Doanh nghiệp nông nghiệp gồng mình vượt khó

Theo Tiến Anh/nhandan.vn

Theo báo cáo của Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía nam trong điều kiện dịch Covid-19 (Tổ công tác 970), hiện có nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu phía nam có công nhân dương tính với SARS-CoV-2, đã dừng sản xuất.

Chế biến thủy sản tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ. Ảnh: Quốc Tuấn
Chế biến thủy sản tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ. Ảnh: Quốc Tuấn

Ngoài ra, còn hàng loạt doanh nghiệp nông sản khác cũng đang chịu tổn thất nặng nề do dịch Covid-19.

Khó khăn bủa vây

Trao đổi với chúng tôi, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (Vinacleanfood) Võ Văn Phục chia sẻ: Công ty đang đứng trước vô vàn khó khăn do dịch Covid-19, nhất là thời điểm 19 tỉnh phía nam phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Thứ nhất là về nhân lực, hiện lực lượng lao động tại công ty chỉ giữ lại được khoảng 30% so với trước để thực hiện sản xuất theo phương án “ba tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ), gây ra sự thiếu hụt nhân lực lớn. Thứ hai là việc đi thu mua nguyên liệu cũng vô cùng khó khăn do nhiều địa phương không cho phương tiện vận chuyển vào các khu nuôi thủy sản. Ngoài ra, nhiều chi phí phát sinh từ dịch bệnh, như việc xét nghiệm SARS-CoV-2 cho lực lượng thu mua nguyên liệu, lái xe, kỹ thuật…

Trong khi đó, với nhu cầu chế biến tôm, công ty phải thu mua nguyên liệu ở nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía nam cho nên gây ra rất nhiều bất lợi và tốn kém. Thứ ba là dịch Covid-19 đang tác động trực tiếp đến các hộ nuôi tôm khi sản phẩm khó tiêu thụ, họ dần bỏ ao nuôi, từ đó dẫn đến việc thiếu nguyên liệu trầm trọng cho ngành hàng tôm thời gian tới, khiến các công ty có nguy cơ không thể hoàn thành đơn hàng cho đối tác, có thể phải bồi thường hết sức nặng nề.

Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì khó khăn còn nhân lên gấp bội, đòi hỏi nỗ lực không ngừng nghỉ. Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Trà Vinh Farm Phạm Đình Ngãi cho biết: Trà Vinh Farm hiện đang sản xuất sản phẩm chủ lực mật hoa dừa Sokfarm. Hiện công ty cũng sắp xếp chỗ lưu trú cho công nhân ở lại sản xuất với phương án “ba tại chỗ”.

Dù là doanh nghiệp ở tỉnh, nhưng chỉ có nguyên liệu sản xuất và nhân công là ở tại địa phương, còn hầu hết nguồn cung về vật liệu sản xuất lại phải mua từ TP Hồ Chí Minh nên khi dịch Covid-19 bùng phát thì mọi hoạt động đều bị ngưng trệ. Cụ thể như phía in tem cuộn cũng nghỉ, bên cung cấp chai đóng sản phẩm cũng gặp khó trong việc vận chuyển do phải qua nhiều trạm kiểm dịch, phát sinh chi phí và kéo dài thời gian.

Thậm chí, nhiều nhà cung cấp cũng đã đóng cửa do công nhân nghỉ việc hoặc có yếu tố dịch tễ phải đóng để phòng, chống Covid-19. Chi phí đầu vào tăng cũng khiến phí sản xuất tăng ngoài dự kiến, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Để bảo đảm duy trì sản xuất, an toàn cho công nhân và cung cấp đủ lượng hàng hóa cho người tiêu dùng, hiện công ty cũng chuẩn bị các kịch bản trước và dự trù để trong tình huống xấu nhất xảy ra vẫn duy trì được chuỗi sản xuất.

Tiếp sức cho doanh nghiệp

Trước những khó khăn nêu trên, các doanh nghiệp nông sản đều đang phải gồng mình chống đỡ để vừa hoàn thành các đơn hàng đã ký, vừa bảo đảm việc làm và bảo vệ sức khỏe người lao động trước dịch bệnh. Tuy nhiên, sự chống đỡ này cũng không thể kéo dài, nhất là khi áp dụng “ba tại chỗ” dẫn đến chi phí sản xuất và kinh doanh đều tăng. Thêm vào đó là áp lực chăm lo, ổn định sinh hoạt cho công nhân tại nơi làm việc cũng rất vất vả.

Trong tình hình đó, các ngành chức năng cần sớm có phương án hỗ trợ giải quyết khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp duy trì sản xuất. Mới đây, một số vướng mắc cụ thể đã được cơ quan chức năng kiến nghị xử lý. Như ở các tỉnh thuộc phạm vi áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg, hiện có một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đã hết hạn hoặc sắp hết hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện (vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y...), nhưng do áp dụng Chỉ thị 16 cho nên cơ quan chức năng chưa thể tổ chức thẩm định thực tế để cấp mới, cấp lại hoặc gia hạn theo quy định.

Để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối, kinh doanh các sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân, đề xuất Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm gia hạn các giấy chứng nhận cho các cơ sở thêm ba tháng để ổn định sản xuất, kinh doanh; các cơ quan chức năng tiến hành thủ tục thẩm định sớm nhất khi kết thúc thực hiện Chỉ thị 16 ở địa phương.

Bên cạnh đó, cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đưa hàng hóa là giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản và vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp vào danh mục hàng hóa thiết yếu vì hiện nay tại một số tỉnh có tình trạng việc vận chuyển cây, con giống, vật tư đầu vào gặp khó khăn, gây bất ổn trong việc duy trì sản xuất, bảo đảm sản lượng nông sản cung cấp cho thị trường ổn định lâu dài.