gạo với giá 674 USD/tấn sẽ được giao trong tháng 7/2023. Đây là mức giá cao so với các nước trong khu vực. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp TAR thắng gói thầu xuất khẩu gạo sang thị trường khó tính như Hàn Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc khi mở cửa trở lại đã tăng cường nhập khẩu gạo từ Việt Nam tăng 67,3% cùng kỳ năm 2022, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 2 của TAR, do đó kỳ vọng doanh thu xuất khẩu gạo của TAR sẽ tăng trưởng mạnh.

Theo đó, MASVN dự báo doanh thu TAR đạt 4.487 tỷ đồng tăng 18,1% so với cùng kỳ và ước tính EPS 2023 đạt 761 đồng/CP.

Đối với LTG, MASVN nhận định, đây là doanh nghiệp có nền tảng vững chắc, có khả năng chi trả cổ tức tiền mặt đều đặn qua nhiều năm. Lợi thế của LTG trong thời gian tới đến từ mảng lương thực gạo kỳ vọng duy trì sức tăng trưởng nhờ sự thiếu hụt nguồn cung trên thế giới; giá bán kỳ vọng khả quan và sự trở lại ở mảng thuốc bảo vệ thực vật sau khi chấm dứt phân phối sản phẩm từ Syngenta.

Còn PAN Group là một tập đoàn hoạt động chính trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, với một hệ sinh thái đa dạng bao gồm: Giống cây trồng và gạo (NSC), Tôm xuất khẩu (FMC), Bánh kẹo (BBC), Cá tra & nghêu (ABT), Hạt và trái cây sấy (LAF), Thuốc trừ sâu (VFG), và Nước mắm (584 Nha Trang).

MASVN cho rằng, Tập đoàn này sẽ nắm bắt được cơ hội lớn trong thời gian tới nhờ hệ sinh thái hoàn chỉnh tạo lợi thế cạnh tranh lớn; ngành nghề ổn định, phát triển tốt trong giai đoạn suy thoái kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mở cửa sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thủy sản và sản phẩm nông nghiệp.