Đối diện với khủng hoảng

Mai Hoa

TCTC - Các bài học lịch sử gần đây chỉ ra rằng khủng hoảng là động lực của sự cải tiến: Đồng Euro ra đời từ cuộc khủng hoảng ngoại hối đầu những năm 1990. Tương tự, cũng vào đầu thập kỷ 90, cuộc khủng hoảng ngân hàng tại các nước Bắc Âu đã tạo điều kiện cho Nokia trở thành nhà cung cấp điện thoại di động lớn nhất thế giới. Liệu cuộc khủng hoảng hiện tại có mở đường cho một cuộc hồi sinh tương tự ở châu Âu hay không? Câu trả lời xem ra không mấy khả quan bởi những yếu tố nội tại của nền kinh tế khu vực dường như không hậu thuẫn cho mong muốn này.

Dưới tác động của khủng hoảng tài chính, nền kinh tế của các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) như Anh, Pháp, Đức thậm chí đã bị thu hẹp hơn dự đoán. Vào thời điểm cuộc khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ Mỹ nổ ra, nhiều ý kiến cho rằng đây sẽ là thời điểm để EU thể hiện những giá trị của mình, thế nhưng những gì châu Âu đã, đang và sẽ trải qua cho thấy những tổn thất đến với nước Mỹ chỉ là “tổn thương ngoài da” trong khi những khó khăn đối với kinh tế châu Âu lại "ngấm vào tận xương tủy”.

Suy thoái đến 2010

Trong bản đánh giá về tăng trưởng kinh tế của 27 nước thành viên EU và 16 nước thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu mà Ủy ban châu Âu (EC) công bố vào tháng 5/2009, nền kinh tế khu vực đồng Euro sẽ suy giảm 4% trong năm 2009 và 0,1% trong năm 2010. Trên thực tế, trong quý I/2009, kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu đã suy giảm 2,5%, Đây cũng là quý có mức suy giảm kinh tế mạnh nhất của khu vực này kể từ khi Khu vực đồng Euro được thành lập (năm 1991) cho đến nay. Ngoài ra, kinh tế Khu vực đồng Euro cũng đã có 4 quý liên tiếp xuất hiện tăng trưởng kinh tế âm.

Trong 16 nước thuộc Khu vực đồng Euro, nền kinh tế lớn nhất là Đức có mức GDP giảm 3,8%, GDP của Pháp, Italia, Tây Ban Nha và Hà Lan lần lượt giảm 1,2%; 2,4%; 1,8% và 2,8%. Những con số này cho thấy kinh tế Khu vực đồng Euro đã rơi vào mức suy thoái sâu, Trong quý I/2009, mức tăng trưởng kinh tế của 27 nước thành viên EU là -2,5%.

Uỷ viên các vấn đề tiền tệ và kinh tế châu Âu - Joaquin Almunia nhận định, kinh tế châu Âu đang rơi vào giai đoạn suy thoái trầm trọng nhất từ sau Đại chiến Thế giới II đến nay, Xuất khẩu, đầu tư và tiêu thụ chính là ba nhân tố thúc đẩy kinh tế EU tăng trưởng. Tuy nhiên, khi khủng hoảng tài chính nổ ra, nhu cầu thương mại của các nước trên thế giới giảm xuống, gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho kim ngạch xuất khẩu của EU. Đồng thời, khủng hoảng tín dụng xuất hiện gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc đầu tư của các doanh nghiệp, bởi trong các phương thức tiền tệ của doanh nghiệp tại EU thì 3/4 dựa dẫm vào ngân hàng. Mức độ dựa dẫm vào ngân hàng của các doanh nghiệp tại EU còn cao hơn các doanh nghiệp Mỹ và đây chính là nguyên nhân khiến kinh tế EU suy thoái mạnh hơn kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng, quý I/2009 đã là thời kỳ đen tối nhất của kinh tế Khu vực đồng Euro. Mặc dù không thể dự đoán được tình trạng tài chính của khu vực trong quý II/2009 nhưng có thể khẳng định kinh tế của khu vực đồng Euro trong quý tiếp theo này sẽ không tồi tệ như quý I/2009. Nguyên nhân là do, khi khủng hoảng tài chính gây ảnh hưởng đến nền kinh tế từ cuối năm 2008, các nước thành viên trong EU chưa đưa ra được phương pháp ứng phó kịp thời hoặc nếu có, thì những phương án này vẫn chưa mang lại những hiệu quả ngay lập tức. Chính điều đó khiến cho tình trạng kinh tế EU và Khu vực đồng Euro trong quý I/2009 trở nên tồi tệ. Cùng với thời gian, chính sách kinh tế của EU và chính sách tiền tệ nới lỏng về số lượng của Khu vực đồng Euro sẽ có tác dụng, có thể là từ quý II/2009.

Tiến trình giảm chênh lệch phát triển giữa các thành viên bị kìm hãm

Cách nay 5 năm, EU tiến hành đợt mở rộng lớn nhất trong lịch sử của khối với việc đón nhận 10 thành viên mới là Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Séc, Slovakia, Slovenia, Estonia, Lít-va, Lát-vi-a, Síp và Malta, Năm 2007, Bungaria và Romania cũng đã được kết nạp.

Trong vòng 5 năm, việc gia nhập EU đã giúp nhiều thành viên mới đạt được những kết quả kinh tế đáng kể như phát triển thị trường địa ốc, luồng vốn đầu tư nước ngoài và phát triển các công nghệ cao. Mức lương trung bình tại các nước mới gia nhập EU đã tăng mạnh, từ 35% như ở Cộng hòa Séc, Hungary, đến 50% như tại Ba Lan, thậm chí có nơi tăng gấp đôi như ở Lít-va và Lát-vi-a.

Thế nhưng, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã tác động mạnh đến các thành viên mới của EU. Hậu quả trước tiên là tỷ lệ thất nghiệp lại tăng vọt ở Ba Lan, Lít-va, Hungary. Trong năm 2008, luồng tín dụng bằng ngoại tệ như Franc Thụy Sĩ, Euro đổ ồ ạt vào nhiều nước Đông Âu và Ban-tích. Suy thoái kinh tế đã làm cho đồng tiền quốc gia của một số nước bị mất giá trầm trọng, như đồng Zloty của Ba Lan hay đồng Forint của Hungary bị mất giá tới 30%. Do các khoản tín dụng cho tiêu dùng, tín dụng địa ốc được tính dựa trên ngoại tệ, đồng tiền quốc gia tuột giá không chỉ làm cho giá cả sinh hoạt đắt đỏ thêm mà còn gây khó khăn cho các hộ gia đình trong việc thanh toán các khoản vay mượn.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm tiến trình phát triển kinh tế của các nước thành viên mới khựng lại, khiến các nước này ngày càng khó bắt kịp trình độ phát triển kinh tế của các nước thành viên Tây Âu và cũng khiến quá trình nhất thể hóa EU càng trở nên xa vời hơn.

Thách thức nhất thể hóa EU

Trên thực tế, ngay từ trước khủng hoảng, EU đã bộc lộ những điểm yếu, Sự nhất thể hóa của EU đang đứng trước những thách thức lớn. Điểm căng thẳng chính trong EU từ lâu vẫn luôn là xung đột giữa các ưu tiên quốc gia và những lợi ích tập thể. Việc từ bỏ những lợi ích và quyền lực quốc gia trong các vấn đề tiền tệ, thương mại, thuế quan... vốn đã chẳng dễ dàng trong những thời điểm kinh tế thịnh vượng, nên ở những thời khắc khó khăn như trong lần suy thoái này, vấn đề chính trị quốc gia càng lấn át lợi ích chung.

Các nước thành viên đấu tranh vì bản thân mình, từ đó làm suy yếu đi khả năng đối phó với khủng hoảng của EU. Với trọng tâm là chính trị trong nước, các nhà lãnh đạo EU thời gian qua bất đồng sâu sắc về cách thức chống khủng hoảng, về việc chi bao nhiêu là đủ để kích thích kinh tế và chuyện liệu ECB có nên đặt nhiệm vụ chống suy thoái lên trên nhiệm vụ đề phòng lạm phát hay không.

Sự bất đồng thể hiện rõ trong cách thức mà các nước châu Âu tự hành động riêng lẻ để giải cứu ngân hàng và ngành công nghiệp ô tô của họ. Lẽ ra, một chính sách giải cứu chung của cả châu Âu mới là hợp lý nhưng trong rất nhiều vấn đề, như chính sách năng lượng để giảm bớt sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn khí tự nhiên từ Nga, cũng bị cản trở bởi thực trạng các quốc gia trong EU “mỗi người một phách”.

Do ưu tiên lợi ích quốc gia, 3 nước trụ cột của EU là Anh, Pháp, Đức đã không thể tạo nên một sức mạnh chung. Chính phủ Đức không muốn đầu tư quá nhiều vốn để kích thích kinh tế. Trong khi đó, vị trí và vai trò của Pháp trong ECB cũng là yếu tố tồn tại nhiều mâu thuẫn lớn. Chủ trương mở rộng các gói kích cầu của Anh lại không nhận được sự ủng hộ của Đức, Pháp, Đáp lại, Anh cũng ra sức phản đối mạnh mẽ kế hoạch tăng cường giám sát tài chính tại châu Âu của Đức và Pháp...

Tất nhiên, cuộc khủng hoảng lần này không hoàn toàn là xấu đối với tiến trình nhất thể hóa EU và châu Âu, EU đối với những nước nhỏ, đặc biệt là các nước thành viên mới, có vai trò bảo hộ khá tốt. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã trở thành thử thách lớn nhất đối với tính thống nhất của EU. Quá trình đối phó với khủng hoảng đã tạo ra một cái nhìn thực tế về con đường nhất thể hóa EU. Làm thế nào để tăng cường chứ không phải là suy giảm sức mạnh đoàn kết của EU- điều này thực sự là một thách thức cho các nước thành viên.

Chung tay chống khủng hoảng

Mô hình châu Âu với sự tham gia của chính phủ vào nền kinh tế; sự giám sát chặt chẽ hệ thống tài chính, sản xuất công nghiệp, thị trường lao động; hệ thống lương hưu và bảo hiểm y tế khá tốt đã có lúc được ngợi ca và được xem như là một lựa chọn thay thế hợp lý cho mô hình chủ nghĩa tư bản kiểu Mỹ. Tuy nhiên, cho dù khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ Mỹ, châu Âu lại đang chịu tác động nặng nề hơn. Nhiều nhà kinh tế học dự báo, suy thoái kinh tế sẽ ở lại châu Âu lâu hơn là ở Mỹ. Điều này có nghĩa là cách thức chống khủng hoảng của EU cần một sự thống nhất.

Cùng với khoản chi tổng cộng 3 nghìn tỷ Euro trong cuộc chiến chống lại khủng hoảng tài chính, các quốc gia thành viên EU cũng đã có những động thái hợp tác mới nhất trong nỗ lực làm "tan băng" thị trường tín dụng và hồi sinh nền kinh tế các nước trong khu vực. Ngày 24/06/2009, ECB đã cho hơn 1,100 ngân hàng trong khu vực vay 442,2 tỷ euro trong thời hạn 12 tháng với mức lãi suất 1%. Biện pháp mới này của ECB có thể giúp kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu phục hồi bằng việc hạ các loại lãi suất trên thị trường, hỗ trợ các ngân hàng cho doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tư nhân vay tiền.

Nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới, lãnh đạo 27 nước EU ngày 19/6 đã đạt được sự nhất trí về đề xuất thiết lập hệ thống giám sát tài chính liên châu Âu. Quyết định trên xuất phát từ nhận thức chung rằng châu Âu cần có cách tiếp cận mới thực tế trong vấn đề giám sát tài chính. Một hệ thống giám sát tài chính mới và rộng lớn của châu Âu sẽ không làm mất đi vai trò của các thể chế giám sát tài chính quốc gia, ngược lại, sẽ càng nâng cao vai trò của các cơ quan này trong khuôn khổ châu Âu.

Theo kế hoạch mới, sẽ có 4 cơ quan giám sát tài chính mới của châu Âu được thiết lập (dự kiến vào cuối năm 2010) nhằm củng cố các hoạt động giám sát tài chính của châu Âu ở cả tầm vĩ mô lẫn vi mô. Trong đó, có 3 cơ quan chịu trách nhiệm giám sát các ngân hàng, các công ty bảo hiểm và thị trường chứng khoán. Cơ quan thứ tư là "Ủy ban rủi ro hệ thống của châu Âu", có chức năng giám sát các rủi ro trong hệ thống tài chính EU và đưa ra những cảnh báo sớm về các nguy cơ mang tính hệ thống đe dọa làm mất ổn định tình hình tài chính khu vực.

Trong báo cáo mới đây gửi tới các Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng Euro, IMF lưu ý rằng châu Âu đang gặp khó khăn trong cách tiếp cận từng bước nhằm làm trong sạch hệ thống ngân hàng, sau khi hàng loạt ngân hàng trong khu vực phải nhờ đến các gói cứu trợ khẩn cấp để tránh rơi vào nguy cơ sụp đổ. Theo đó, EU cần một chiến lược chủ động để giải quyết tình hình tài chính suy yếu, xem xét lượng vốn các ngân hàng cần để đẩy lùi nguy cơ vỡ nợ, làm trong sạch các tài sản "có vấn đề", cân đối thu chi và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định kinh tế châu Âu sẽ thoát ra khỏi suy thoái chậm hơn từ 3 đến 6 tháng so với kinh tế Mỹ. Nguyên nhân là do châu Âu đã chậm trễ trong việc đưa ra các kế hoạch kích thích kinh tế và hệ thống tài chính. Một trong những lý do của sự chậm trễ này là những xung đột về lợi ích giữa các nước thành viên đã khiến các nhà hoạch định chính sách khu vực, các cơ quan điều phối chính sách tiền tệ như ECB trở nên bối rối. Để châu Âu không trở thành vật cản lớn nhất đối với sự phục hồi hoàn toàn của nền kinh tế thế giới, rõ ràng những hành động mang tính tập thể đang được đề cao hơn bao giờ hết.