Đồng bộ các giải pháp đổi mới, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước


Năm 2021 khép lại với bao khó khăn vất vả của các doanh nghiệp trong việc thực hiện nhiệm vụ kép ’’chống dịch hiệu quả, đảm bảo sản xuất”. Khu vực doanh nghiệp nhà nước ngoài nhiệm vụ kép còn phải tiếp tục thực hiện công tác sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mặc dù tình hình cổ phần hóa, thoái vốn trong năm 2021 chưa đạt kế hoạch đề ra nhưng về cơ bản, với kết quả trong cả giai đoạn 2016 – 2020 và trong năm 2021, các doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước đã tích cực triển khai các biện pháp cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đây chính là động lực để tiếp tục đổi mới, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới.

Tiếp tục hoàn thiện thế chế về cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước

Trong giai đoạn 2016-2020 và năm 2021, hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật phục vụ quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được ban hành đầy đủ, tiếp tục được nghiên cứu, ban hành, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, đảm bảo chặt chẽ hơn, công khai minh bạch, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa (CPH), thoái vốn và hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN và DN có vốn nhà nước.

Theo đó, cơ chế, chính sách phục vụ công tác cổ phần hóa được hoàn thiện theo hướng chặt chẽ hơn, tăng cường công khai, minh bạch trong quá trình cổ phần hóa, tính đúng, tính đủ giá trị DN khi cổ phần hóa, tách quá trình xử lý liên quan đến đất đai ra khỏi quá trình cổ phần hóa (các DN khi thực hiện cổ phần hóa phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất trước khi công bố giá trị DN) qua đó hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán cổ phần và thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng, đồng thời quan tâm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động...; Cơ chế, chính sách tài chính về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN được hoàn thiện, bổ sung theo hướng tạo điều kiện để quá trình chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN đầu tư tại DN khác đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả theo nguyên tắc thị trường, bảo toàn vốn nhà nước/DNNN đầu tư ở mức cao nhất, hạn chế tối đa tổn thất đầu tư trong chuyển nhượng vốn của Nhà nước/DNNN. Đồng thời, trong năm 2021, Bộ Tài chính đã hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án cơ cấu lại DNNN, trong đó trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 – 2025.

Kết quả cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước năm 2021

Trong bối cảnh muôn vàn khó khăn, thách thức của đại dịch COVID-19, mặc dù tình hình cổ phần hóa, thoái vốn trong năm 2021 chưa đạt kế hoạch đề ra, nhưng về cơ bản, với kết quả trong cả giai đoạn 2016 – 2020 và trong năm 2021, các DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã tích cực triển khai các biện pháp cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Cụ thể, công tác cổ phần hóa, thoái vốn các DN trong năm 2021 không triển khai được như kế hoạch đề ra, cụ thể: trong năm 2021, về cổ phần hóa, Bộ Tài chính ghi nhận 03 DN cổ phần hóa (thực hiện trong năm 2020 - không thuộc danh mục DN cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt); Về thoái vốn, trong năm 2021 cả nước đã thoái được 1.652 tỷ đồng, thu về 4.356 tỷ đồng, trong đó: (i) thoái vốn nhà nước tại 04 DN với giá trị 52,8 tỷ đồng, thu về 85,1 tỷ đồng; (ii) các tập đoàn, tổng công ty thoái vốn tại 12 DN với giá trị 1.599,4 tỷ đồng, thu về 4.271,7 tỷ đồng; Nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn trong năm 2021 nộp về NSNN không đạt kế hoạch đề ra.

Mặc dù, tình hình cổ phần hóa, thoái vốn trong năm 2021 chưa đạt kế hoạch đề ra nhưng về cơ bản, với kết quả trong cả giai đoạn 2016 – 2020 và trong năm 2021, các DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã tích cực triển khai các biện pháp cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các DNNN tiếp tục hoạt động có hiệu quả, đóng góp quan trọng cho NSNN để phục vụ đầu tư phát triển, vừa đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và thực hiện nhiều nhiệm vụ kinh tế, chính trị, quốc tế khác. Đặc biệt, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, các DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và phục hồi nền kinh tế, qua đó uy tín và vị thế của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Các DNNN sau cổ phần hóa đều sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên, qua đó tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán. Việc cổ phần hóa DNNN gắn với bán đấu giá cổ phần và niêm yết trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và DN quy mô lớn được đẩy mạnh đã cung cấp cho thị trường chứng khoán hàng hóa có chất lượng, tác động mạnh mẽ đến phát triển thị trường vốn. Quản trị DN được nâng lên, kết quả là các công ty cổ phần có vốn góp của nhà nước là các DN hoạt động hiệu quả so với các DN khác, điều này đã khẳng định sự đúng đắn và chính xác trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN.

Nhìn chung công tác cổ phần hóa, thoái vốn trong năm 2021 chưa đạt được theo kế hoạch là do các nguyên nhân sau:

- Nguyên nhân khách quan:  (i) Việc rà soát, xây dựng, ban  hành Kế hoạch sắp xếp lại DNNN giai đoạn 2021 – 2025 theo Tiêu chí phân loại DN nhà nước, DN có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02/7/2021 còn chậm; (ii) Các DN cổ phần hóa có quy mô lớn, nhiều tồn tại tài chính, đất đai nên kéo dài thời gian chuẩn bị và triển khai; (iii) Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng lớn đến tình hình thị trường tài chính, chứng khoán trong nước và khu vực, ảnh hưởng đến công tác xác định giá trị DN, lập phương án sử dụng đất để thực hiện cổ phần hóa, triển khai công tác đấu giá phần vốn nhà nước theo quy định.

- Nguyên nhân chủ quan: (i) trong nhận thức và tổ chức thực hiện của một số cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu DN còn chưa cao, chưa quyết liệt trong tổ chức triển khai, thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nên còn tư tưởng đối phó dẫn đến kết quả thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn đối với các DN nhà nước không cần nắm giữ vốn thấp; (ii) Công tác chuẩn bị cổ phần hóa, thoái vốn chưa tốt. Nhiều DN chưa hoàn thiện đầy đủ thủ tục pháp lý sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trước khi cổ phần hóa, thoái vốn; còn nhiều vướng mắc, tồn tại về tài chính chưa được xử lý dứt điểm. (iii) Việc phối hợp giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu với các UBND tỉnh, thành phố, Bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công còn chưa tốt, tiến độ phê duyệt còn chậm; (iv) Chậm quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần của các DN cổ phần hóa đã chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, làm ảnh hưởng đến công tác bàn giao và thu nộp các khoản về Quỹ; (v) Một số DN chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, chậm đổi mới công tác quản trị DN sau cổ phần theo thông lệ quốc tế và chuẩn mực của các DN đại chúng.

Giải pháp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới

Trong thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và cơ cấu lại DNNN, cần triển khai các nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tạo sự nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị để nâng cao hơn nữa nhận thức và có hành động quyết liệt, cụ thể trong thực hiện.

Thứ hai, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách: (i) Sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN và các văn bản pháp luật liên quan; (ii) Tiền thu từ cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước được nộp về Ngân sách nhà nước và sử dụng bổ sung vốn điều lệ cho một số DNNN then chốt quốc gia và đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, địa phương; (iii) Có cơ chế chính sách để DNNN tham gia vào phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, mang tính mới, có khả năng chiếm lĩnh thị trường nội địa và vươn ra thị trường khu vực, thế giới; (iv) Thúc đẩy cơ chế phối hợp, hợp tác giữa các DNNN và giữa DNNN với các DN thuộc các thành phần kinh tế khác; (v) Đổi mới quản trị DN trong các DNNN theo nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế; (vi) Đổi mới cơ chế tiền lương, tiền thưởng, thù lao của người lao động, người quản lý, điều hành DNNN hợp lý, có tính cạnh tranh cao gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Thứ ba, duy trì tỷ lệ sở hữu của Nhà nước hợp lý để tăng tính cạnh tranh khi bán cổ phần nhà nước; đa dạng các hình thức sắp xếp DNNN (sáp nhập, hợp nhất, chia tách, bán, giải thể, phá sản, thoái vốn);  đổi mới phương thức cổ phần hóa DNNN, đảm bảo DN sau cổ phần hóa gắn với đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán:

Thứ tư, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN: (i) DNNN thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội do nhà nước giao theo cơ chế Nhà nước đặt hàng, cạnh tranh, công khai và xác định rõ, đầy đủ chi phí, giá thành; (ii) Hình thành đội ngũ quản lý DNNN chuyên nghiệp, có trình độ cao; lành mạnh hóa tài chính, nâng cao trình độ công nghệ, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị hiện đại theo chuẩn mực quốc tế; (iii) Hình thành và mở rộng các chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị, nhất là trong ngành, lĩnh vực then chốt Nhà nước cần nắm giữ; (iv) Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chủ động xây dựng và triển khai các giải pháp để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn, không đứt gãy chuỗi sản xuất, đảm bảo cuộc sống của người lao động trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Chuẩn bị sẵn sàng các giải pháp khôi phục, mở rộng sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy đầu tư phát triển để thu hút, đón nhận các chuỗi sản xuất cung ứng, kinh doanh của khu vực và trên thế giới sau khi dịch COVID-19 được khống chế.

Thứ năm, rà soát, đánh giá làm rõ thực trạng của từng dự án thua lỗ, yếu kém để có phương án xử lý hợp lý, kịp thời, giảm thiểu tối đa tổn thất cho nhà nước và xã hội. Tạo cơ chế để DN chủ động, tự chủ trong xử lý dự án theo nguyên tắc thị trường.

Thứ sáu, tăng cường công khai, minh bạch, giám sát, kiểm tra: (i) Đẩy mạnh phân công, phân cấp, cá thể hóa trách nhiệm gắn với các biện pháp đôn đốc, kiểm tra, giám sát; (ii) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả pháp luật việc công khai, minh bạch thông tin DNNN; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra hoạt động của DNNN, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật; (iii) Thực hiện công khai thông tin đối với các DN có vốn nhà nước (trừ các DN có liên quan đến quốc phòng, an ninh), đảm bảo cho mọi đối tượng quan tâm có thể theo dõi, giám sát, khai thác thông tin; (iv) Hoàn thiện hệ thống tiêu chí giám sát, đánh giá hiệu quả và xếp loại DN và người quản lý theo các tiêu chí tổng thể.

Thứ bảy, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên/Chủ tịch Hội đồng quản trị/người đại diện phần vốn nhà nước tại các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước với việc phê duyệt và tổ chức thực hiện Đề án cơ cấu DN, tổ chức và giám sát việc triển khai thực hiện có hiệu quả đề án được duyệt.

Thứ tám, thúc đẩy vai trò giám sát của tổ chức Đảng, đoàn thể trong DN.

Tài liệu tham khảo:

1. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02/7/2021 về Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021 – 2025;

2. Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 – 2025;

3. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1950/QĐ-TTg ngày 28/11/2020 về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2021;

4. Bộ Tài chính, Thông tư số 50/2019/TT-BTC ngày 08/8/2019 hướng dẫn bán đấu giá lô cổ phần kèm nợ phải thu của doanh nghiệp nhà nước có chức năng mua, bán, xử lý nợ;

5. Bộ Tài chính, Thông tư số 55/2019/TT-BTC ngày 21/8/2019 hướng dẫn bàn giao, tiếp nhận, xử lý các khoản nợ và tài sản loại trừ khi chuyển đổi sở hữu DNNN.

(*) Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính.

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1+2 tháng 2/2022.