Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững


Sản xuất và tiêu dùng bền vững là hai khâu chốt yếu của tái sản xuất xã hội quyết định tính bền vững của tăng trưởng kinh tế ở mọi quốc gia. Tại Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững, trong đó, Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp được triển khai từ năm 2009.

Toàn cảnh Hội thảo “Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững”.
Toàn cảnh Hội thảo “Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững”.

Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Hanns Seidel Foundation tổ chức Hội thảo “Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững”. Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về lợi ích sản xuất và tiêu dùng bền vững (SX&TDBV), đồng thời tăng cường vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững, qua đó góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Hội thảo cũng là diễn đàn đa chiều để các nhà hoạch định chính sách, đại diện các doanh nghiệp, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu cùng nhau trao đổi, thảo luận và đưa ra các khuyến nghị nhằm giải quyết các vấn đề đang đặt ra,hướng tới SX&TDBV. 

SX&TDBV là một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS., TS. Lê Xuân Đình – Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho biết, trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững, trong đó, Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp được triển khai từ năm 2009. 

Cho tới nay, sau 10 năm triển khai tích cực các dự án thúc đẩy sản xuất sạch hơn trong các doanh nghiệp công nghiệp thông qua các chương trình của Chính phủ và với sự hỗ trợ của đối tác phát triển, hàng ngàn doanh nghiệp Việt Nam đã được tiếp cận với dự án sản xuất sạch hơn và sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn còn sử dụng máy móc, dây chuyền sản xuất với công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Việt Nam có tỷ lệ các doanh nghiệp nhỏ và vừa cao, chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp cả nước. Hạn chế lớn nhất của các doanh nghiệp này chính là vấn đề vốn và công nghệ.

Trong khi đó, để phát triển bền vững, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, doanh nghiệp thường phải đối mặt với những khoản đầu tư lớn liên quan tới đổi mới công nghệ, cải tiến qui trình sản xuất hoặc thay thế nguyên liệu đầu vào...

Trong tiêu dùng, nhất là tiêu dùng cuối cùng của người dân, ở Việt Nam đang tồn tại nhiều vấn đề thiếu bền vững. Chẳng hạn, rác thải nhựa, các loại chất thải ra biển, ra sông và môi trường của Việt Nam hầu như chưa được kiểm soát tốt. Ý thức của người tiêu dùng chưa thực sự hướng tới xanh, sạch, bền vững.

Trước tình hình đó, cùng với sự tham gia của đông đảo cộng tác viên trên khắp mọi miện của Tổ quốc, nhiều sự kiện, diễn đàn, hội thảo để truyền thông, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững, cổ động và nêu gương những điển hình tiên tiến trong phát triển bền vững đã được tổ chức, nhiều đề tài, đề án về phát triển bền vững đã được triển khai.

Thông qua các chương trình dự án, hơn 1000 doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện SX&TDBV trong hoạt động của họ. SX&TDBV có thể áp dụng được ở mọi doanh nghiệp và mang lại lợi ích kinh tế cho chính doanh nghiệp.

Chương trình SX&TDBV cũng nhằm áp dụng phương pháp quản lý nguyên vật liệu đầu vào, chất thải qua toàn bộ vòng đời SP, giảm thiểu tới mức tối đa tài nguyên sử dụng, chất thải và ô nhiễm từ khâu khai thác tài nguyên, sản xuất các đầu vào trung gian, phân phối, markeing, sử dụng, thải bỏ chất thải, tái sử dụng hàng hóa và dịch vụ.

Mục tiêu của Chương trình SX&TDBV nhằm giảm nhẹ tác động môi trường trong quá trình tăng trưởng kinh tế, tăng lên phúc lợi xã hội từ các hoạt động kinh tế bằng việc giảm thiểu sử dụng tài nguyên, suy thoái và ô nhiễm.
Ông Đặng Hải Dũng, Chánh Văn phòng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công thương.