Doanh nghiệp nước ngoài kiếm lời từ phụ huynh Trung Quốc

Theo cafef.vn

Con hươu cao cổ Sophie được sản xuất tại Pháp bằng sáp cao su nhập khẩu từ Malaysia là món đồ chơi cho trẻ đang mọc răng khá phổ biến trên toàn thế giới, trong đó có Trung Quốc.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Dù giá món đồ chơi ấy khoảng 30 USD, cao gấp ba lần giá bán lẻ tại Pháp, nhưng giới tiêu dùng tại Trung Quốc vẫn thích chọn mua cho con cái họ, vì từ lâu họ đã quen sống với những sản phẩm dành cho trẻ em nhập từ nước ngoài với giá bán cao ngất ngưởng.

Đầu tháng 7 này, chính quyền Bắc Kinh đã bắt đầu tiến hành điều tra về hành động ấn định giá và chống cạnh tranh giữa năm công ty nước ngoài sản xuất sữa bột trẻ em là Nestlé, Abbott Laboratories, Mead Johnson, Dumex và Wyeth Nutrition. Hầu hết sản phẩm hướng đến thị trường trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tại Trung Quốc đều đắt một cách quá đáng. 

Giới chuyên gia cho rằng thuế suất chỉ đóng một vai trò rất nhỏ trong cơ cấu giá. Giá sữa cao cơ bản là do người tiêu dùng không còn lựa chọn nào khác, vì nếu chọn sữa nội thì sợ mua phải sản phẩm bị nhiễm độc. Trong năm 2008, đã có sáu trẻ em Trung Quốc bị chết và hàng ngàn trẻ khác lâm bệnh vì uống sữa có chứa độc tính melamine.

Trong những tháng gần đây cũng đã xảy ra khá nhiều scandal liên quan đến thịt chuột giả cừu, lượng hormone quá cao trong thịt gà, chất độc trong gạo hay đồ chơi cho trẻ em có chứa chì, arsenic và thủy ngân. Do đó, các bậc phụ huynh Trung Quốc vốn hầu hết chỉ có một con không hề muốn chuốc lấy rủi ro từ những sản phẩm độc hại được sản xuất trong nước, mà sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để yên tâm với sức khỏe của con cái.

Hiểu rõ tâm trạng đó của người Trung Quốc, các doanh nghiệp nước ngoài đã tận dụng triệt để có cơ hội kiếm lợi nhuận cao. Rất nhiều người Trung Quốc cứ mỗi khi ra nước ngoài hay đến lãnh thổ Hongkong là chỉ lo mua sắm… tã giấy và sữa bột cho trẻ em! Hồi tháng 3 năm nay, Hongkong đã thông qua quy định xếp hạng sữa bột vào danh sách hàng được bán hạn chế tương tự kim cương thô, cụ thể là người nào không có giấy phép mà đem ra khỏi lãnh thổ Hongkong quá 1,8kg sữa bột sẽ bị phạt tiền hoặc ngồi tù. 

Tương tự, các cửa hàng bán lẻ tại Anh cũng đang tìm cách kiếm tiền từ khách hàng Trung Quốc vì họ phát hiện ra du khách Trung Quốc thường mua sắm quá nhiều sữa bột. Kết quả là giá sữa bột được bày bán tại Anh đã cao gấp ba lần giá niêm yết tại các website ở Trung Quốc. Một hộp sữa Karicare Gold 3 (do Công ty Danone của Pháp sản xuất) bán tại New Zealand và Australia với giá chỉ 19 USD, nhưng khi đến Trung Quốc đã tăng lên đến 31 USD! 

Các nhà sản xuất nhiều loại sản phẩm khác dành cho trẻ em cũng đang tìm cách móc túi người dân Trung Quốc bất chấp thuế giá trị gia tăng tại nước này lên tới 17%. Cho dù giới truyền thông đã cố gắng tuyên truyền mức độ an toàn của các sản phẩm dành cho trẻ em được sản xuất trong nước, nhưng có lẽ phải còn rất lâu nữa người dân Trung Quốc mới chịu quay trở lại mua các sản phẩm nội địa.