Doanh nghiệp nước ngoài trân trọng nỗ lực của Chính phủ Việt Nam
(Tài chính) Chủ tịch VCCI - Vũ Tiến Lộc cho biết sau những vụ biểu tình quá khích, hiện đã có khoảng 80-90% doanh nghiệp nước ngoài hoạt động bình thường trở lại. Việt Nam cũng đang có những giải pháp tích cực để khôi phục môi trường đầu tư.
Sau khi Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan vào lãnh hải Việt Nam, trong hai ngày 13-14/5, tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh đã xảy ra một số vụ biểu tình quá khích, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh môi trường đầu tư Việt Nam. Trong buổi trao đổi với đại diện các Bộ, ngành và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chiều nay (19/5), lãnh đạo các doanh nghiệp Đài Loan, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ đã chia sẻ về những khó khăn gặp phải cũng như giải pháp để sớm trở lại sản xuất kinh doanh, khôi phục môi trường đầu tư.
Ông Lý Quốc Long – Hội trưởng Hiệp hội thương mại Đài Loan tại Hà Nội và cũng là lãnh đạo Công ty Tungshin, trụ sở tại Bình Dương cho biết chỉ sau một đêm nhà máy đã bị phá hủy, các nguyên liệu sản xuất bị cướp, tổn thất ước tính khoảng 10 triệu USD. Chung hoàn cảnh, ông L’eonce Lai – đại diện Công ty Chiao Sang (Đài Loan), trụ sở tại Hải Dương cảm nhận sau 20 năm hoạt động tại Việt Nam, sự việc lần này mang tính chất nghiêm trọng. “Chúng tôi nhận được điện thoại từ nhà đầu tư 7 nước, họ đều đặt câu hỏi rốt cuộc đã có chuyện gì xảy ra”, ông nói.
Không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Hong Kong cho rằng du lịch cũng là ngành có khả năng bị tổn thất. “Hiện Đài Loan, Hong Kong, Trung Quốc đã lưu ý khách du lịch sang Việt Nam”, ông phản ánh.
Dù vậy, các nhà đầu tư đều đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc kiểm soát tình hình và cho rằng việc cần làm nhất hiện nay chính là hàn gắn vết thương để doanh nghiệp sớm trở lại hoạt động, người lao động có việc làm và nhận lương đúng hạn.
Bà Liu Mei The - Tổng hội trưởng Hiệp hội thương mại Đài Loan tại Việt Nam nhấn mạnh tốc độ xử lý khủng hoảng sẽ là mấu chốt để Việt Nam lấy lại hình ảnh với nhà đầu tư nước ngoài và giúp những doanh nghiệp ở lại Việt Nam yên tâm sản xuất, kinh doanh.
“Việc Việt Nam bồi thường như thế nào để tỏ được thiện chí của Chính phủ là điều chúng tôi muốn thấy. Đây là cách để tăng cường niềm tin của nhà đầu tư vào Việt Nam. Vấn đề này cần phải xử lý rất nhanh”, bà Liu phát biểu.
Thay mặt các doanh nghiệp thành viên, bà kiến nghị Chính phủ Việt nam có những giải pháp hỗ trợ bảo hiểm cho người lao động, bởi hiện tại doanh nghiệp vừa phải lo vốn để sửa chữa nhà máy, vừa phải phát lương cho công nhân, và nếu được giải quyết về bảo hiểm sẽ giảm thiểu những gánh nặng cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng cần nới lỏng việc cấp phép cho người lao động nước ngoài để doanh nghiệp tuyển dụng nhân công thay thể những người đã về nước sau sự vụ vừa qua.
Liên quan đến thủ tục xác thực tổn thất để tính bảo hiểm, bà đề xuất có những bộ quy định vụ thể và đầu mối liên lạc tại từng vùng để xử lý những thủ tục hành chính, sau khi nhiều doanh nghiệp bị mất máy tính, dữ liệu và chứng từ hóa đơn.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cũng mong muốn có những giải pháp để ngăn ngừa những hành động tương tự xảy ra. Đồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoãn nộp thuế, thủ tục hải quan nhanh chóng để khâu nhập khẩu nguyên liệu được đảm bảo, đơn hàng có thể giao đúng hạn.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu, Mỹ, Australia cũng cho biết sẽ hỗ trợ Việt Nam để khắc phục những tổn thất và sớm khôi phục lại môi trường kinh doanh.
Trước những sự việc trên, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho hay Việt Nam bước đầu đã có những giải pháp để giảm thiểu tổn thất cho doanh nghiệp, ngăn chặn những hành vi trái pháp luật, giúp các doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất. Đến nay, ông thông tin an ninh các địa phương đã ổn định trở lại, tính mạng và tài sản của các doanh nghiệp, cá nhân được đảm bảo. "Tính đến sáng nay, đã có 80-90% số doanh nghiệp bị nạn đã quay lại hoạt động bình thường", vị này nói.
Đại diện 5 bộ, ngành có mặt tại buổi đối thoại cũng chung cảm nhận là chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp và khẳng định sẽ có những biện pháp để giảm tổn thất, giúp doanh nghiệp sớm quay lại sản xuất kinh doanh bình thường.
Ông Lê Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội) cho biết Bộ đã yêu cầu các địa phương tuyên tuyền để người dân tuân thủ các nội quy, kỷ cương lao động. Với các kiến nghị về miễn bảo hiểm, Bộ đang chờ địa phương phân loại, đánh giá để có biện pháp tháo gỡ kịp thời.
Bộ Tài chính cũng có công điện gửi Cục Bảo hiểm nhằm nhanh chóng đánh giá, bồi thường cho doanh nghiệp, cũng như ngăn ngừa việc trục lợi có thể xảy ra. Cơ quan Thuế, Hải quan sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp nhanh chóng làm thủ tục kê khai, quyết toán thuế, thông qua. Đặc biệt, Bộ sẽ cho doanh nghiệp bị thiệt hại được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, xem xét giảm thuế xuất nhập khẩu hoặc hoàn thuế liên quan đến trường hợp hàng hóa bị tổn thất, thiệt hại. Đối với trường hợp bị tổn thất bất khả kháng mà không thuộc diện được bồi thường, cơ quan thuế sẽ cho phép khấu trừ trong phần thuế thu nhập doanh nghiệp.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Ngoại giao cũng đồng cảm với tâm trạng của cộng đồng doanh nghiệp và cho rằng đây là nỗi đau chung, do vậy sẽ lắng nghe để có những kiến nghị kịp thời với Chính phủ. Đại diện Bộ Ngoại giao cho biết sẽ chia làm hai nhóm giải pháp, trong đó trước mắt sẽ ưu tiến tháo gỡ về lao động, tiền lương, bảo hiểm. Lâu dài sẽ là khôi phục lại lòng tinh của nhà đầu tư nói chung.
Đại diện Bộ Công an - Thiếu tướng Nguyễn Hồng Lĩnh lấy làm tiếc khi chưa bảo vệ an toàn tài sản của nhà đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên, ngay sau khi sự việc xảy ra, Bộ công an đã can thiệp kịp thời để không phát sinh những sự việc đáng tiếc tiếp theo.
Trước câu hỏi Việt Nam sẽ làm gì để bảo vệ tài sản, tính mạng của nhà đầu tư nước ngoài, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết công tác an ninh đang được duy trì trên toàn bộ 63 tỉnh, thành. Riêng Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh, cơ quan Công an vẫn duy trì các chốt bảo vệ hiện trường để đảm bảo điều tra. Đồng thời, Bộ đã khởi tố vụ án và đang tích cực truy tìm thủ phạm để đem ra xét xử trước pháp luật.
Các địa phương cũng được chỉ đạo phải rút kinh nghiệm, tìm ra nguyên nhân, đánh giá tình hình để phòng ngừa những việc có thể tái diễn. Nơi nào để xảy ra sự việc tương tự sẽ phải chịu trách nhiệm và bị xử lý. "Tôi tin tưởng trong tương lai an ninh, an toàn, tài sản, tính mạng của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sẽ được bảo đảm tuyệt đối an toàn. Mong các quý vị hãy tin vào điều đó", ông khẳng định.
Kết thúc hội nghị, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam sẽ có những biện pháp để giữ vững niềm tin của nhà đầu tư, kiểm soát được tình hình và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.
Trước những sự việc đáng tiếc vừa xảy ra, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã đưa ra thông báo chung, thống nhất với quan điểm của Chính phủ. Cụ thể:
Chính phủ Việt Nam kiên quyết thực hiện mọi biện pháp cần thiết theo pháp luật Việt Nam cũng như các cam kết quốc tế để đảm bảo an ninh và an toàn tính mạng, tài sản và quyền lợi chính đáng của các tổ chức nước ngoài, doanh nghiệp và các cá nhân tại Việt Nam
Tuyệt đối không cho phép bất cứ hành vi cố ý phá hoại đối với nhân viên và tài sản của doanh nghiệp nước ngoài và sẽ xử lý nghiêm minh những đối tượng gây rối để đảm bảo rằng những hành động như vậy sẽ không tái diễn.
Việt Nam kêu gọi Chính phủ các nước động viên các doanh nghiệp, chuyên gia và công nhân yên tâm ở lại để tiếp tục hoạt động kinh doanh cũng như khôi phục lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam.