Phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa


Ngày 11/12/2019, tại Hà Nội, Học viện Tài chính tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa” nhằm tập trung thảo luận để nhìn nhận rõ các vấn đề cốt lõi mang tính thời đại, từ đó đề xuất các cách thức và giải pháp ứng phó phù hợp.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Đức Việt
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Đức Việt

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.,TS. Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, toàn cầu hóa đã mang lại tăng trưởng và phát triển ở cấp độ quốc tế, nhưng nó cũng đã tạo ra sự bất bình đẳng ngày càng lớn. Tác động của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế làm cho thế giới đương đại đang có những chuyển biến, tác động sâu sắc trên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội của nhân loại.

Để tận dụng được cơ hội này và vượt qua thách thức, Việt Nam đã xác định rõ phát triển bền vững là mục tiêu bao trùm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Theo đó, trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu; nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; sử dụng tốt các nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững; tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng; đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính sách kinh tế, bảo vệ môi trường và đảm bảo công bằng xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường hội nhập quốc tế; tận dung cơ hội tốt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do và cách mạng 4.0 mang lại…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa để nhìn nhận rõ các vấn đề cốt lõi mang tính thời đại để có các cách thức và giải pháp ứng phó phù hợp. Trong đó, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về lĩnh vưc kế toán – kiểm toán, tài chính doanh nghiệp và kinh doanh bền vững, phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững...

 Lãnh đạo Học viện Tài chính cùng các diễn giả chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Đức Việt.
 Lãnh đạo Học viện Tài chính cùng các diễn giả chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Đức Việt.

Trong đó, PGS., TS. Bùi Văn Vần - Trưởng khoa Tài chính doanh nghiệp (Học viện Tài chính) đã tham luận nhiều vấn đề liên quan đến kinh tế tư nhân. Theo PGS., TS. Bùi Văn Vần, ước tính kinh tế tư nhân đóng góp 42,1% GDP của nền kinh tế Việt Nam và có dấu hiệu tăng lên. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số rào cản đối với sự phát triển kinh tế tư nhân.

Theo đó, cần thiết phải xoá bỏ các rào cản, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân để kinh tế tư nhân thực sự trở thành “động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế; Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển. 

Bàn về vấn đề trên, Ths. Lưu Huyền Trang - Khoa Kinh tế (Học viện Tài chính) cho rằng, cần có một chính sách khẳng định rõ ràng về việc các DN tư nhân trong nước sẽ là trụ cột của nền kinh tế quốc dân và năng lực cạnh tranh quốc gia. Với khu vực DNNN ngày một chiếm tỷ trọng nhỏ hơn do quá trình cải cách DNNN, rõ ràng là khu vực DN tư nhân cần phải tăng trưởng nhanh hơn, hiệu quả hơn, với năng suất cao hơn nhằm tránh tình trạng nền kinh tế sẽ bị phụ thuộc quá nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực hộ kinh doanh có mức năng suất thấp hơn...

Hội thảo “Phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa” năm nay đã nhận được nhiều tham luận chất lượng, đa dạng về chủ đề nghiên cứu, được thực hiện cả bằng tiếng Việt và tiếng Anh tập trung vào các vấn đề như: kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính, kế toán kiểm toán... bền vững được đặt trong bối cảnh toàn cầu hóa.