Thị trường xe máy đang "lao dốc"

Theo vân Linh/thoibaokinhdoanh.vn

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), lượng tiêu thụ mô tô xe máy đang có xu hướng giảm dần trên thị trường Việt Nam. Ngay cả dịp cận Tết như hiện nay nhưng sức mua cũng không có nhiều chuyển biến.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong 3 quý đầu năm 2019, người Việt chỉ tiêu thụ tổng cộng 2,335 triệu xe máy các loại (giảm khoảng 117.000 xe so với cùng kỳ năm 2018). Trung bình mỗi ngày, người Việt sắm thêm 8.647 xe máy các loại, giảm khoảng 434 xe/ngày so với mức trung bình trong giai đoạn 9 tháng đầu năm 2018. Tuy nhiên, quý IV/2019 thường là thời điểm sôi động nhất của thị trường xe máy nhưng tình hình cũng không mấy lạc quan.

Sức mua giảm

Thực tế, doanh số bán hàng của hầu hết các hãng xe máy tiếp tục sụt giảm trong những tháng cuối năm. Ngay cả Honda Việt Nam – nhà sản xuất nắm giữ tới 80% thị phần xe máy cả nước cũng công bố doanh số tháng 10 và tháng 11 sụt giảm nặng nề.

Theo đó, tháng 10/2019, doanh số bán chỉ đạt 227.776 xe, giảm 6,5% và tháng 11/2019 bán được 230.288 xe, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2018. Sức tiêu thụ giảm kéo theo lợi nhuận kinh doanh của các đại lý xe máy Honda cũng giảm so với thời kỳ đỉnh cao năm 2018.

Nếu như năm 2018, các đại lý bán xe máy Honda có doanh số lớn mỗi tháng đạt lợi nhuận ròng khoảng 500 triệu đồng thì sang 2019 giảm hẳn, bởi nhiều mẫu xe phải bán đúng giá, thậm chí có thời điểm bán thấp hơn giá công bố.

Có thể kể đến như mẫu xe Blade số và Wave RSX có mức giá bán ra thấp hơn đề xuất phổ biến 200.000 – 900.000 đồng tùy mẫu xe và phiên bản. Honda PCX và Winner X là 2 mẫu xe có giá bán thấp hơn giá đề xuất 1,2 - 5 triệu đồng.

Một số đại lý tại Hà Nội phản ánh lợi nhuận ròng của họ đã giảm chỉ còn khoảng 300 triệu đồng mỗi tháng.

Tất nhiên, hệ thống đại lý của Yamaha Việt Nam cũng không nằm ngoài tình trạng chung khi hầu hết các mẫu xe của hãng đều có giá bán ra thấp hơn công bố khiến lợi nhuận thấp, hòa vốn hoặc thua lỗ. Yamaha hiện có khoảng hơn 500 đại lý nhưng tổng doanh số bán chỉ đạt khoảng 400.000 xe.

Ước tính cả năm 2019, các doanh nghiệp (DN) thuộc VAMM gồm Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio, SYM bán được khoảng 3,2 triệu xe máy các loại, thấp hơn con số 3,38 triệu xe của năm 2018. Trong đó, riêng Honda Việt Nam có doanh số đạt gần 2,6 triệu xe. Yamaha Việt Nam có doanh số bán khoảng 400.000 xe. Còn tính tổng thị trường bao gồm cả những DN không thuộc VAMM vào khoảng 3,35 triệu xe.

Trước đó, giới chuyên môn cũng đưa ra dự báo nhu cầu về xe máy giai đoạn 2020-2024 sẽ tiếp tục giảm. Năm 2020, tổng cầu xe máy sẽ về khoảng 3,1 triệu xe; trong đó, các thành viên VAMM chỉ còn duy trì mức hơn 2,9 triệu xe, các năm tiếp theo sẽ giảm dần, còn 2,5 triệu xe vào 2024.

Giáp Tết, sức mua xe máy cũng không có nhiều cải thiện so với trong năm
Giáp Tết, sức mua xe máy cũng không có nhiều cải thiện so với trong năm
 

Bước vào giai đoạn bão hòa

Trong bối cảnh doanh số liên tục sụt giảm, các nhà sản xuất, đại lý phân phối mô tô xe máy tại Việt Nam cũng đã có nhiều nỗ lực “cứu vớt” doanh số khi liên tiếp tung ra những mẫu mã mới cùng với các chương trình khuyến mãi.

Mới đây nhất, Honda cho ra mắt dòng xe Air Blade 2020 với kiểu dáng thiết kế, công nghệ có nhiều thay đổi so với phiên bản cũ. Trước đó, đầu tháng 11, Honda giới thiệu đến khách hàng Honda SH mới với 2 phiên bản 125i và 150i có giá bán dao động 71 - 96 triệu đồng và bổ sung thêm 2 phiên bản màu mới của mẫu xe tay côn Winner X.

Yamaha tiếp tục bổ sung các phiên bản, màu sắc mới cho những dòng xe chủ lực như Exciter, Latte và Freego. Đặc biệt, Yamaha Việt Nam còn áp dụng chương trình ưu đãi “lì xì” tiền mặt với trị giá từ 700.000 đồng đến 2 triệu đồng cho khách mua xe Sirius, Exciter, Janus, Grande… trong tháng 12/2019.

Dù chuyển hướng tập trung vào các dòng xe côn tay, mô tô nhưng Suzuki áp dụng chương trình hỗ trợ lệ phí trước bạ trị giá từ 3 – 5 triệu đồng cho khách hàng mua xe GSX-R150, GSX-S150 và GSX Bandit 150.

Tuy nhiên, khảo sát thực tế của phóng viên cho thấy bất chấp việc Tết Nguyên đán đang cận kề, tại các cửa hàng, đại lý phân phối xe máy, khách hàng đến tham quan, mua sắm khá thưa thớt, khác hẳn không khí sôi động của năm trước.

Theo ông Gianluca Fiume, Phó Chủ tịch Tập đoàn phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương kiêm Tổng Giám đốc Piaggio Việt Nam, thị trường xe máy Việt Nam đã bước vào giai đoạn bão hòa. Đây là thời điểm kết thúc giai đoạn đi bằng ở đỉnh nhu cầu và bắt đầu vào giai đoạn giảm nhẹ trong 2 năm tiếp theo cho đến khi dấu hiệu lao dốc trở nên rõ nét hơn.

Có cái nhìn tích cực hơn, ông Keisuke Tsuruzono, Chủ tịch VAMM, cho rằng Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới với số lượng xe máy tiêu thụ tại thị trường trong nước. Năm nhà sản xuất lớn nhất gồm Yamaha Motor Việt Nam, SYM Việt Nam, Suzuki Việt Nam, Piaggio Việt Nam và Honda Việt Nam đang chiếm hơn 95% thị phần.

Hiện nay, số lượng tiêu thụ xe máy dù không còn thời hoàng kim, song với mức gia tăng dân số và sự phát triển kinh tế nhanh chóng, hạ tầng cơ sở tại Việt Nam liên tục được cải thiện, khiến các doanh nghiệp xe máy vẫn khai thác được nhiều phân khúc thị trường.