Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2019 có gì nổi bật?
Ngày 25/12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố báo cáo "Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2019".
Năm 2019 là năm có số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ít hơn so với các năm trước đó. Theo Cổng thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật, tính đến hết tháng 11 năm 2019, mới chỉ có 267 thông tư được ban hành, thấp hơn nhiều so với con số từ 500 đến 800 thông tư của các năm trước đó, đối với nghị định, cũng mới chỉ có 91 nghị định được ban hành, thấp hơn con số 155 nghị định cùng kỳ năm 2018, và mức 125 nghị định trong 11 tháng đầu năm của năm 2017.
Tuy nhiên, theo nhóm chuyên gia thuộc Ban Pháp chế VCCI số lượng văn bản giảm không đồng nghĩa với việc khối lượng công việc xây dựng pháp luật của các bộ, ngành giảm.
Do đó, báo cáo về "Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2019" sẽ điểm lại một số vấn đề đáng chú ý trong năm qua liên quan đến công tác xây dựng pháp luật.
Loạt báo cáo "Dòng chảy pháp luật kinh doanh" là sáng kiến của VCCI, nhằm định kỳ hàng năm ghi lại bức tranh pháp luật kinh doanh của Việt Nam trong mỗi 6 tháng hoặc một năm. Sáng kiến này được bắt đầu từ đầu năm 2018 và và báo cáo này là báo cáo thứ ba trong chuỗi ấn phẩm này.
Trên cơ sở ý kiến phản ánh của doanh nghiệp, hiệp hội và nghiên cứu của nhóm nghiên cứu, Báo cáo sẽ điểm lại những quy định pháp luật trong năm 2019 có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có phân tích, bình luận về các quy định, từ đó có thể nhận biết được góc nhìn của doanh nghiệp về các chính sách trong năm nay.
Ngoài ra, Báo cáo cũng sẽ chọn ra các vấn đề về pháp luật để phân tích, đánh giá. Đây là những vấn đề quan trọng, tác động trực tiếp đến môi trường đầu tư kinh doanh.
Vấn đề của Báo cáo năm nay sẽ là đánh giá về hoạt động rà soát cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh năm 2019 và rà soát về chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật về kinh doanh.
Báo cáo sẽ cung cấp góc nhìn của doanh nghiệp đối với những vấn đề về quy định pháp luật, qua đó gửi gắm mong muốn, kỳ vọng của cộng đồng tới các nhà hoạch định chính sách.