Đổi mới sáng tạo “mở đường” cho những thành tựu quan trọng trong nông nghiệp

PV.

Thời gian qua, nhờ có các hoạt động đổi mới sáng tạo nên bộ mặt sản xuất nông nghiệp đã có những thay đổi, tiến triển tích cực. Đó là nhận định của TS. Nguyễn Tiến Định, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) khi chia sẻ với phóng viên về thực trạng năng lực đổi mới sáng tạo và tác động của nó tới năng suất chất lượng ngành Nông nghiệp Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

TS. Nguyễn Tiến Định cho biết, yêu cầu về đổi mới sáng tạo trong ngành Nông nghiệp đã được nêu trong nhiều văn kiện, quyết định của Đảng, Chính phủ như trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng về “Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế” hoặc trong Quyết định số 899/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững…

Đối với ngành Nông nghiệp, việc đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, lấy đổi mới sáng tạo làm bước đệm nâng cao năng suất chất lượng ngành nông nghiệp là một yêu cầu hết sức bức thiết trong bối cảnh hàng loạt những khó khăn đang bủa vây ngành nông nghiệp như ảnh hưởng từ quá trình đô thị hóa, quá trình hội nhập toàn cầu, biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết cực đoan…

Thời gian qua, nhờ có các hoạt động đổi mới sáng tạo bộ mặt sản xuất nông nghiệp đã có những thay đổi, tiến triển tích cực. Lĩnh vực nông nghiệp đã có nhiều bước đột phá, điển hình như: Tăng trưởng nông nghiệp được đánh giá vẫn ở mức cao, ổn định, xuất siêu nông - lâm - thủy sản liên tục tăng (kim ngạch xuất khẩu năm 2007 đạt 10,7 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD).

Hiện nay, nông sản Việt Nam đang xuất khẩu sang 180 nước và vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 15 thế giới. Việt Nam cũng đã tham gia và ký kết hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), đặc biệt là Hiệp định CPTTP và Hiệp định EVFTA, qua đó mở rộng “sân chơi” cho xuất khẩu nông sản.

Riêng trong lĩnh vực trồng trọt, Việt Nam đã thực hiện việc đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ: chuyển 200.000 ha gieo trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, ngô, rau màu; Phát triển liên kết sản xuất quy mô cánh đồng lớn (cả nước có 2.262 cánh đồng lớn, chủ yếu cánh đồng lớn lúa). Việc áp dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu được chú trọng, tạo ra nhiều giống mới, giống chất lượng cao/có chứng nhận.

Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm đã góp phần đổi mới trong điều hành và bứt phá trong hành động, làm cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn Việt Nam hòa được vào dòng chảy chung của công cuộc đổi mới và hội nhập

Còn trong chăn nuôi, hoạt động đổi mới sáng tạo thể hiện ở chỗ thực hiện cơ cấu lại giống vật nuôi (thứ tự ưu tiên: lợn, gà, bò thịt, bò sữa); chuyển từ phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô lớn trang trại/gia trại; Phát triển chăn nuôi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi khép kín. Nhiều tập đoàn lớn đầu tư chăn nuôi: TH, Dabaco, Thái Dương, Hòa Phát, VinEco...

Trong thủy sản, tăng cường ứng dụng rộng rãi các quy trình thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP), nuôi trồng thủy sản có chứng nhận và đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đồng thời hướng dẫn cho ngư dân những công nghệ mới nhất để tăng hiệu quả khai thác thủy sản; Đẩy mạnh chế biến (có 636 doanh nghiệp chế biến thủy sản quy mô công nghiệp chiếm 48,9% số cơ sở chế biến thủy sản có đăng ký sản xuất kinh doanh).

Trong lâm nghiệp, tập trung nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng: phát triển trồng rừng gỗ lớn theo hướng thâm canh, chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Tỷ lệ diện tích rừng trồng từ nguồn giống có kiểm soát và chứng nhận nguồn gốc lô cây con đạt 85%; Nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến: nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư công nghệ mới, hiện đại. Một số doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất sản phẩm xuất khẩu từ phế liệu, mùn cưa, dăm gỗ như viên nén năng lượng…

Có thể nói, nhờ đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm đã góp phần đổi mới trong điều hành và bứt phá trong hành động, làm cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn Việt Nam hòa được vào dòng chảy chung của công cuộc đổi mới và hội nhập, với nhiều lĩnh vực “tiên phong”, dẫn đường và mở đường, góp phần gia tăng sức mạnh kinh tế và tiềm lực quốc gia.