Doanh số bán giảm gần 4%, thị trường xe máy Việt Nam liệu có bão hòa?
Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) cho biết, doanh số bán xe máy trong năm 2019 của 5 đơn vị thành viên đạt 3.254.964 xe các loại, giảm 3,87% so với năm 2018.
Như vậy, tính bình quân mỗi tháng, 5 doanh nghiệp này tiêu thụ gần 270.000 xe máy các loại, tương đương với mỗi ngày tiêu thụ trên 9.000 xe trên khắp cả nước.
Các đơn vị thành viên VAMM là Honda, Piaggio, Suzuki, SYM và Yamaha Việt Nam. Trong các thương hiệu này, Honda Việt Nam đang chiếm gần 81% thị phần xe máy tại Việt Nam với dải sản phẩm phong phú nhất, từ sản xuất trong nước đến nhập khẩu nguyên chiếc bao gồm các dòng xe số, xe tay ga, xe côn tay và xe phân khối lớn. Số thị phần còn lại chia cho 4 thương hiệu với thị phần giảm dần là Yamaha, Piagio, Suzuki và SYM Việt Nam.
Các doanh nghiệp này đang sản xuất và phân phối ra thị trường gần 100 dòng sản phẩm xe máy, từ xe bình dân đến cao cấp và hạng sang, bao gồm xe số, xe tay ga, xe tay côn và xe thể thao với giá bán từ mười mấy triệu đến hơn một tỷ đồng cho mỗi chiếc.
Điều khác với Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) thường công bố doanh số bán hàng chi tiết từng dòng sản phẩm của các đơn vị thành viên thì VAMM chỉ công bố tổng doanh số đạt được của 5 đơn vị thành viên và tăng hay giảm so với cùng kỳ nên không có số liệu để so sánh về mức tăng trưởng của mỗi đơn vị hoặc các mẫu xe bán chạy.
Đáng chú ý, doanh số bán hàng VAMM công bố chỉ là doanh số tiêu thụ trong nước bởi còn có một số doanh nghiệp xuất khẩu xe máy đi nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng không được tiết lộ. Đặc biệt, thị trường xe máy Việt Nam còn có sự góp mặt của các thương hiệu như Kymco, Ducati, Kawasaki, BMW, KTM, Benelli, Harley Davidson, Triumph, Royal Enfield, Motorrad... Tuy nhiên, do những đơn vị này không phải là đơn vị thành viên VAMM nên không có số liệu báo cáo bán hàng này.
Ngoài ra, thị trường xe máy Việt Nam còn có thương hiệu Việt là VinFast và Pega với nhiều sản phẩm xe máy điện, nhưng các đơn vị này cũng không phải là đơn vị thành viên của VAMM nên cũng không có số liệu báo cáo bán hàng.
Theo đánh giá của giới chuyên doanh, với doanh số bán hàng năm 2019 giảm gần 4% so với năm 2018, thị trường xe máy Việt Nam có thể bắt đầu bước vào giai đoạn bão hòa sau khi tăng trưởng doanh số 3,5% trong năm 2018 (năm 2018 doanh số tăng trưởng 3,5% so với năm 2017).
Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, nhiều người đã chọn ô tô làm phương tiện đi lại cho mình và gia đình. Đây cũng có thể là một trong những lý do khiến thị trường ô tô Việt Nam 2019 đạt doanh số bán hàng kỷ lục từ trong hơn 20 năm qua với tổng doanh số khoảng 400.000 xe được tiêu thụ trong cả nước.
Bên cạnh đó, trước tình hình ô nhiễm không khí và bụi mịn ở các thành phố lớn có những thời điểm đến mức nguy hiểm và độc hại đến sức khỏe con người cũng làm nhiều người thay đổi phương thức đi lại của mình bằng việc đi xe ô tô cá nhân hay sử dụng phương tiện cộng để đi lại nhằm đảm bảo sức khỏe cũng như giảm ùn tắc giao thông.
Dưới góc nhìn nhà sản xuất, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam cũng cho rằng, thị trường xe Việt Nam đã và đang bão hòa, dịch chuyển từ xe số sang xe tay ga và dòng xe tay ga đang chiếm hơn 45% thị phần.
Cùng với kinh tế Việt Nam phát triển, thu nhập của người dân ngày càng tăng và nhu cầu sử dụng xe tay ga vẫn còn nhiều tiềm năng không chỉ ở thành phố mà còn ở các vùng nông thôn và phân khúc này sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Bên cạnh việc khai thác các thị trường nông thôn, miền núi, một số doanh nghiệp còn mở rộng thị trường xuất khẩu xe máy sang nhiều thị trường và quốc gia để gia tăng doanh số bán hàng.