Độc đáo đón Tết Nguyên đán ở một số nước Châu Á

Theo laodong.vn

Tết Âm lịch là dịp để các thành viên trong gia đình cùng sum họp để đón chào năm mới hạnh phúc và bình an. Ngoài Việt Nam thì những quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Triều Tiên cũng có những phong tục truyền thống, độc đáo để đón dịp lễ này.

 

Trung Quốc

Tết cổ truyền ở Trung Quốc là ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Người dân Trung Quốc thường trang trí nhà cửa bằng cách treo những câu đối đỏ, đèn lồng đỏ dán giấy đỏ và đốt pháo để mong muốn có một cái Tết vui vẻ, một năm mới an lành.

Khi đến Trung Quốc vào dịp lễ này du khách sẽ thấy ngập tràn sắc đỏ của đèn lồng, của câu đối, phong bao lì xì…

Độc đáo đón Tết Nguyên đán ở một số nước Châu Á - Ảnh 1
Mỗi nước lại có cách đón Tết khác nhau, nhưng hầu hết đều quan niệm Tết Âm lịch là dịp để các thành viên trong gia đình cùng sum họp để đón chào năm mới hạnh phúc và bình an. Ảnh: TTXVN

Mỗi năm, trong lịch của người Trung Quốc tương ứng với một con vật nên trong năm của con vật nào thì người ta thường tránh ăn thịt con vật đó vào đầu năm. Thực đơn ngày Tết của người Trung Quốc đa phần là các loại bánh.

Trong đó đáng chú ý có bánh tổ (Nian Gao) được làm từ gạo nếp loại ngon, cùng với đường và gừng tươi. Theo tiếng Trung, “Gao” là bánh, “Nian” là chất dính, nghĩa là bánh nếp, bánh dính, mọi người dùng món bánh này với mong ước các thành viên trong gia đình lúc nào cũng luôn gắn bó với nhau bền vững.

Hàn Quốc

Người Hàn Quốc gọi ngày Tết Âm lịch là Seollal. Đây không chỉ là sự kiện đánh dấu thời khắc bước sang năm mới mà còn là kỳ nghỉ lễ dài ở Hàn Quốc (chỉ sau Tết Trung thu).

Cũng giống như ở Việt Nam, Tết Seollal bắt đầu từ ngày 1.1 âm lịch. Và dù sống trong một xã hội hiện đại, nhưng với truyền thống trọng gia đình, người dân Hàn Quốc vẫn giữ truyền thống về quê ăn Tết với người thân.

Khi năm cũ qua đi và năm mới tới, mọi người trong gia đình quây quần bên nhau và thực hiện những nghi lễ truyền thống.

Trong dịp lễ này, người Hàn Quốc thường mặc trang phục truyền thống Hanbok, tổ chức nhiều hoạt động chào mừng như nhảy múa, ca hát và chơi các trò chơi dân gian.
Trong dịp lễ này, người Hàn Quốc thường mặc trang phục truyền thống Hanbok, tổ chức nhiều hoạt động chào mừng như nhảy múa, ca hát và chơi các trò chơi dân gian.

Nghi lễ đầu tiên của ngày Tết, gọi là Charye, diễn ra tại nơi thờ cúng của gia đình. Các thành viên trong gia đình bái lạy trước bàn thờ để tỏ lòng tôn kính tổ tiên.

Phong tục này được thực hiện vào sáng sớm ngày đầu tiên của năm mới. Những món ăn được đặt lên bàn cúng gia tiên ngày Tết có thể khác nhau tùy theo từng vùng miền hoặc từng gia đình. Tuy nhiên, về cơ bản, các món như hạt dẻ, lê, bánh, cá khô, đậu phụ, canh bánh gạo, các món chiên là những món không thể thiếu trên bàn cúng gia tiên của người Hàn Quốc.

Sau lễ cúng gia tiên là nghi lễ Sebae. Những người trẻ trong gia đình tới bái lạy, chúc thọ những người lớn tuổi và sau đó được nhận tiền mừng tuổi từ cha mẹ, ông bà.

Trong dịp lễ này, người Hàn Quốc thường mặc trang phục truyền thống Hanbok, tổ chức nhiều hoạt động chào mừng như nhảy múa, ca hát và chơi các trò chơi dân gian. Vào ngày Tết, trước cửa nhà của người Hàn Quốc còn có một cái xẻng bằng rơm (gọi là Bok-jo-ri) với ý nghĩa hốt thóc gạo rơi vãi ngoài cửa, nhận được phúc lộc quanh năm.

Triều Tiên

Tết ở Triều Tiên được gọi là Seol. Trong dịp Tết, người dân Triều Tiên thường đến nhà họ hàng, thầy cô, bạn bè hoặc đến đặt hoa ở tượng đài cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và chụp ảnh.

Trong ngày đầu năm mới người dân Triều Tiên ăn bánh songpyeon, một loại bánh gạo nặn theo hình trăng lưỡi liềm thể hiện quan niệm sống "Trăng khuyết rồi trăng lại tròn" như cuộc đời vẫn đổi thay, xoay vần của họ.

 Giống như nhiều quốc gia Châu Á khác, người dân Triều Tiên cũng thường chơi các trò chơi truyền thống vào ngày đầu năm. Ảnh:  Reuters
 Giống như nhiều quốc gia Châu Á khác, người dân Triều Tiên cũng thường chơi các trò chơi truyền thống vào ngày đầu năm. Ảnh:  Reuters

Giống như những nước Châu Á khác, trong những ngày đầu năm mới, người dân Triều Tiên cũng có những nghi lễ đặc biệt để tưởng nhớ tổ tiên.

Sau nghi lễ chúc phúc năm mới, trẻ con ùa ra đường chơi cùng nhau. Còn ở trong nhà, người lớn sẽ chơi bài hoặc các trò chơi truyền thống. Tết ở Triều Tiên cũng là thời gian để mọi người sum họp quây quần bên gia đình.