Doanh nghiệp nêu giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ
Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là lĩnh vực được TP. Hồ Chí Minh ưu tiên hỗ trợ để giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng khả năng thu hút vốn đầu tư, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tránh phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

Lợi thế phát triển công nghiệp hỗ trợ
Theo TS. Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, từ 1/7, TP. Hồ Chí Minh mới trên cơ sở sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu tạo ra một trung tâm công nghiệp (gồm khai thác, chế biến, sản xuất, xây dựng...) quy mô gần 930.000 tỷ đồng, chiếm hơn 25,52% trong giá trị công nghiệp cả nước, tính đến năm 2024.
Không gian phát triển mới mở rộng tạo ra một vùng siêu đô thị công nghiệp - dịch vụ - cảng biển có quy mô dân số hơn 14 triệu người, diện tích gần 6.800 km² và tổng sản phẩm (GRDP) chiếm gần 24% GDP.
So với các địa phương khác, TP. Hồ Chí Minh mở rộng sở hữu lực lượng doanh nghiệp công nghiệp đông đảo và năng động nhất cả nước, là một trong những nền tảng quan trọng để phát triển chuỗi cung ứng công nghiệp liên vùng.
Tính đến cuối 2024, ba địa phương cũ có tổng cộng gần 45.000 doanh nghiệp công nghiệp, chiếm gần 28,4% số doanh nghiệp công nghiệp cả nước.
Ông Trần Việt Hà, Phó trưởng Ban quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (Hepza) cho biết sau sáp nhập, TP. Hồ Chí Minh có 66 khu chế xuất và khu công nghiệp, với tổng diện tích đất hơn 27.000 ha.
Theo quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050, địa phương sẽ có 105 khu chế xuất, khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch hơn 49.000 ha, là trung tâm công nghiệp hàng đầu của quốc gia.
Việc mở rộng địa giới hành chính - không gian phát triển của TP. Hồ Chí Minh thông qua sáp nhập với tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tạo ra tạo động lực mới cho phát triển ngành công nghiệp, đặc biệt là CNHT. TP. Hồ Chí Minh mở rộng có tiềm năng trở thành một trong những không gian công nghiệp - đô thị liên hoàn quy mô lớn nhất cả nước.
Tăng tỷ lệ nội địa hóa
Ông Võ Sơn Điền, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Bình Dương (Basi) cho biết, TP. Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là vùng kinh tế công nghiệp của cả nước, chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu và thu hút FDI. Tuy nhiên, ngành CNHT tại đây vẫn còn nhiều hạn chế.
Cụ thể, nhiều doanh nghiệp sản xuất phụ thuộc phụ tùng, linh kiện, vật liệu nhập khẩu. Chẳng hạn, phụ tùng, linh kiện, vật liệu trong nhiều ngành (cơ khí, điện tử, ô tô) chủ yếu do nước ngoài cung cấp, khiến tỷ lệ nội địa hóa còn thấp.
Dù vậy, với nhu cầu linh kiện, phụ kiện trong và ngoài nước ngày càng lớn, tiềm năng phát triển CNHT của khu vực là vô cùng rộng mở, đặc biệt nếu có chính sách đồng bộ, hỗ trợ thiết thực
Theo ông Điền, cần hỗ trợ phát triển ngành vật liệu cơ bản, khuyến khích doanh nghiệp lớn nội địa dẫn dắt chuỗi cung ứng, dành nguồn lực hỗ trợ các dự án khởi nghiệp công nghiệp hỗ trợ, phát triển trung tâm kiểm định chất lượng chuẩn quốc tế.
Từ thực tế trên, đề xuất Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh kiến nghị lãnh đạo thành phố ban hành Nghị quyết riêng cho CNHT, tạo động lực mới.
Bên cạnh đó, UBND Thành phố tiếp tục thực hiện Nghị quyết 09 và áp dụng cho các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh sau sáp nhật Thành lập Quỹ phát triển CNHT, hỗ trợ tài chính và đầu tư mồi cho các dự án trọng điểm.
Thiết lập các “lồng ấp” khởi nghiệp CNHT, trung tâm kiểm định chất lượng chuẩn quốc tế. Xây dựng cụm, khu công nghiệp với ưu đãi hấp dẫn đặc thù để doanh nghiệp đồng thuận với chủ trương di dời hiện nay. Thúc đẩy ngành vật liệu cơ bản, khuyến khích doanh nghiệp lớn nội địa dẫn dắt chuỗi cung ứng.
Khẳng định ngành Dệt may không thiếu đơn hàng, chỉ thiếu năng lực nội địa hóa chuỗi giá trị, ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thời trang TP. Hồ Chí Minh cho biết, ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu 22 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2025 nhưng con số đó không nói lên sức cạnh tranh nội tại, bởi hơn 60% giá trị đầu vào vẫn phụ thuộc nhập khẩu.
Theo ông Việt, nếu TP. Hồ Chí Minh muốn đóng vai trò đầu tàu công nghiệp vùng sau sáp nhập, thì dệt may phải chuyển từ vai trò gia công giá rẻ sang sản xuất sáng tạo có định hướng. Không thể tiếp tục quy hoạch đất công nghiệp dàn trải mà phải quy hoạch theo chuỗi giá trị: sợi – dệt – nhuộm – may – thương mại hóa – logistics.
Từ thực tế trên, ông đề xuất: xây dựng “hành lang công nghiệp xanh tích hợp” – từ Dĩ An đến Nhà Bè kết nối với cảng Cái Mép, nối liền toàn bộ chuỗi dệt – nhuộm – may – xuất khẩu. Trên chuỗi đó, TP. Hồ Chí Minh đóng vai trò thiết lập bộ tiêu chuẩn tích hợp vận hành chuỗi công nghiệp liên vùng, gồm môi trường sản xuất, logistics số, dữ liệu chuỗi và kiểm soát rủi ro, nhằm chuyển từ mô hình phát triển phân tán sang hệ sinh thái sản xuất theo chức năng chuyên biệt.