Doanh nghiệp và những thách thức về sở hữu trí tuệ trong hội nhập quốc tế

PV.

(Tài chính) Hòa nhịp chung với kinh tế đất nước, các doanh nghiệp nước ta đã và đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Trong quá trình này hội nhập này, một nội dung có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đó là vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Trong tiến trình tham gia vào nền thương mại toàn cầu, việc Việt Nam được chấp nhận gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hay tham gia vào các hiệp định đa, song phương (AEC, ACFTA, TPP...) cho thấy nỗ lực không ngừng của nước ta trong việc đảm bảo các chính sách pháp luật luôn tuân thủ các điều ước quốc tế và không ngừng cải thiện để tiếp tục hội nhập ở mức độ ngày càng sâu hơn.

Đặc biệt, các chính sách pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ được luôn luôn chú trọng trong môi trường quốc tế dự báo sẽ có nhiều khó khăn và thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt.

Cơ chế về bảo hộ sỡ hữu trí tuệ với tiêu chuẩn cao đặt các doanh nghiệp và các nhà đầu tư của Việt Nam vào một môi trường pháp lý phức tạp, bắt buộc họ phải chi phí một khoản đầu tư không nhỏ cho việc sử dụng cơ chế này. 

Cần phải nhìn nhận rằng, cho đến hôm nay, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp nước ta vẫn chưa nắm vững ý nghĩa, nội dung của cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ. Tất cả những điều đó dường như tạo thêm một gánh nặng hoặc thêm một rào cản với những nỗ lực thâm nhập vào thị trường của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp mới. Thực tế cho thấy, khi các doanh nghiệp gia nhập vào thị trường quốc tế, nhiều doanh nghiệp tưởng rằng hoạt động kinh doanh của mình không liên quan gì đến vấn đề sở hữu trí tuệ nếu không có các đối tượng ở hữu trí tuệ được đăng ký. Tuy vậy, môi trường pháp lý với cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ đã đặt mọi doanh nghiệp vào những ràng buộc và có thể rơi vào các vụ kiện tụng về tranh chấp pháp lý.

Trao đổi tại buổi hội thảo “Sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại toàn cầu: Giải pháp khắc phục điểm yếu cho doanh nghiệp Việt” được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh ngày 28/05/2013, ông Nguyễn Lâm Viên, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc công ty Vinamit chia sẻ: “ Khi mở rộng thị trường sang Trung Quốc, cứ nghĩ rằng thương hiệu Vinamit đã được đăng ký ở Việt Nam, nghĩa là không cần đăng ký ở quốc gia khác vì đã có tên có tuổi hẳn hoi! Nắm được sơ hở này, năm 2007, một đối tác của Vinamit ở Trung Quốc đã đăng ký thương hiệu Vinamit dưới cái tên Trung Quốc. Kể từ đó, nhiều khách hàng biết Vinamit ở Trung Quốc biết đến thương hiệu Vinamit bằng ngôn ngữ Trung Quốc chứ không bằng… Vinamit. Hàng hoá của Vinamit bị rút khỏi quầy ở hàng loạt siêu thị, nhường chỗ cho doanh nghiệp làm hàng giả”.

Cơ chế bảo hộ “bằng độc quyền sáng chế” cũng tạo ra một nguy cơ rất lớn cho những doanh nghiệp đầu tư tìm công nghệ mới. Trong tình huống mà việc nghiên cứu chậm đi đến kết quả hoặc mặc dù có kết quả nhưng chậm làm thủ tục đăng ký sáng chế thì có thể mọi quyền đối với sản phẩm nghiên cứu bị mất vào tay người khác đã có “bằng độc quyền sáng chế” cho sản phẩm tương tự. 

Bên cạnh đó, cơ chế bảo hộ trí tuệ khắt khe cũng tạo nên sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp lớn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí giữa nền kinh tế lớn với nền kinh tế nhỏ. Hầu hết quy mô các doanh nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với khả năng tài chính hạn hẹp. Vậy nên việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không chỉ rất khó khăn tại thị trường nội địa mà còn cả ở nước ngoài. Khi xảy ra tranh chấp, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp ở nước ngoài thì chi phí cao, thủ tục tư pháp phức tạp, chi phí thuê luật sư cao… khiến cho không phải có nhiều doanh nghiệp nước ta đủ sức để theo đuổi các vụ kện tụng để bảo vệ quyền của mình ở các nước khác.

Ngoài ra, số lượng các sản phẩm của doanh nghiệp nước ta được đăng ký về sở hữu nước ngoài là không đáng kể so với các doanh nghiệp nước ngoài. Bởi vậy, các sản phẩm của các doanh nghiệp nước ta sẽ có ít cơ hội phát triển lâu dài ở những thị trường với người tiêu dùng khó tính như ở Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…

Tuy nhiên, những khó khăn, tác động tiêu cực nêu trên chỉ là tạm thời, trước mắt. Lợi ích căn bản lâu dài của một cơ chế bảo hộ sỡ hữu trí tuệ đầy đủ, có hiệu quả là góp phần thúc đẩy việc cải tiến, chuyển giao và phổ biến công nghệ, mang lại lợi ích bền vững cho cả các doanh nghiệp và lợi ích kinh tế của xã hội.

Tại buổi hội thảo “Sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại toàn cầu: Giải pháp khắc phục điểm yếu cho doanh nghiệp Việt” được tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: “Khi tham gia vào môi trường thương mại toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đầy đủ và toàn diện ở các nước thành viên của các điều ước quốc tế liên quan, hưởng môi trường đầu tư lành mạnh hơn, người tiêu dùng được bảo đảm quyền để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái… Đây là một nhân tố rất quan trọng để giúp doanh nghiệp nước ta phát triển một cách bền vững trong tương lai”.