Doanh nghiệp thờ ơ với thị trường chung ASEAN
(Tài chính) Kết quả khảo sát của Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia cho thấy gần 30% doanh nghiệp không quan tâm tới tác động của AEC - Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ hình thành từ cuối năm 2015.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN hình thành đồng nghĩa với một thị trường chung và không gian sản xuất thống nhất. Đây cũng là khu vực kinh tế cạnh tranh, được kỳ vọng sẽ phát triển đồng đều để hội nhập với nền kinh tế toàn cầu…
Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát được Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia đưa ra tại Hội thảo "Hướng tới cộng đồng kinh tế ASEAN và một số gợi ý chính sách đối với Việt Nam” vừa diễn ra sáng nay (27/10), số doanh nghiệp Việt Nam biết và hiểu về AEC còn ít. Cụ thể, 29% doanh nghiệp quan tâm đến tác động của AEC và gần 40% cho rằng thị trường chung không hề tác động đến họ.
“Hầu hết các doanh nghiệp chưa biết chính xác về thời điểm hình thành AEC, các nội dung trụ cột thị trường và việc Việt Nam đang là điều phối viên trong lĩnh vực logistics”, PGS., TS. Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia cho biết.
Trong khi đó, để chuẩn bị cho sự hình thành thị trường chung, thời gian qua Chính phủ đã đưa ra nhiều đề xuất, sáng kiến trong chính sách chung của khu vực. Theo đó, Việt Nam đã giảm hơn 10.000 dòng thuế xuống từ mức 0-5%, chiếm khoảng 98% trong biểu thuế, là một trong bốn thành viên ASEAN có tỷ lệ hoàn thành tốt nhất các cam kết trong lộ trình tổng thể thực hiện AEC. Ngoài ra Việc Nam cũng hợp tác toàn diện cùng các nước khu vực trong các lĩnh vực: thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, nông nghiệp giao thông vận tải, viễn thông, bảo hộ, sở hữu trí tuệ…
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thừa nhận đang có một khoảng cách khá lớn giữa nỗ lực chạy “nước rút” của Chính phủ với sự kỳ vọng của doanh nghiệp trong nước về AEC. “Doanh nghiệp đang quan tâm đến nội tại hơn là những vấn đề xa xôi”, ông Doanh nói.
Theo ông Doanh, nói là “nỗ lực” nhưng thực tế cơ quan quản lý vẫn chưa có một hành động cụ thể định hướng cho doanh nghiệp. Từ năm 2009, Việt Nam đã có chương trình nhưng vẫn rất chung chung và đến nay không thể đáp ứng yêu cầu của cộng đồng kinh tế ASEAN.
Trong rất nhiều sự chuyển dịch khi thị trường chung khu vực được thành lập, ông Doanh khá lưu ý đến sự chuyển dịch về nguồn nhân lực. Chuyên gia dẫn chứng: Hiện nay Thái Lan có những quy định rào cản rất chặt chẽ đối với lao động nước ngoài muốn vào làm việc tại nước này. Ngoài việc phải vượt qua các kỳ thi bằng tiếng Thái, nếu muốn hành nghề, lao động phải thuộc các luật lệ của nước này.
“Nếu lao động không học đại học ở Thái Lan thì khó lòng làm việc tại quốc gia này”, ông Doanh nhận định. Trong khi đó Bộ Lao động và Xã hội hiện nay vẫn chưa có quy định nào để người lao động ở nước ngoài hành nghề tại Việt Nam. Điều này khiến chúng ta sẽ bị động khi có AEC. Theo ông Doanh, Chính phủ cần có các chính sách cụ thể giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa hiểu được cơ hội và thách thức khi tham gia AEC.
Đồng tình quan điểm, ông Sơn cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam gặp không ít khó khăn khi tham gia thị trường chung, nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp tự thay đổi lại mình. "Chỉ có trong khó khăn doanh nghiệp mới phát triển được nếu trong tình trạng thuận lợi thì rất khó thay đổi”, ông Sơn cho hay.
Từ ví dụ tỷ phú Thái Lan mua lại Metro, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế lo ngại năm 2015 khi có sự lưu chuyển hàng hóa tự do nếu doanh nghiệp Việt không sẵn sàng thì hàng hóa "Made in Thailand" sẽ vào thị trường một cách đơn giản nhờ hệ thống này.
Tuy nhiên, theo ông Sơn bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp rất cần sự trợ giúp của Chính phủ thông qua việc tạo môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động của họ.