Doanh nghiệp vào mùa trả cổ tức

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Tháng 9 là thời điểm các doanh nghiệp (DN) vào mùa trả cổ tức và trong bối cảnh thị trường khó khăn, cổ tức càng trở nên có ý nghĩa hơn với cổ đông.

Doanh nghiệp vào mùa trả cổ tức
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Công ty cổ phần (CTCP) Công viên nước Đầm Sen (DSN) vốn được biết đến là một DN duy trì trả cổ tức cao qua các năm, dao động từ 30% đến 70%. Ngày 11/9 tới, DSN sẽ tạm ứng cổ tức cho cổ đông bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%, phần còn lại sẽ được Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) quyết định và trả vào đầu năm sau. DSN từng khiến nhiều cổ đông bất ngờ khi nâng mức cổ tức năm 2012 từ 30% lên 60% bằng tiền mặt.

CTCP Bóng đèn phích nước Rạng Đông (RAL) cũng quyết định trả cổ tức 30% bằng tiền mặt trong năm 2013 và ngày 11/9 tới, RAL sẽ tạm ứng cổ tức đợt 1 với tỷ lệ 15%. Một số DN trả cổ tức trong thời gian này như CTCP Kỹ thuật & Ô tô Trường Long (HTL) sẽ tạm ứng cổ tức đợt 1/2013 bằng tiền mặt với tỷ lệ 5% vào ngày 27/9.

CTCP Thương mại xuất nhập khẩu Thiên Nam (TNA) cũng vừa công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị (HĐQT) về việc sẽ tạm ứng cổ tức đợt 1/2013, với tỷ lệ 10% bằng tiền mặt vào cuối tháng 9/2013.  Tổng mức cổ tức cả năm 2013 của Công ty dự kiến là 20%.

Một số DN vừa thực hiện tạm ứng cổ tức đợt 1/2013 như Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS), CTCP Phân phối khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (PGD), CTCP Dược phẩm Bến Tre (DBT)... với mức tạm ứng chung là 10%.

Trong khi hàng loạt DN công bố sẽ không chi trả cổ tức, nhiều DN “chây ỳ” cổ tức năm này qua năm khác thì những DN vẫn duy trì trả cổ tức hàng năm như kể trên đã góp phần xoa dịu tâm lý bi quan của thị trường. Điểm chung của những DN này là đều có kết quả kinh doanh khả quan và giữ được mức tăng trưởng khá ổn định.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam -Vietinbank (CTG) đã có quyết định sẽ trả cổ tức năm 2012 cho cổ đông với tỷ lệ 16% (1.600 đồng/CP), dự kiến sẽ thực hiện vào ngày 24/9 tới. Tính đến thời điểm hiện tại, CTG là đơn vị trả cổ tức bằng tiền mặt cao nhất trong hệ thống ngân hàng. Cổ tức 16% là mức cổ tức trung bình khá so với các DN, song đối với Vietinbank, Ngân hàng sẽ phải trích số tiền mặt gần 4.200 tỷ đồng để thực hiện việc chi trả.

Trước đó, Vietcombank (VCB) cũng phải bỏ ra 2.760 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2012, dù với tỷ lệ chỉ là 12%. Ngày 26/9 tới, CTCP Ô tô Trường Hải sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%. Với vốn điều lệ 3.250 tỷ đồng, số tiền chi trả cổ tức của Công ty là 325 tỷ đồng…

Tại thời điểm này, dù thị trường chưa đón nhận những thông tin gây “sốt” như trường hợp CTCP Cơ khí và khoáng sản Hà Giang (HGM) khi Công ty này công bố trả cổ tức năm 2012 với tỷ lệ 120%/năm, CTCP Cảng Đoạn Xá (DXP) trả cổ tức năm 2012 tỷ lệ 70% bằng tiền, thay vì mức 30% như kế hoạch trước đó, nhưng nhà đầu tư vẫn hy vọng vào những “điểm sáng” cổ tức sẽ tiếp tục xuất hiện từ giờ đến hết năm 2013.

Thực tế, HGM, DXP hay DSN… vốn là những DN có truyền thống trả cổ tức “khủng”, nhưng thị giá cổ phiếu cũng luôn ở mức cao. Do vậy, để so sánh tỷ lệ cổ tức cao hay không, cần phải dựa vào thị giá của cổ phiếu, đồng thời so sánh tương quan với lãi suất ngân hàng tại thời điểm hiện tại.

Thông thường, thông tin DN trả cổ tức cao sẽ nhanh chóng được phản ánh vào giá của cổ phiếu. Bởi vậy, nếu phải mua cổ phiếu với giá cao để được trả cổ tức cao thì chưa chắc tỷ suất sinh lời đã cao. Mà đây mới là thước đo sau cùng về hiệu quả của một khoản đầu tư. Điều quan trọng, nhất là đối với các nhà đầu tư dài hạn, là tính bền vững của hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN. Bởi khi đó, cổ phiếu dù cao giá lúc đầu nhưng rốt cuộc cũng sẽ trở thành rẻ.

Nhiều ý kiến cho rằng, khi đầu tư vào cổ phiếu, nhà đầu tư cần dựa trên cơ sở, căn cứ vào nội lực của doanh nghiệp, chứ không chỉ dựa vào khoản lợi trước mắt là cổ tức cao. Tuy nhiên, xét một cách tổng thể, cổ tức không chỉ là “nhân tố” để “kích” giá cổ phiếu của DN mà nó còn phản ánh “sức khỏe” của DN, nó chứng minh nhiều DN vẫn đang đứng vững trong khó khăn.