Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hội nhập khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập

Theo dangcongsan.vn

(Tài chính) Ngày 28/10, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp cùng Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức Hội thảo quốc tế “Hướng tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và một số gợi ý chính sách đối với Việt Nam”.

Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hội nhập khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập
Việt Nam là một trong bốn thành viên ASEAN có tỷ lệ hoàn thành tốt nhất các cam kết trong lộ trình tổng thể thực hiện AEC. Nguồn: internet
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết: Hội nhập kinh tế ASEAN, đặc biệt tham gia tích cực vào AEC sẽ giúp Việt Nam tăng cường vị thế và uy tín trên diễn đàn ASEAN cũng như các diễn đàn quốc tế khác; đồng thời nắm bắt được những cơ hội và chủ động đối phó với những thách thức trong tiến trình hợp tác khu vực.

Cho tới nay, Việt Nam đã giảm thuế nhập khẩu cho hơn 10.000 dòng thuế xuống mức 0-5% theo Hiệp định ATIGA (Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN), chiếm khoảng 98% số dòng thuế trong biểu thuế. Việt Nam là một trong bốn thành viên ASEAN có tỷ lệ hoàn thành tốt nhất các cam kết trong lộ trình tổng thể thực hiện AEC. Tuy nhiên, vẫn còn một khoảng cách lớn về trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam so với các nước trong khu vực.

Cũng tại Hội thảo, ông Yoshifumi Fukunaga – Chuyên gia cao cấp về chính sách, Viện nghiên cứu kinh tế Đông Á và Đông Nam Á (ERIA) cho rằng: GDP của Việt Nam có thể tăng thêm 3,5% nhờ AEC (tác động tích lũy sau 5 năm), những lợi ích này có được do tự do hóa thuế quan, tự do hóa dịch vụ và thuận lợi hóa thương mại.

Đồng thời, ông Yoshifumi Fukunaga cũng cho rằng, nhằm thực hiện tốt quá trình hội nhập AEC, Việt Nam cần xóa bỏ thuế quan trong giai đoạn 2015-2018. Thực hiện sớm các biện pháp thuận lợi hóa thương mại như: hoàn thành Trung tâm thông tin thương mại Quốc gia, tham gia sớm vào chương trình tự cấp giấy chứng nhận; tăng cường và tạo thuận lợi cho các biện pháp tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp; rà soát và điều chỉnh lại thủ tục để tối đa hóa lợi ích mà AEC 2015 mang lại.

Giới thiệu về AEC, ông Lê Triệu Dũng (Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương) nhấn mạnh: AEC sẽ là một thị trường chung và không gian sản xuất thống nhất; một khu vực kinh tế cạnh tranh, phát triển kinh tế đồng đều, hội nhập với nền kinh tế toàn cầu trên nền tảng phát triển nguồn nhân lực, khoa học kỹ thuật. Các quốc gia trong AEC sẽ cùng hợp tác phát triển chính sách cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng; hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng, bảo hộ sở hữu trí tuệ, hợp tác về thương mại điện tử nhằm tạo thành một khu vực kinh tế cạnh tranh.

Đồng thời, đối với Việt Nam, các kết quả xây dựng AEC tới nay đã góp phần tạo ra các khuôn khổ tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại. Về đầu tư, AEC đã nâng cao vị thế Việt Nam với ý nghĩa là một cửa ngõ của ASEAN với thế giới, thu hút sự quan tâm cao của các đối tác Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,…

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn – Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), AEC mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam, gồm: cơ hội để mở rộng thị trường, tối ưu hóa các nguồn lực; thuận lợi hóa thương mại, tăng thu hút đầu tư; hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu; cơ hội để hợp tác, tận dụng tính kết nối của ASEAN.

Tuy nhiên, AEC cũng đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam khi phải cạnh tranh trên thị trường nội địa, khu vực và quốc tế về hàng hóa, dịch vụ và lao động. Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp chưa biết chính xác về thời điểm hình thành AEC, các nội dung, trụ cột của AEC, việc Việt Nam là điều phối viên trong lĩnh vực logistics.

Cụ thể, tỷ lệ các doanh nghiệp chưa biết về các tác động của AEC liên quan đến di chuyển lao động và di chuyển vốn trong ASEAN khá cao (từ 32-34%); khoảng 39% số doanh nghiệp cho rằng AEC không giúp cho việc di chuyển lao động dễ dàng hơn giữa các nước ASEAN,…Hầu hết các doanh nghiệp chưa có chiến lược hội nhập nói chung và AEC nói riêng; nhiều doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở chiến lược để nâng cao năng lực cạnh tranh ở thị trường nội địa,…Mặt khác, các cơ quan quản lý Nhà nước có tuyên truyền về AEC nhưng chủ yếu ở tầm vĩ mô. Các Hiệp hội có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp song chưa thực sự sát với nhu cầu của doanh nghiệp.

Bởi vậy, theo PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, nhằm tham gia hiệu quả vào AEC cần có sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa Nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội và các tổ chức nghiên cứu, tư vấn độc lập đối với quá trình hội nhập. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thông tin về AEC về: di chuyển về lao động và vốn trong AEC, các cơ hội và thách thức cụ thể cho từng ngành; xây dựng cơ chế phối hợp xử lý thông tin hội nhập.

Đồng thời, cần tạo ra kênh đối thoại để giúp doanh nghiệp và Nhà nước hiểu nhau hơn. Trong đó, cần có những điều chỉnh trong cách thức thu thập ý kiến doanh nghiệp về hội nhập; chú trọng đến hỏi ý kiến doanh nghiệp trước khi đàm phán,…Bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn trong việc tìm hiểu thông tin chính sách và hội nhập. Ngoài ra, các Hiệp hội ngành nghề cần đóng vai trò trung gian, trung lập để minh bạch thông tin; phát huy vai trò của Hiệp hội trong việc không chỉ là cầu nối mà còn là người đưa ra chuẩn mực kinh doanh và đào tạo nâng cao năng lực cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, theo TS. Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nhằm tham gia hiệu quả vào AEC, Việt Nam cần thực hiện nhiều giải pháp tích cực. Trong đó, cần nắm bắt và tận dụng cơ hội kinh doanh thông qua việc sử dụng các công cụ phòng chống rủi ro biến động; đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn, các hàng rào kỹ thuật; nhận thức đầy đủ về vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô và thay đổi chính sách. Thêm vào đó, tìm kiếm cơ hội sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu; sản xuất kinh doanh theo phân khúc, theo mạng, cụm, chuỗi; tham gia phát triển kết cấu hạ tầng, kinh doanh lĩnh vực ngành nghề phát triển mới.