Doanh nghiệp Nhật chịu 'thảm họa' lớn hơn sóng thần

Theo Vnexpress

Căng thẳng Trung - Nhật đang ảnh hưởng tới kinh tế của cả 2 nước, đầu tư và thương mại song phương đều suy giảm nghiêm trọng. Riêng các doanh nghiệp Nhật, tổn thất được dự báo lớn hơn thảm họa kép năm 2011.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tháng 8 vào Trung Quốc đã giảm tháng thứ ba liên tiếp. Chính phủ nước này gần đây cũng cảnh báo việc căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Nhật Bản có thể sẽ ảnh hưởng đến thương mại hai nước.

Theo số liệu công bố ngày 19/9 của Bộ Thương mại Trung Quốc, FDI tháng 8 vào nước này đã giảm 1,4% so với cùng kỳ xuống chỉ còn 8,33 tỷ USD. Đại diện Bộ Thương mại Shen Danyang cho biết tranh chấp đảo với Nhật Bản đã khiến giao thương hai nước bị ảnh hưởng nặng. Đặc biệt là sau việc các hãng ôtô và cửa hàng của Nhật bị người biểu tình Trung Quốc tấn công.

Bloomberg dẫn lời chuyên gia kinh tế Liu Li Gang của ngân hàng ANZ cho biết: "Tranh chấp leo thang khiến tình hình càng trở nên bất ổn. Tăng trưởng của Nhật Bản hiện dựa khá nhiều vào Trung Quốc. Vì vậy, nền kinh tế phục hồi yếu của Nhật sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn”.

Giới phân tích cũng cảnh báo các nhà sản xuất của Nhật sẽ chịu tổn thất lớn hơn cả cuộc động đất hồi tháng 3/2011. Cổ phiếu Nissan, nhà sản xuất ôtô lớn nhất nước này (tại thị trường Trung Quốc) mất 5,2% giá trị, thấp nhất kể từ tháng 5/2012. Honda cũng bị tụt 3% và Công ty Fast Retailing (điều hành chuỗi cửa hàng thời trang Uniqlo) giảm 5,9%.

Họ cũng nhận định kinh tế Trung Quốc năm nay có thể sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm nhất 22 năm. Nguyên nhân chính là cuộc khủng hoảng nợ châu Âu và phục hồi chậm ở Mỹ làm kìm hãm xuất khẩu. Bên cạnh đó, các động thái kiềm chế bất động sản cũng khiến nhu cầu trong nước giảm đi đáng kể. Nếu nền kinh tế vẫn tiếp tục yếu đi, Trung Quốc sẽ cân nhắc thêm các biện pháp kích thích sau hai đợt giảm lãi suất vào tháng 6 và tháng 7 vừa qua. Tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cũng tuyên bố nước này vẫn còn nhiều “room” cho các biện pháp tài khóa và tiền tệ.

Ông Joy Yang, cựu nhân viên Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, cho biết: "Vốn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc giảm đi sẽ càng khiến vấn đề tăng trưởng ì ạch của nước này thêm trầm trọng". Ông cũng nhận định giới chức Trung Quốc sẽ phải hành động nhiều hơn để hỗ trợ tăng trưởng, bao gồm cả việc thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng trong nước.

Theo ông Yang, xét về quy mô của vốn đầu tư nước ngoài trên nền kinh tế, ảnh hưởng của việc này lên kinh tế Trung Quốc sẽ "nặng nề hơn cả những số liệu thống kê". Từ đầu năm, NDT đã giảm 0,4% so với USD, trong khi năm 2011 lại tăng 4,7%.

Đầu tư nội địa trong 8 tháng đầu năm giảm 3,4% xuống còn 75 tỷ USD, gồm cả mức giảm 10% trên thị trường bất động sản. Trong khi đó, đầu tư ra nước ngoài tăng 39% lên 47,7 tỷ USD.

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Shen Danyang cho biết Trung Quốc không muốn những tranh chấp với Nhật Bản ảnh hưởng đến thương mại hai nước. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản năm 2011. Trong khi đó, Nhật Bản cũng là đối tác thương mại lớn thứ tư của nước này.

Đầu tư của Nhật Bản vào Trung Quốc tăng 16,2% trong 8 tháng đầu năm, tương đối thấp so với mức tăng trưởng 50% năm 2011. Đầu tư của Trung Quốc vào Nhật Bản giảm 11,1% trong giai đoạn này.